Thứ tư, 13/1/2010, 09h01

Ngoại ngữ vẫn là môn thi bắt buộc!

Giờ học tiếng Anh tại Trường THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: T.T.Q

Sau khi Bộ GD-ĐT thông tin sẽ có những nét mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, trong đó có việc xóa bắt buộc đối với môn ngoại ngữ. Thông tin này đã tạo hai luồng dư luận: tán thành và phản bác. Tối 11-1, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT và khẳng định: “không có việc xóa bắt buộc thi môn ngoại ngữ”.
Môn học bức thiết của hiện tại và tương lai
Chỉ riêng địa bàn TP.HCM, số trung tâm (TT) dạy ngoại ngữ đã lên đến con số hàng trăm. Sự ra đời một cách “hùng hậu” của các TT này mục đích lớn là nhằm đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của đông đảo người dân, trong đó số lượng học sinh theo học chiếm số lượng không nhỏ. Trong lần trao đổi về việc nguyên nhân nào mà TT ngoại ngữ “mọc” lên quá nhiều, NGƯT Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM (lúc bấy giờ) cho biết: “Nhu cầu học ngoại ngữ là có thật, số lượng TT ngoại ngữ nhiều nhưng vẫn không đủ để đáp ứng yêu cầu. Do một số TT cơ sở vật chất thuê mướn và diện tích nhỏ nên không thể cải tạo và mở rộng”. Đúng như lời NGƯT Nguyễn Văn Cương, không chỉ các quận nội thành, các quận ven và huyện ngoại thành không thiếu TT ngoại ngữ. Một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM nói: “TP.HCM có đến 8 triệu dân, số sinh viên và học sinh gần 2 triệu, chưa nói đến số cán bộ công chức nhà nước hay nhân viên các công ty, chỉ cần 1/1000 số đối tượng này đi học ngoại ngữ thì số lượng TT không đủ đáp ứng. Cho nên TT ngoại ngữ nhiều không có gì lạ”. Chính nhu cầu học ngoại ngữ của người dân quá lớn nên chỉ sau vài năm một số TT mở thêm nhiều cơ sở như TT Anh văn Hội Việt Mỹ từ một cơ sở khiêm tốn nay đã có gần 5 địa điểm và địa điểm nào cũng hoành tráng, TT ngoại ngữ Dương Minh, Đông Âu… cũng phát triển không kém. Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, TS Trần Du Lịch nói: “Ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ rất cần thiết cho sự phát triển và hội nhập với thế giới. Đến năm 2015 Hiến chương khối Asean sẽ có hiệu lực (nước Việt Nam chúng ta nằm trong khối này). Đến lúc đó, những trao đổi về các lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế… giữa các nước trong khối sẽ nâng lên tầm cao và rộng lớn, đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cũng phải đáp ứng cho nên việc học ngoại ngữ là cần thiết”. TS Trần Du Lịch minh họa: “Cứ nhìn vào Ấn Độ sẽ thấy, đó là một quốc gia lấy tiếng Anh để học tập và giao dịch nên ngành công nghệ thông tin của họ rất mạnh hay như quốc gia Singapore cũng thế, nhờ lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ quát nên họ phát triển rất nhanh”.
Đáp ứng đúng nhu cầu

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân dự giờ tiết học ngoại ngữ tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM). Ảnh: T.T.Q

Mỗi năm lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng, do đó ngành du lịch đòi hỏi người biết ngoại ngữ rất lớn. Ngoài ra, đó cũng là vốn quý để những người yêu thích ngoại ngữ có cơ hội rèn luyện nghe và nói ngoại ngữ. Đối với ngành GD-ĐT TP.HCM, những năm học qua, lãnh đạo sở luôn nhấn mạnh tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ và môn tin học. Chính vì thế sự ra đời các lớp tăng cường tiếng Anh ở bậc tiểu học và THCS, dù chưa đủ đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận nhưng cho thấy nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh rất lớn. Đại biểu Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM cho biết: “Học ngoại ngữ không chỉ để biết thêm một ngôn ngữ mà thông qua đó, chúng ta tiếp cận với thông tin mới lạ của thế giới và đồng thời ngoại ngữ đặc biệt giúp học sinh, sinh viên nhanh chóng và dễ dàng đến với môn tin học (CNTT). Vì vậy, chúng ta không lạ lùng gì khi thấy phụ huynh tập trung cho con em đi học thêm ngoại ngữ”. Thực tế đúng như lời đại biểu Nguyễn Văn Minh, cứ vào thời điểm chuẩn bị nhập học, nhiều phụ huynh “chạy đôn chạy đáo” tìm cách cho con vào học được lớp tăng cường tiếng Anh. Thầy Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Minh Xuân nói: “Dù trường nằm ở “vùng sâu vùng xa” nhưng học sinh rất thích học ngoại ngữ. Bởi môn này hỗ trợ rất nhiều cho môn tin học”. Cô Võ Thị Thanh Sen, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nguyên Hãn, quận 8 cho biết: “Mỗi đầu năm học, số lượng phụ huynh đăng ký cho con vào học lớp tăng cường tiếng Anh rất đông, sức ép quá lớn. Có năm học, trường phải xin ý kiến của Phòng GD-ĐT và UBND quận cho mở thêm lớp nhưng vẫn chỉ đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu”. Không chỉ trong phạm vi trường học, đối với phạm vi xã hội nhu cầu biết ngoại ngữ còn bức thiết hơn. Chị Lê Thanh Hà, nhân viên một công ty quảng cáo nói: “Khi tuyển nhân viên, công ty nơi tôi đang làm việc (và cả nhiều công ty khác) đòi hỏi phải biết ít nhất một ngoại ngữ sau điều kiện bằng cấp chuyên môn còn kinh nghiệm công việc được xếp vào hàng thứ 3”. Ngoài ra, ngoại ngữ còn giúp học sinh, sinh viên dễ dàng hòa nhập vào xã hội nếu được du học đến một quốc gia khác như lời cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định: “Hầu hết học sinh đều thích học môn ngoại ngữ. Môn học này bổ trợ cho các em rất nhiều cho một số môn học khác, đặc biệt những em có điều kiện để đi du học, ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất”.
Trần Thanh Quang