Thứ hai, 13/12/2010, 16h12

Người đi tìm chữ đẹp

Niềm vui với thành quả lao động của thầy giáo Trần Minh Hải

Nhiều người quan niệm rằng chỉ có giáo viên nữ mới thật sự cẩn thận, chăm chút và đủ sức kiên nhẫn rèn từng nét chữ cho học sinh (HS). Thế nhưng trên thực tế vẫn có nhiều thầy giáo dạy tiểu học (TH) đã làm nên những kỳ tích vẻ vang cho nhà trường trong công tác rèn chữ giữ vở. Và thầy giáo Trần Minh Hải ở Trường TH Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức là một điển hình.
Người nào đó một lần ghé vào phòng truyền thống của Trường TH Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức thì sẽ thật sự ngạc nhiên khi bắt gặp những bức hình lưu giữ các hoạt động và thành tích trong phong trào Rèn chữ giữ vở. Những tấm hình đó là thông điệp về một ngôi trường lớn dần lên từ phong trào hai tốt, mà trong đó, phong trào rèn chữ đã tạo nên một sức bật mới suốt 10 năm qua. Càng ấn tượng hơn khi trong một vườn hoa đầy hương sắc đó còn có thêm hình ảnh của một nam giáo viên ngay từ khi bước chân vào ngành đã bén duyên với phong trào Rèn chữ giữ vở mà các đồng nghiệp đi trước đã trao gửi lại.
Viết chữ đẹp nhờ… học trò
Một ngày trung tuần tháng 11, tôi đến thăm Trường TH Lương Thế Vinh và thấy thầy Trần Minh Hải đang toát mồ hôi tập nghi thức Đội cho HS để chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2010. Giờ giải lao, tôi tranh thủ kéo thầy ngồi trò chuyện dưới bóng cây xà cừ râm mát giữa sân trường. Qua những dòng tâm sự chân tình, tôi hiểu được dấu ấn 10 năm kể từ ngày ra trường đến nay vẫn còn đọng lại trong ký ức người thầy giáo trẻ. Với những SV khác, việc được tốt nghiệp ra trường là một kỷ niệm vui thì với Hải đó lại là một… ký ức buồn. Sau hai năm miệt mài đèn sách trong Trường Trung học Sư phạm TP.HCM, năm 1999, Trần Minh Hải tốt nghiệp ra trường. Thế nhưng, ước mơ làm thầy giáo của anh chưa thể thành hiện thực vì không bước qua được cửa ải cam go của vòng thi vào ngạch công chức. Buồn thì có buồn nhưng Hải lại suy nghĩ, đi đường thẳng không được thì ta rẽ ngang. Thế là Minh Hải quyết tâm bước vào đời bằng nghề… làm thêm. Vốn có ngoại hình dễ coi và được bạn bè rủ rê, Hải tìm đến vài nhà hàng tại thành phố để có một chân chạy bàn, phụ việc. Công việc bưng bê này tuy vất vả nhưng lại có tiền xài. Tuy vậy, những lúc rảnh rỗi hoặc khi có dịp đi ngang qua một ngôi trường nào đấy, anh lại thấy chạnh lòng. Hai năm sau, Hải quyết tâm trở lại nghề bằng cách “nhắm mắt liều mình” nộp lại hồ sơ và không ngờ may mắn lần này đã đến với anh.
Chưa có một kinh nghiệm nào làm vốn trong tay và từng có hai năm đứt quãng với nghiệp sư phạm, cứ tưởng mọi khó khăn sẽ đến khi Hải được đưa về dạy tại Trường TH Trần Văn Vân, quận Thủ Đức. Thế nhưng, anh đã khiến nhiều người bất ngờ và ngưỡng mộ khi gặt hái không ít thành công ngay trong năm đầu tiên đứng lớp. Đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường có thể là chuyện bình thường đối với Trần Minh Hải nhưng để có một thành tích về rèn chữ cho HS là một việc quá khó đối với một thầy giáo trẻ như anh. Hải chia sẻ: “Ngay từ hồi học phổ thông tôi không phải là đứa học trò viết chữ đẹp nhưng lại rất thích các con chữ được cô giáo và các bạn viết nắn nót trên bảng hay trong tập”. Tuổi thiếu thời, Hải chỉ thích vẽ chim hoa và trang trí khánh tiết. Phải chăng đó chính là chiếc cầu nối đưa anh đến với công việc “mài chữ” cho HS.
 Thành công không bao giờ đến với bạn nếu thiếu lòng kiên nhẫn và sự chăm chỉ. Điều này quả không sai khi Hải bắt tay vào việc tự rèn chữ cho mình. “Khổ luyện cũng thành tài”. Chỉ sau một thời gian, bàn tay anh đã thuần thục hơn khi đưa những nét bút lên xuống một cách mềm mại. Bắt đầu từ đó không chỉ thổi hồn cho từng con chữ của mình, thầy giáo Hải còn “tiếp lửa” cho HS trong những giờ tập viết. Không phụ công thầy, các em HS đón nhận niềm đam mê đó như vườn cây non háo hức đón nhận tia nắngcủa mặt trời.
Không muốn chữ đẹp mất đi
 Cũng như nhiều thầy giáo khác, anh Hải thừa nhận đức tính cẩn thận, kiên trì là ưu thế của các đồng nghiệp nữ nhưng nói như vậy không có nghĩa là các thầy không làm được. Theo anh hiện nay do áp lực của công việc nên đa phần giáo viên ai cũng lo rèn kiến thức nên có nơi, có trường đã bỏ qua việc rèn chữ (mà theo họ là không cần thiết) cho HS. Đưa lên “bàn cân” hầu như ai cũng coi việc dạy dỗ chuyên môn là chính còn rèn chữ cho học trò thì cứ “được chăng hay chớ”. Thế nhưng, ở Trường TH Lương Thế Vinh thì không biết từ bao giờ phong trào này đã thấm vào máu thịt của cả hội đồng sư phạm. Và thầy Minh Hải cũng như được tắm mình trong không khí sôi động đó. Anh quan niệm chữ viết là tấm gương phản chiếu tính cách của con người như ông bà xưa đã nói: “Nét chữ - nết người”. Như một nhà tâm lý học lứa tuổi nhi đồng, Hải xác định HS ở lứa tuổi này hay bắt chước, thầy viết sao thì trò theo vậy kể cả khi giáo viên viết ẩu viết xấu. Vì thế, với trách nhiệm của một người thầy, anh không thể để “tờ giấy trắng” trong tâm hồn các em có một vết nhơ về sự cẩu thả, lười biếng. Thế nhưng có làm mới thấy khó, bắt tay vào công việc mới gặp trắc trở. Khó khăn đầu tiên là chương trình giảng dạy ở trường sư phạm trong bộ môn giáo học pháp không hề có bài giảng về cách viết và rèn chữ cho HS. Vì thế, sinh viên ra trường mạnh ai nấy làm. Thực tế giảng dạy là “một trời một vực” so với những bài học ngày nào trong giảng đường. Những thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước trong trường như cô Lộc Uyển, cô Ngọc Hằng, Đan Tuyền, Mỹ Linh, Bích Phượng, Kim Hạnh… cũng phải “tự bơi” mới có được những thành quả như ngày hôm nay. Hải học nghề… rèn chữ bằng nhiều con đường khác nhau: hễ có thời gian rảnh là anh tranh thủ đến dự các tiết dạy mẫu của đồng nghiệp, luyện viết cho HS vào các tiết học buổi chiều. Mấy tháng hè anh cũng tranh thủ “văn ôn võ luyện” tại trường. Chưa an tâm với những cố gắng của bản thân, năm 2008, anh tham gia một lớp thư pháp để biết cách vung tay múa bút tạo cho được các kiểu chữ rồng bay phượng múa như Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Nhưng người có ảnh hưởng nhiều nhất để giúp anh quyết tâm thực hiện ước mơ của mình chính là thầy Nguyễn Hoàng - một đồng nghiệp trong trường. Bảng vàng thành tích của thầy Hoàng là động lực lớn giúp anh vượt qua mặc cảm để hòa vào dòng chảy chung của phong trào mà đa phần là “đội quân tóc dài”. “Thầy Hoàng là lớp đàn anh đi trước đã vượt qua mọi trở ngại để đặt viên gạch đầu tiên cho những thầy giáo dạy TH như tôi”, anh Hải tâm sự. Kế thừa những thành tích mà “thần tượng” của mình đã đạt được, bắt đầu từ đây anh sẽ là người kế thừa để ngọn lửa truyền nghề không bao giờ tắt đi mà cứ tiếp nối mãi từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Bài, ảnh: Hương Thủy

Để tôi được “mục sở thị”, thầy Trần Minh Hải đã viết lên bảng bài thơ Mốm nổi tiếng của thần đồng Trần Đăng Khoa. Dưới bàn tay tưởng như cứng cỏi và thô ráp của người thanh niên, những dòng chữ mềm mại hiện ra đều tăm tắp. Lúc này tôi thấy anh không chỉ là một thầy giáo biết gieo vào tâm hồn đàn em nhỏ những giá trị chân thiện mỹ mà còn là một nhà thư pháp đang cho đời những con chữ đẹp như lòng yêu nghề mến trẻ của một thầy giáo “trường làng”.