Thứ tư, 2/9/2015, 15h38

Nghề xưa còn lại chút này…

Một trong những nghề hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn là nghề ép giấy, bọc vở thủ công. Trên một góc vỉa hè đường Tú Xương - Nguyễn Thông, ông Nguyễn Vòng (77 tuổi) vẫn lặng lẽ làm công việc của mình. Với ông, đó không chỉ là một nghề để mưu sinh mà còn là ký ức, là cuộc đời…

Dấu xưa giữa Sài Gòn

Khi máy móc hiện đại ra đời, nghề ép giấy thủ công bớt thịnh, những người làm nghề ngày nào cũng trôi dạt tứ xứ hoặc kiếm nghề khác để mưu sinh. Riêng ông Nguyễn Vòng vẫn bám trụ với nghề. “Nghề xưa còn đó, có muốn truyền chắc cũng không ai muốn học đâu”. Nói rồi ông Vòng nhìn chúng tôi, cười bảo: “Cảm ơn con đã quan tâm đến những người già. Bố già rồi, chuyện của bố cũng như câu chuyện của bao người dân lao động ở mảnh đất này thôi”. (Bố là cách xưng hô của ông với những người trẻ tuổi). Dưới cái nắng chói chang của Sài Gòn cuối hè, giọt giọt mồ hôi lấm tấm trên làn da đã nổi đầy đồi mồi, tóc bạc trắng, quên quên nhớ nhớ xuôi về trong ông…

Không đòi hỏi nhiều dụng cụ phức tạp, dụng cụ hành nghề ép giấy của ông Nguyễn Vòng rất đơn giản: Một chiếc xe đẩy, một cái bàn con, một chiếc bàn ủi than, giấy ép, mấy cuộn nhựa dẻo… 4 tuổi, mẹ mất, gia đình ông từ Hà Đông (Hà Tây ngày nay) chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Để mưu sinh, ông đã làm rất nhiều nghề và cuối cùng ông quyết định gắn bó với nghề ép giấy. Hơn 40 năm qua, không ngại trời mưa hay nắng, người ta vẫn thấy ông lặng lẽ làm việc ở một góc nhỏ trên vỉa hè đường Tú Xương - Nguyễn Thông. Nghề này đã giúp ông nuôi 6 người con khôn lớn. “Mỗi nghề có cái khó riêng. Nghề này có nhiều hôm phải ngồi phơi nắng đến rát mặt, thu nhập cũng không ổn định lắm nhưng được cái là có nhiều khách quen. Có người đem giấy tờ đến chỗ tôi làm cũng hơn 20 năm rồi”, ông Vòng chậm rãi kể.

Ông Vòng cần mẫn với công việc của mình

5 giờ sáng, ông bắt đầu một ngày làm việc của mình khi chạy xe đạp từ nhà ở quận 4 sang chỗ làm quen thuộc. Ở tuổi 77, ông nói cứ nhắc đến chuyện nghề, người bỗng nhiên vui lắm, mát rượi, mặc cho cái nắng ngoài kia oi ả, chỉ còn đây người làm nghề ép giấy tận tâm, tận tụy với nghề. Nhìn đôi bàn tay rám nắng của ông chuẩn xác trong từng đường là thẳng tắp khiến người xem không khỏi ngạc nhiên. Chiếc bàn ủi với than ủ nóng mà ông đang dùng có từ thời Pháp, được ông nâng niu như báu vật. Đó cũng là một trong những dụng cụ làm nghề lâu đời nhất trong “gia tài” đồ nghề của ông. “Nghề nào cũng cần phải dồn cái tâm của mình vào trong đó, nếu không sẽ thất bại hoàn toàn”, nói rồi ông cẩn thận lấy tấm nilon để ép vừa đủ hai mặt cuốn sổ hồng của một người khách vừa đem tới. Bàn tay ông tỉ mỉ cắt bớt những phần thừa và bắt đầu tạo đường viền bằng một thanh lò xo cũ kỹ. Những đốt ngón tay nổi cục u, chai sần là dấu tích của những lần sơ ý bị phỏng bàn ủi than. Ông cười lớn: “Công việc này ngó qua tưởng đơn giản nhưng chỉ cần cẩu thả chút xíu là mệt rồi. Làm không vừa ý khách hàng là coi như mất khách luôn đó”.

Khát khao giữ nghề

Khách hàng của ông Vòng có đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Nhiều người vẫn thích đến chỗ ông làm bởi sự gần gũi, thoải mái. Đôi khi rảnh rỗi, ông và khách hàng có thể ngồi hàn huyên tâm sự. “Những người quen biết cũ lần lượt vắng xa. Có ông bạn già vẫn thường đến đây ép giấy tờ. Một thời gian không thấy ông đến nữa. Hỏi chuyện những người hay đi tập thể dục với ông thì tôi mới hay ông đã mất. Còn rất nhiều người tôi chưa kịp biết tên nhưng chính họ đã níu giữ tôi ở lại với nghề này. Chẳng còn bao lâu nữa, tôi cũng sẽ chia tay nghề này để đến một nơi nào đó. Khi ấy, không biết có còn ai nhớ đến nghề này nữa không…”, ông Vòng trầm ngâm.

Thông thường, ông Vòng chỉ làm việc từ 6 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Ông bảo ông thích khoảnh khắc khởi đầu của một ngày mới. Những sáng tinh mơ, đạp xe đến góc phố nhỏ ông thường làm việc, nhìn những người dân lao động cũng đang hòa mình vào một ngày mưu sinh, ông thấy mình may mắn vì có được một cái nghề để nuôi sống gia đình. Tấm bảng hiệu nhuốm màu thời gian đã góp phần làm nên “thương hiệu” rất riêng của ông Vòng trên góc phố nhỏ ấy. Có lẽ vì vậy, khi kể về những đồ nghề của mình, đôi mắt ông luôn ánh lên niềm vui, tự hào. Ông say sưa kể như sợ bỏ quên một chi tiết nào đó. Ngay cả chiếc xe đẩy cũ kỹ mà ông gọi là “cửa hàng” cũng đã gắn bó với ông hơn 40 năm được ông kể với nhiều tình cảm tha thiết như đang kể về một người ruột thịt của mình. “Có lần, một nhóm du khách Tây đi ngang qua đây, thấy tôi đang cặm cụi dùng chiếc bàn ủi than để làm việc, họ ngạc nhiên lắm nên lại xin chụp hình với tôi. Một thời gian sau, họ quay lại gửi tặng tôi những hình ảnh họ đã chụp hôm đó. Tôi không biết tiếng Anh, chỉ nghe người thông dịch viên nói lại rằng họ cảm ơn tôi vì đã cho họ những khoảnh khắc tuyệt vời khi đến khám phá Việt Nam. Nghe vậy thôi mà vui đến mấy ngày trời đó”, ông Vòng hào hứng kể lại.

Ngày nay, những chiếc máy ép lụa, ép plastic đã trở nên phổ biến nhưng không ít người vẫn tìm đến với ông Vòng để được ông tỉ mỉ bọc giấy tờ hay cuốn sách… Những buổi sớm mai, khi dòng người đang ngược xuôi để bắt đầu một ngày mới, ở góc phố nhỏ này, ông Vòng say sưa làm việc. Thỉnh thoảng, ông lại trò chuyện với khách hàng đôi câu. Tiếng cười, tiếng nói của ông như xua tan sự xô bồ, hối hả của phố thị ngoài kia…

Bên vỉa hè đầy nắng sớm mai, ông Vòng vẫn mải mê làm việc để kịp giao số giấy tờ cho khách mà ông vừa nhận ép. Chốc chốc, ông lại trầm tư nhìn về phía ngã tư đông đúc.  Ông nói, những nghề thủ công như thế này không biết sẽ tồn tại được đến khi nào. Chúng tôi hiểu, ông còn nhiều trăn trở với nghề…

Yên Hà