Thứ năm, 13/10/2016, 15h39

Nghệ nhân Jarai dạy chế tác nhạc cụ dân tộc

Được biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, nghệ nhân người Jarai Rơ Châm Tih ở Gia Lai rất tự hào về các loại nhạc cụ mộc mạc và tinh tế của đồng bào Tây Nguyên. Anh mở lớp dạy nghề, lập xưởng sản xuất mỹ nghệ vừa bảo tồn văn hóa, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng.

Nghệ nhân Jarai dạy chế tác nhạc cụ dân tộc
Nghệ nhân Rơ Châm Tih giới thiệu đàn goong với khách nước ngoài.

Rơ Châm Tih (SN 1973) ở làng Jút, xã Iadêr, huyện Iagrai. Tuổi thơ gắn liền với nhiều lễ hội văn hóa, Rơ Châm Tih say tiếng đàn goong, đàn glơng glơh, sáo Bru… từ bé. Cần mẫn theo già làng học hỏi, anh được chỉ cách sử dụng, chế tác hầu hết các nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Lần đầu biểu diễn nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh vào năm 1991, Rơ Châm Tih có cơ hội thể hiện tài đàn hay, thổi sáo giỏi, được nhiều người biết đến. Từ đó, anh được cử đi trình diễn đến nhiều nước trên thế giới như Úc, Phần Lan, Thụy Điển, Lào, Campuchia… Anh cho hay: Người nước ngoài rất thích âm thanh mộc mạc mà mê hoặc phát ra từ quả bầu khô, ống lồ ô, tre nứa, khi rền vang như tiếng nước réo, ầm ầm như thác đổ, nhịp nhàng như tiếng chày giã gạo hay lắng đọng dịu êm của nhạc cụ Tây Nguyên.

Càng đem về nhiều tấm huy chương vàng, bạc, bằng khen, tặng phẩm biểu diễn nhạc cụ, Rơ Châm Tih càng ý thức việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đặt tên các con theo tên gọi nhạc cụ để nhắc nhớ cội nguồn chưa đủ, anh còn tình nguyện dạy chế tác, sử dụng nhạc cụ miễn phí cho nhiều thanh thiếu niên trong làng. Rơ Châm Tih hướng dẫn học trò tỉ mẩn từng thao tác để tạo ra sản phẩm tinh xảo. Đến nay, anh đã dạy được 45 trò biết chế tác, sử dụng một số loại đàn thông dụng. Sau khi thạo nghề, một số em tham gia xưởng sản xuất mỹ nghệ do anh làm chủ. Số còn lại về làng đảm nhận vai trò “hạt nhân” vừa truyền đạt vừa bảo tồn, phục dựng các hoạt động văn nghệ bị lãng quên nhiều năm.

Chia sẻ cơ duyên lấn sân sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đồ mỹ nghệ, Rơ Châm Tih kể: Một lần vào TPHCM biểu diễn, có vị khách thích cây đàn t’rưng bèn hỏi mua với giá 300 nghìn đồng. Anh liền gật đầu, “máu” kinh doanh hình thành từ đó. Năm 2000, Rơ Châm Tih được nhà nước hỗ trợ dựng một ngôi nhà sàn tại khu đất rộng ở phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku để thành lập hợp tác xã sản xuất hàng mỹ nghệ. Tuy nhiên ở đó cách xa làng Jút nên anh chuyển cơ sở sản xuất về nhà, tiện quản lý.

Ksor Quynh người làng Chuet, phường Thắng Lợi năm nay 20 tuổi, được xem là một trong ba học trò giỏi của Rơ Châm Tih. Một ngày Quynh có thể làm 5 chiếc đàn t’rưng loại nhỏ nếu có đủ nguyên liệu. Tre phải chặt trước một năm, sau đó ngâm dưới bùn hoặc phơi nắng 3 tháng, luộc qua nước sôi, hong khô trên giàn bếp cho cây thẳng, già, có màu vàng óng. “Khó nhất là khâu vót tre, chỉnh âm thanh “ngọt chuẩn”, thể hiện đúng tinh thần, tâm hồn của con người Tây Nguyên”,  Ksor Quynh cho biết.

Nói về tương lai, Rơ Châm Tih chia sẻ: Mình mong có điều kiện mời thêm nghệ nhân giỏi về dạy cho lớp trẻ thật bài bản từ khâu chế tác đến cách sử dụng nhạc cụ. Một mình không đảm đương xuể.

Nhà thơ Văn Công Hùng – người có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên nhận xét: Rơ Châm Tih là người đa tài. Tih vừa là nghệ nhân chế tác, biểu diễn nhạc cụ, vừa làm thầy dạy kiêm nhà kinh doanh đồ mỹ nghệ. Mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm ổn định của Tih rất hay, giúp người dân có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với nhạc cụ cổ truyền, như vậy công tác bảo tồn văn hóa mới bền vững.

Huỳnh Thủy - Lê Tiền (TPO)