Thứ ba, 9/1/2018, 21h56

Người “chăn” voọc ở Thiết Sơn

Từng là một người lính biên phòng nhiều năm gắn bó với núi rừng, ngày về quê, tình cờ thấy ở những lèn đá quê mình có nhiều cá thể linh trưởng voọc sinh sống, sau một hồi đứng lặng nghĩ đến những kẻ săn trộm luôn rình rập, gần 5 năm qua, anh âm thầm công việc “chăn” giữ cho sự an toàn của đàn voọc.

Anh Nguyễn Thanh Tú tuần tra để bảo vệ đàn voọc

1. Về thôn Thiết Sơn, (xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) hỏi anh Nguyễn Thanh Tú không ai là không biết. Nhiều người dân vùng này còn gọi ông bằng cái tên nghe thân mật: Tú chăn voọc! Câu chuyện về anh Tú chăn voọc nghe qua có vẻ đùa giỡn nhưng càng nghe, càng ngẫm lại càng thấm thía về tình yêu của một người dân dành cho núi rừng quê hương, tinh thần bảo vệ sự sống của các loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ biến mất do nhiều tác động. Anh Tú bấm đốt ngón tay: “Cũng đã ngót 5 năm, kể từ lần đầu tiên tui nhìn thấy đàn voọc ở núi rừng quê mình. Từ đó tới nay, ngoài giờ lao động trên ruộng đồng cùng vợ mưu sinh, tui dành chút thời gian để theo dấu chân những đàn voọc, tìm hiểu về thói quen sinh sống của chúng cũng như bảo vệ chúng khỏi họng súng của những thợ săn”. Anh Tú khoát tay chỉ về một vùng núi đá vôi rộng lớn ở thung lũng Thiết Sơn, nơi thượng nguồn sông Gianh hùng vĩ: “Voọc ở đây người ta gọi là voọc Hà Tĩnh. Chúng tìm đến sống ở quê mình, nghĩa là nơi này bình yên và mình phải có nghĩa vụ giữ sự bình yên ấy”.

Qua gần 5 năm âm thầm “chăn” voọc, đàn voọc ở thung lũng Thiết Sơn đã lên đến gần cả trăm cá thể. Với những đóng góp ấy, năm 2015, anh Nguyễn Thanh Tú vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích phát hiện và bảo vệ đàn voọc quý hiếm có tên trong Sách đỏ.

2. Anh Tú từng là sĩ quan biên phòng, hơn 16 năm công tác ở tuyến rừng biên giới Quảng Bình. Ngày ấy thời gian, anh từng được dự các lớp tập huấn nhận diện các loài động vật đặc hữu, quý hiếm. Ngày anh bắt gặp hình ảnh đàn voọc ở thung lũng Thiết Sơn, anh nhận ra ngay đó là voọc Hà Tĩnh loài linh trưởng quý hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam, đang được bảo vệ nghiêm ngặt. “Hôm đó, tui đi phát cỏ trồng rừng, khi mệt quá, tui nằm nghỉ trên tảng đá thì thấy phía núi đá trước mặt những chấm đen di động tiến về phía mình. Tui phát hiện ra đó là đàn voọc gần chục con. Chưa tin hẳn, tui về kể lại cho bố vợ nghe thì bố vợ cũng cho biết là vùng lèn này có rất nhiều voọc sinh sống. Sau chiến tranh, phần vì có nhiều người săn bắn nên voọc lùi xa lên núi, thời gian gần đây mới xuất hiện trở lại”, anh Tú kể. Xác định được đàn voọc ở vùng lèn Thiết Sơn, anh Tú âm thầm tìm hiểu và nhận thấy voọc ở đây cũng đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn. Nhiều đêm thao thức nghĩ về sự tuyệt chủng của loài voọc, anh Tú quyết định bảo vệ đàn voọc. Thế là từ đó, anh tranh thủ ngoài thời gian làm nương rẫy, một mình cơm đùm gạo bới lên núi bảo vệ voọc. Nhiều người thấy việc anh làm, lắc đầu bảo anh hâm. Sự nghi ngại ấy còn hiện diện ở cả những người thân của anh. Nhưng anh vẫn một mực đi, bởi “mình biết nó là loài cần bảo vệ trong Sách đỏ mà vẫn cứ để người ta săn bắn thì mình có tội”, anh Tú tự nhủ.

3. Không mất nhiều thời gian, anh Tú nắm khá rõ tập tính của loài voọc, nơi nào chúng hay kiếm ăn, sưởi nắng, vui chơi… Những tháng hè hạn hán, anh sợ đàn voọc khát nước, anh lại gùi nước lên đổ vào các hốc đá mà chúng vẫn thường kiếm ăn. Không dừng lại ở đó, để bảo vệ an toàn cho voọc, anh Tú còn tìm gặp những thợ săn bắn voọc trong vùng để thuyết phục, giải thích cho họ hiểu về loài linh trưởng này. “Ban đầu họ cũng không chịu nghe đâu. Tui phải tìm tới nhiều lần, mỗi lần là một cách thuyết phục họ mới xuôi xuôi. Vui nhất là có một anh từng làm thợ săn không chỉ hứa không săn voọc mà còn cam kết sẽ bảo vệ đàn voọc nữa”, anh Tú vui vẻ cho biết. Thu phục được thợ săn, anh Tú còn bổ sung thêm vào danh sách đội bảo vệ voọc của mình nhiều người dân khác nữa. Chưa hết, anh còn tìm đến tận Chi cục kiểm lâm tỉnh, xin đơn vị đo vẽ diện tích vùng núi đá vôi, nơi loài voọc sinh sống để việc bảo vệ được bền vững hơn và được chấp nhận với hơn 174ha dành cho không gian bảo vệ đàn voọc.

Voọc sinh sống ở thung lũng Thiết Sơn

Qua gần 5 năm âm thầm “chăn” voọc, đàn voọc ở thung lũng Thiết Sơn đã lên đến gần cả trăm cá thể. Với những đóng góp ấy, năm 2015, anh Nguyễn Thanh Tú vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích phát hiện và bảo vệ đàn voọc quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Anh Tú bảo: “Niềm vui nhất đối với tôi là bảo vệ được đàn voọc khỏi nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn và vui hơn là được sự đồng lòng của bà con, nhất là vợ và con gái tôi bây giờ không còn băn khoăn về việc làm của tôi nữa”. “Mình góp chút công sức để bảo vệ được đàn voọc quý hiếm. Bây giờ đến Thiết Sơn, có thể ngắm nhìn đàn voọc một cách thoải mái. Tôi nghĩ cùng với ý thức bảo vệ loài linh trưởng voọc và đưa vào tour du lịch cộng đồng ngắm voọc thì không chỉ Thiết Sơn được biết đến như một điểm đến du lịch mà ý thức bảo vệ voọc còn được nâng cao và lan tỏa rộng hơn”, anh Tú bộc bạch.

Vĩnh Yên - Dương Uyên