Thứ hai, 25/10/2010, 15h10

Người đưa CNTT đến với giáo viên

Hiệu trưởng Trần Mậu Minh thắp lửa truyền thống

Tin học là một ngành khoa học vô cùng mới mẻ đối với Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ thứ XX. Đây cũng là bộ môn chỉ dành cho lứa trẻ vì họ dễ bắt nhịp với việc ứng dụng CNTT trong nghiên cứu và giảng dạy. Thế nhưng đối với nhà giáo Trần Mậu Minh, tin học đã là niềm đam mê của ông suốt 25 năm qua.
Đến thăm Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, lúc nào tôi cũng bắt gặp hình ảnh ông giáo già tóc đã đốm sương miệt mài ngồi làm việc bên chiếc máy tính cũ kỹ. Có thể nói ông là một trong những người mở đường và từng ngày ươm “hạt giống” tin học cho đội ngũ cán bộ GV của nhiều trường phổ thông tại Q.1 và sau đó là cả TP.HCM.
Đưa CNTT đến với giáo viên toàn thành phố
Năm 1975, đang theo dở năm cuối Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, anh thanh niên Trần Mậu Minh gác lại chuyện học hành đi làm công tác xã hội. Trước đó vì đã từng tham gia công tác của Thành đoàn nên ông được giao nhiệm vụ tiếp quản Trường tư thục Hưng Đạo (sau này là Trường THCS Chu Văn An, Q.1). Đó là duyên nợ đầu tiên đưa ông bước chân vào ngành giáo dục. Từ một bí thư chi đoàn GV, ông được đề bạt chức Hiệu phó Trường THCS Đồng Khởi vào năm 1980. Một trọng trách lại đến khi 4 năm sau đó ông được đề bạt chức Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm thực hành trực thuộc Phòng GD-ĐT Q.1. Thời kỳ này nhiều cơ sở còn thiếu trang thiết bị và đồ dùng dạy học nên trung tâm của ông trở thành đầu mối giúp đỡ các trường thực hiện tốt việc phân phối chương trình đặc biệt nhằm khắc phục tình trạng dạy chay. Đón đầu trong việc đưa CNTT vào công tác quản lý và giảng dạy, Phòng GD-ĐT Q.1 quyết định thành lập Trung tâm Tin học GD-ĐT và người điều hành trung tâm lại chính là thầy Trần Mậu Minh. Đón nhận cương vị mới, ông dồn tất cả tâm huyết cho công tác xây dựng mạng lưới tin học trong phạm vi cấp quận. Thời gian này ông cũng được cử làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng GD-ĐT Q.1. “Tôi nhớ vào những năm 1990, Q.1 là đơn vị đầu tiên có phòng máy. Tuy số lượng máy không nhiều và chủ yếu là đời cũ nhưng đã giúp Phòng GD-ĐT xử lý hồ sơ tài liệu bằng CNTT, đặc biệt là công tác khảo thí”, thầy Minh nhớ lại. Mấy mùa thi BTVH năm đó, Sở GD-ĐT cũng nhờ trường xử lý tất cả các dữ liệu về thi cử, vì thế đã hạn chế được rất nhiều sai sót. Nhưng tất cả không chỉ có thuận lợi và may mắn. “Nói là phòng máy nhưng trang thiết bị vẫn còn hạn chế lắm. Tôi nhớ lúc đó chỉ có 11 chiếc máy loại XT 286 đời cũ màn hình trắng đen, cấu hình thì yếu rất khó khăn cho việc lập trình”, ông trao đổi. Thế nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, ông cùng các đồng nghiệp của mình tìm cách sử dụng hết công suất của một đội quân có “11 cầu thủ” quý giá đó để đưa “đội bóng tin học” của quận đi tới bến bờ thành công. Tiếng lành đồn xa, nhiều đơn vị thuộc các quận huyện khác nhau trên địa bàn thành phố đã về Q.1 tham quan và học tập. Học tập Q.1, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.4 mở ngay một khóa tin học căn bản cho CB, GV trong quận. Chịu trách nhiệm giảng dạy lớp học này là Hiệu trưởng đến từ Trường Bồi dưỡng GD-ĐT Q.1. Đôi vai của người hiệu trưởng thêm nặng gánh khi giai đoạn này Bộ GD-ĐT đang thực hiện chương trình cải cách giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 theo dạng cuốn chiếu. Cũng nhờ ứng dụng CNTT trong giảng dạy mà đội ngũ GV các trường trong quận đã sớm bén duyên với máy vi tính mà “bà mối” không ai khác ngoài Trường Bồi dưỡng GD-ĐT quận. Không chỉ đem lại hiệu quả cho công việc, sự đóng góp của thầy Minh nói riêng và Trường Bồi dưỡng GD-ĐT Q.1 nói chung đã mang đến một hiệu ứng mới trong luồng suy nghĩ nông cạn của nhiều người lúc bấy giờ về việc cập nhật và ứng dụng CNTT trên nhiều lĩnh vực. Những GV lớn tuổi, các thầy cô thuộc bộ môn khoa học xã hội cũng không còn phân vân khi bước vào lớp bồi dưỡng tin học. Họ đã tự tin hơn khi ngồi trước máy vi tính để nhấn từng nút nhỏ trên bàn phím và rê chuột. Trung tâm Tin học GD-ĐT đã trở thành điểm sáng trong toàn quốc về đổi mới công tác nâng chuẩn GV. Vì những đóng góp không ngừng cho sự nghiệp ứng dụng và nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành GD nên 3 năm liên tục ông vinh dự được Bộ GD-ĐT trao tặng bằng khen.
Người thầy không danh hiệu

Hiệu trưởng Trần Mậu Minh nhận bằng khen cho Trường THCS Trần Văn Ơn

Dù đảm trách nhiều trọng trách nhưng ở bất cứ lĩnh vực nào, người hiệu trưởng này cũng cố làm cho tốt. Điều đó có thể thấy rõ trong giai đoạn ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm thực hành. Cũng như Trung tâm Tin học, Trung tâm Thí nghiệm thực hành thiếu rất nhiều trang thiết bị dạy và học. Trong hoàn cảnh đó, không ngồi chờ cấp trên rót kinh phí, ông cùng anh em lên kế hoạch… “tự chế” những thiết bị cần thiết song hành với việc phát động các trường tự làm đồ dùng dạy học cho mình. Khởi đầu cho chuỗi thành công của chiến dịch này là sự ra đời của hàng loạt bộ tranh dành cho cấp tiểu học ngay tại trung tâm. Ông Minh tự hào: “Bộ tranh được làm bằng lụa rất đẹp và có thể phục vụ cho nhiều bộ môn nên ban lãnh đạo các trường vừa nhìn thấy đã mê ngay. Thời gian này chúng tôi còn sản xuất thêm bộ thí nghiệm cho bộ môn vật lý, khoa học thường thức đóng vào va-li như hàng của nước ngoài tài trợ”. Hết sản xuất bộ tranh dành cho bậc tiểu học, ông cùng các đồng nghiệp quay sang sáng tác những bộ tranh cho các khối lớp THCS. Điều đặc biệt là khi bộ tranh của thầy Minh được chuyển ra Bộ GD-ĐT chờ xét duyệt thì được bộ đánh giá rất cao. Không lâu sau đó, Nhà xuất bản GD đã mua bản quyền bộ tranh này và in thành SGK Đạo đức lớp 1. Với vốn liếng tin học trong tay, khi trở về nhận cương vị Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An và sau đó là Trường THCS Trần Văn Ơn, đã “làm nóng” phong trào ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy và quản lý HS của GV. Công việc đầu tiên của người hiệu trưởng này là nâng cấp máy tính, lắp mạng cho toàn trường, trang bị màn hình lớn cho phòng máy. Từ công sức đó cả hai trường do ông lãnh đạo đã trở thành những đơn vị “khai đường mở lối” cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua việc sử dụng giáo án điện tử. Phong trào liền trở thành tâm điểm chú ý không chỉ trong mà cả ngoài ngành GD. Với mong muốn tất cả GV đều được phổ cập tin học nên khoảng thời gian này, thầy Minh đã mở nhiều lớp tin học... từ thiện cho đồng nghiệp. Từ việc ứng dụng tin học, Ban giám hiệu Trường THCS Trần Văn Ơn đã kết nối chặt chẽ với phụ huynh thông qua sổ liên lạc điện tử và mạng 1086. Ngọn lửa tin học từ bàn tay thầy Hiệu trưởng không chỉ thắp sáng cho HS, GV trong trường mà còn có sức lan tỏa đến từng PHHS, đem đến cho các bậc cha mẹ những tín hiệu lạc quan khi trao gửi niềm tin cho nhà trường.
Sau 7 năm cùng Trường THCS Trần Văn Ơn vượt qua bao gian khổ để trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành GD-ĐT thành phố và cả nước, thầy Minh không hề nhận được một tấm bằng khen nào cả. Nhưng với tôi, tấm huân chương cao quý nhất chính là công sức và thành quả mà thầy đã bỏ ra trong suốt 35 năm qua cho sự nghiệp GD-ĐT Q.1 và cả TP.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang