Thứ năm, 8/12/2016, 20h29

Người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Khó tiếp cận để giúp hòa nhập cộng đồng

Chiều 8-12, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức Hội nghị đánh giá sơ kết dự án Hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật (NCTNVPPL) dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2016.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH Q.1 phát biểu tại hội nghị

TS. Phan Thị Lan Hương, chuyên gia UNICEP cho biết, dự án này được thí điểm tại tỉnh Đồng Tháp và hai quận: Q.1, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Có rất nhiều trẻ em thuộc nhóm nguy cơ VPPL và VPPL tham gia vào mô hình này. Dựa vào kết quả đánh giá thí điểm theo tiêu chí của UNICEP đưa ra sẽ nhân rộng tại các địa phương khác.

Tại TP.HCM, trong ba năm dự án đã lập hồ sơ can thiệp 138 trường hợp NCTNVPPL, gồm: 92 trường hợp nguy cơ (tiến triển tốt: 68, chậm chuyển biến: 20 và không chuyển biến: 4) và 46 trường hợp VPPL (tiến triển tốt: 45, chậm chuyển biến: 1).

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, hành vi VPPL của đối tượng trong dự án này chủ yếu là cướp giật tài sản, mua bán ma túy…

Đối tượng hưởng dự án được hỗ trợ tư vấn tâm lý, hỗ trợ giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ về vật chất, y tế… Tuy nhiên, dự án chưa can thiệp xử lý chuyển hướng trẻ em thuộc nhóm đang bị xử lý hành chính, hình sự hoặc đã chấp hành xong các bản án.

Thách thức lớn của dự án là NCTNVPPL thường khó tiếp cận, có thái độ không hợp tác. Trong khi đó, đội ngũ đa số là kiêm nhiệm nên không có đủ thời gian để theo dõi, hỗ trợ người chưa thành niên. Khó khăn nữa là chưa xây dựng được một chương trình hỗ trợ toàn diện, liên thông và kết nối với các chương trình khác liên quan đến bảo vệ trẻ em và phòng chống tội phạm.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH Q.1 chia sẻ: Khó khăn lớn khi thực hiện dự án là các em có nguy cơ VPPL và VPPL đều xuất thân trong gia đình có ông, bà, cha mẹ đã từng VPPL. Vì vậy, công tác tập huấn, truyền thông để nâng cao nhận thức gặp khó khăn, các em thì không dễ tiếp cận.

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó phòng Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP) đề xuất: “Mặc dù dự án cung cấp một số lộ trình thực hiện giúp NCTNVPPL xử lý chuyển hướng và tái hòa nhập cộng đồng thông qua giới thiệu học nghề, tìm việc làm, tuy nhiên cần phải làm rõ hơn mục tiêu xử lý chuyển hướng và tái hòa nhập cộng đồng”.

Bà Hương thẳng thắn: Đây là mô hình hoàn toàn phù hợp với chính sách và pháp luật của Việt Nam, tuy nhiên thách thức lớn là ít nhiều tạo rào cản tâm lý đối với trẻ đang trong độ tuổi có hành vi lệch chuẩn. Chính vì vậy, người được hưởng dự án phải tiếp tục được hỗ trợ và mở rộng tại các quận, huyện, nếu dừng ở đây sẽ không chứng minh hiệu quả của nó.

“Ở giai đoạn tiếp theo, dự án nên tập trung vào việc đẩy mạnh việc tiếp cận tới nhóm đối tượng trẻ em VPPL, nhóm có nguy cơ VPPL cao thuộc các độ tuổi khác nhau, và nhóm đã chấp hành xong các biện pháp: đưa vào trường giáo dưỡng hay xử lý hình sự để giúp tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ quan công an cần có sự chia sẻ thông tin, phối hợp với Ban Bảo vệ trẻ em để can thiệp xử lý chuyển hướng”, bà Hương kiến nghị.

Dịp này, Sở LĐ-TB&XH, Công an TP, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cũng đã ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành hỗ trợ người dưới 18 tuổi VPPL dựa vào cộng đồng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Tuy An