Thứ ba, 20/6/2017, 20h36

Người dân TP nơm nớp lo sạt lở

Theo thống kê của Sở GTVT, tại TP.HCM có 40 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở tại 8 quận, huyện. Người dân tại các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở này đang ăn ngủ không yên, lo sợ không biết nhà mình sẽ cuốn đi hoặc bị đổ lúc nào. Người dân sinh sống tại những khu vực này đang mong chờ những giải pháp khắc phục từ phía các cơ quan chức năng để thoát khỏi tình trạng “thót tim” lo sạt lở.

Người dân ở rạch Tôm lo ngại những vết nứt trên tường nhà do bị sạt lở đất

Nỗi khổ người dân

Mặc dù là hẻm bê tông nhựa nhưng tại rạch Tôm, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, trên mặt đường xuất hiện các vết nứt khá dài. Các vết nứt này dài khoảng 40m và miệng vết nứt này có chiều rộng từ 2-10cm và cách mép sông từ 1-5m. Điều này đã khiến cho các hộ dân sinh sống tại khu vực này hết sức lo ngại. Người dân hoang mang bởi không biết tình trạng này là do đâu và bao giờ mới chấm dứt.

Ông Trần Văn Mân (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) buồn rầu nói: “Người dân ở đây buồn, lo sợ, ăn uống không nổi mà ngủ cũng không yên chứ có phải ngủ yên đâu. Buồn rầu sợ sụp phải rời đi chỗ khác”.

Ông Đỗ Văn Hiệp Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè chia sẻ: “Chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động nhân dân ở khu vực này tạm thời lánh đi, đi khỏi những nơi sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng. Đồng thời chính quyền địa phương cũng hỗ trợ mỗi hộ dân 1,5 triệu đồng để ổn định cuộc sống ở thời gian trước mắt”.

Không chỉ rạch Tôm, huyện Nhà Bè mà tính đến nay trên địa bàn toàn TP có 40 điểm sạt lở tại các khu vực bờ kênh, sông tập trung ở các quận huyện như Nhà Bè, quận 2, quận Thủ Đức, huyện Cần Giờ... Trong đó có 23 điểm sạt lở nghiêm trọng. Huyện Nhà Bè vốn tiếp giáp với sông nên có nhiều điểm sạt lở nhất và có đến 11 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm được các cơ quan cắm bảng khuyến cáo người dân không được tới gần.

Nguyên nhân do đâu?

Người dân sinh sống tại các khu vực này đang phải sống trong sự lo âu và đối mặt với hiểm nguy. Sẽ khó có ai chấp nhận được khi một sáng mai tỉnh dậy toàn bộ tài sản, bị đổ ập hoặc nguy hiểm còn gây thiệt hại về người. Nguyên nhân của những vết và tình trạng sạt lở này do đâu?

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc về người và của Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với chính quyền địa phương đi rà soát và cắm những biển cảnh báo sạt lở để cảnh báo cho người dân. Bên cạnh đó còn thường xuyên kiểm tra để nhanh chóng phát hiện có dấu hiệu sạt lở.

TS. Võ Kim Cương nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết: “Dòng sông thì sẽ có chỗ lở, chỗ khác thì bồi. Việc gây sạt lở thì có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, đây là nguyên nhân tự nhiên được tạo ra bởi dòng chảy. Thứ hai, do những người khác thác lòng sông đã nạo vét dòng chảy, cụ thể ở đây là khai thác cát, làm cho dòng sông sâu xuống. Do đó, bờ của sông không đủ độ dốc an toàn tức là không có lớp đáy để chắn cho dòng nước xô quá mạnh vào bờ gây lở”.

Thời gian gần đây, việc sạt lở của khu vực ven sông, ven biển gần đây xảy ra theo cấp số tăng và ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, tại TP.HCM có hệ thống kênh rạch nhiều cũng không tránh khỏi tình trạng này. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là việc sạt lở ở thời điểm hiện tại không phải do tự nhiên gây ra mà do chính con người gây ra. Có lẽ chúng ta không quên được vụ sạt lở ở An Giang vừa qua tại khúc sông Vàm Nao, hay tại Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là một trong những ví dụ cụ thể nhất.

Theo TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho biết: “Khai thác cát là nguyên nhân lớn gây nên hiện tượng nước phá đáy sông rồi phá cả khúc sông. Không phải lấy cát chỗ nào là sạt lở chỗ đó. Ví dụ như tại rạch Tôm đã đề cập ở trên, không ai lấy cát ở đó cả nhưng sao lại bị sạt lở. Chúng ta nên hiểu, khi chúng ta lấy cát ở vùng hạ lưu, thượng lưu cũng gây ra sạt lở ở những vùng lân cận cách đó cả vài kilômét”.

Ngoài ra, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc về người và của Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với chính quyền địa phương đi rà soát và cắm những biển cảnh báo sạt lở để cảnh báo cho người dân. Bên cạnh đó còn thường xuyên kiểm tra để nhanh chóng phát hiện có dấu hiệu sạt lở.

Bài, ảnh: Phạm Quyên