Thứ ba, 13/6/2017, 21h02

Người dân khốn đốn vì ô nhiễm môi trường

Mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải sinh hoạt nhưng phần lớn được thu gom bởi những công cụ thô sơ, hàng ngàn tấn rác được đem chôn cất chứ chưa được xử lý triệt để… Điều này ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sống của người dân TP.

Xe chở rác đến bãi rác Đa Phước để chôn lấp. Ảnh: T.Tri

Gom rác chỗ này đem chôn chỗ kia

Tại kỳ họp bất thường mới đây của HĐND TP.HCM về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP - thông tin, mỗi ngày TP thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải sinh hoạt và được thu gom bởi Công ty Môi trường đô thị, các công ty dịch vụ công ích quận, huyện (40%) và hệ thống thu gom rác dân lập (60%). Trong đó bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) chôn lấp khoảng 5.500 tấn/ngày; số còn lại được chôn lấp, tái chế và làm phân compost tại các đơn vị thuộc Khu Liên hợp xử lý rác thải chất rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi).

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cũng cho biết, hiện số lượng rác thải chôn lấp ở TP chiếm 76%. UBND TP đã có kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 hạ tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50% và đến năm 2025 còn 20%.

Với cách thu gom và xử lý rác như hiện nay đã để lại hậu quả nặng nề là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Để xảy ra tình trạng ô nhiễm, một phần do chưa quản lý được thu gom rác dân lập, thiết bị thu gom lạc hậu, tần suất thu gom thấp”, ông Thắng thừa nhận.

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều năm qua người dân sống quanh khu vực bãi rác Đa Phước, quốc lộ 50, khu Nam Sài Gòn, huyện Nhà Bè... liên tục kêu cứu bởi mùi hôi hám, ô nhiễm mà bãi rác này gây ra. Ngay cả khu đô thị sang trọng, hiện đại nhất TP là Phú Mỹ Hưng, người dân cũng phải sống chung với mùi hôi thối khủng khiếp từ bãi rác này.

Tương tự, hàng ngàn hộ dân ở P.An Lạc, Q.Bình Tân cũng “kêu cứu” tới chính quyền địa phương và các ban ngành khi cứ ra Tết là mùi hôi thối lại xộc vào nhà. Thời gian người dân bị mùi hôi thối hành hạ từ 20 giờ đêm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Chị D.T.A, cư dân ở phường này bức xúc: “Sau Tết năm 2016 tôi chuyển nhà về đây, cứ đêm đến là mùi hôi thối lại nồng nặc bốc lên. Nhiều lần gia đình tôi tính chuyển nhà đi nơi khác vì chịu không nổi...”.

“Phá sản” chương trình phân loại rác?

Cũng tại cuộc họp HĐND nói trên, nhiều đại biểu cho rằng TP.HCM đã thực hiện phân loại rác tại nguồn từ nhiều năm qua nhưng đến nay dường như “phá sản”. “TP đã thực hiện phân loại rác thải rắn tại nguồn từ năm 1998 nhưng mức độ ảnh hưởng, đồng tình tích cực của người dân trong thời gian qua không nhiều. Chương trình rất tốt nhưng cần phải phát huy thêm nhiều hội đoàn tích cực tuyên truyền”, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng, muốn phát huy tốt chương trình trên nên bắt buộc các trường học, công sở, siêu thị thực hiện trước vì những nơi này có nội quy để kiểm soát, khi thành thói quen họ sẽ mang thói quen đó về nhà.

Tuy nhiên, dù ở trường học sinh được hướng dẫn phân loại rác nhưng nếu gia đình, xã hội không đồng loạt thực hiện thì học sinh sẽ khó thực hiện đúng. Giáo dục học sinh bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng đã được Sở GD-ĐT TP thực hiện trong nhiều năm qua. Do đó trong các bộ môn giảng dạy chính khóa cũng như ngoại khóa, các trường đã lồng ghép nội dung này vào giảng dạy từ bậc mầm non đến THPT. Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn cho biết: “Hơn 1,5 triệu học sinh TP đã được giáo dục tốt về ý thức bảo vệ môi trường, qua đó các em là lực lượng tác động tốt đến ý thức của mỗi thành viên trong gia đình, hàng xóm. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn lại, ở trường mình dạy các em phân loại rác, ở gia đình cũng thực hiện nhưng việc thu gom, vận chuyển lại gộp chung nên không khéo sẽ phản tác dụng”.

Đây cũng là vấn đề mà Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng UBND TP cần lưu ý: “Đã kêu gọi, vận động người dân phân loại rác tại nguồn thì việc thu gom, vận chuyển phải chuyển đổi phù hợp, đồng bộ mới có thể mong đạt được hiệu quả”.

Trang bị thêm thùng rác

Ra đường, người dân gặp không ít cảnh thu gom rác với những phương tiện rất thô sơ, lạc hậu. Rất nhiều nơi chỉ sử dụng xe ba gác, xe đẩy tự chế để thu gom tất cả các loại rác. Do đó, dù người thu gom có cẩn trọng đến đâu thì mỗi lần xe rác đi qua vẫn để lại không ít mùi hôi thối, thậm chí rơi vãi rác ra đường.

Theo đó, đại biểu Võ Thanh Luân cho rằng: “Cần loại bỏ phương tiện thu gom rác thủ công, phương tiện thô sơ”.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cũng nêu ý kiến: “Hiện nhiều nơi vẫn xử lý rác thải bằng các phương tiện quá lạc hậu, chúng ta cũng cần thay bằng các công nghệ mới trong xử lý rác thải”...

Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết: TP sẽ tổ chức lại hệ thống rác dân lập, đưa các đường dây rác dân lập vào các hợp tác xã để hoạt động và được quản lý bài bản hơn; có chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia chương trình phân loại rác tại nguồn; mỗi quận, huyện sẽ được trang bị thêm 1.000 thùng rác mới…

Đồng thời để TP.HCM thật sự là một TP có chất lượng sống tốt, trong đó trước tiên phải giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường, tại kỳ họp bất thường này HĐND TP.HCM đã đưa ra nghị quyết. Theo đó đến năm 2020, tỉ lệ phân loại rác tại nguồn trong các hộ dân đạt 50% và tăng dần vào các năm tiếp theo; đến năm 2018, đảm bảo 100% người dân TP được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường và duy trì trong những năm tiếp theo; Đặc biệt từ năm học 2018-2019, đảm bảo 100% học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn được giáo dục kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường…

Minh Châu