Thứ hai, 20/12/2010, 10h12

Người đưa đò thầm lặng

Cô Phạm Thị Hồng và các bé lớp cơm nát

Chị nói: “Cô Hiệu trưởng vẫn thường gọi tôi bằng một cái tên thật thân thương - “Người đưa đò thầm lặng”. Tôi rất thích và luôn cố gắng yêu thương học sinh, gắn bó trường lớp để xứng đáng với tên gọi này”…
Chị đến với nghề cô nuôi dạy trẻ từ năm 1983 đến nay. Gần 30 năm, chị đã bế bồng hàng ngàn đứa trẻ. Nhiều đứa từng rúc vào ngực chị, tè ị lên quần áo chị giờ đã trưởng thành. Gặp lại chị, chúng cứ ngơ ngơ ngác ngác nhưng khi ba, mẹ nhắc lại thì nhớ ngay…
Trở thành cô giáo vì… đi làm từ thiện
Là con gái lớn trong một gia đình nghèo và đông con nên mới 5 tuổi, cô bé Hồng đã phải bế em vẹo cả hông. Lớn hơn một chút, Hồng phải nhường niềm vui được đến trường cho các em, còn bản thân thì làm thuê làm mướn. Trong những ngày bươn chải ngoài đời, Hồng đã gặp rất nhiều mảnh đời bất hạnh - đó là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Lúc đó, Hồng bắt đầu ấp ủ giấc mơ sẽ trở thành một cô giáo để đem tình thương đến cho trẻ, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Rồi một lần, Hồng đi làm từ thiện tại một trại mồ côi ở Q.Gò Vấp (TP.HCM). “Tại đây tôi đã gặp một cô bạn đang làm cô nuôi dạy trẻ. Cô ấy hỏi tôi: “Hồng có thích làm cô nuôi dạy trẻ giống mình không? Nếu thích thì đến Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình đăng ký học sơ cấp ba tháng. Tôi đã đến đăng ký và đi học. Học xong, tôi được phân về công tác tại Nhà trẻ Q.Tân Bình”, chị Phạm Thị Hồng - giáo viên lớp cơm nát (16-24 tháng) Trường Mầm non Nhiêu Lộc, Q.Tân Phú nhớ lại.
Chị được phân vào lớp nhỏ nhất - trẻ 4, 5 tháng. Mặc dù đã có thâm niên cả chục năm bế em nhưng khi nhìn thấy những đứa trẻ bé tí tẹo, chị không khỏi lo lắng. Chị còn nhớ như in cái lần đầu tiên nhận đứa trẻ mới hơn năm tháng tuổi từ tay phụ huynh. Chị lóng ngóng không biết phải bế bé thế nào, rồi quyết định bế xốc nách vì ngày xưa chị vẫn thường bế mấy đứa em như vậy. Nào ngờ phụ huynh “lên lớp” ngay: “Cô không được bế cháu như vậy”. Từ đó chị không bế xốc nách nữa mà chỉ ôm trẻ vào lòng. Mỗi ngày ôm một đứa trẻ, hơi ấm của trẻ truyền sang chị. Và từ lúc nào không biết, chị đã coi những đứa trẻ ấy như con đẻ của mình vậy.
“Cháu nhỏ nên mỗi lần cô ôm là cứ rúc đầu vào ngực, vào vú cô. Hồi đó còn con gái nên cũng hơi ngượng”, chị kể.
Ngày đó chị vừa làm giáo viên vừa phải kiêm thêm công việc của một cấp dưỡng. Mỗi buổi sáng, một nhân viên của trường đi mua thực phẩm rồi về phân phát cho từng lớp. Lớp của chị có 5 cháu, 2 cô nên được chia cho một ít rau củ quả và thịt hoặc cá. Thế là một cô canh cháu, còn một cô vào bếp (bếp ngay trong phòng học) cắt rau củ quả, thịt hoặc cá rồi rửa và bỏ vào nồi nấu cháo. Sau đó thì cà cho nhuyễn và đút cho cháu ăn.
“Cái xác thức ăn được phơi khô và tận dụng làm đồ chơi cho cháu, chứ không vứt đi”, chị cho biết.
Bị phụ huynh “chửi” do… cứu sống học sinh
Vì cứu sống một học sinh mà chị đã bị mẹ của bé “chửi” như tát nước vào mặt. Đó là một kỷ niệm buồn mà suốt đời chị cũng không thể nào quên. Tuy vậy, chị không bao giờ hối hận vì việc làm của mình đã cứu bé Thu An khỏi bàn tay của thần chết.
Hồi đó, chị công tác tại Trường Mầm non Quận, Q.Tân Bình. Có lẽ chị “mát tay” nên Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục giao cho chị nhiệm vụ trông giữ nhóm nhỏ (12-18 tháng). Buổi sáng hôm đó, như thường lệ, phụ huynh giao bé Thu An cho chị. “Đón bé trong tay, tôi thấy bé vẫn tươi cười, hoàn toàn không có dấu hiệu bị bệnh. Sau giờ ăn sáng, tôi vệ sinh để cho bé đi ngủ thì phát hiện người bé nóng ran. Tôi lấy khăn lau cho bé nhưng vẫn không bớt nóng. Tôi nhờ đồng nghiệp báo với Ban giám hiệu và cho mời phụ huynh. Khi cô Vân Anh (Hiệu trưởng) đến, bé đã có triệu chứng co giật. Với những gì đã được học cũng như kinh nghiệm bao nhiêu năm công tác, tôi cởi hết quần áo của bé ra rồi lấy khăn nhúng nước ấm lau. Sau đó nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn của bé. Đồng thời đưa tay của mình vào miệng bé vì tôi sợ bé cắn vào lưỡi. Tay còn lại, tôi ấn mạnh vào huyệt trên môi bé. Bé bắt đầu giảm co giật, tuy vậy tôi cũng không dám lấy tay ra vì sợ bé lại lên cơn. Rồi tôi và cô Vân Anh đưa bé tới Bệnh viện Tân Bình cấp cứu. Đúng lúc đó phụ huynh xuất hiện. Vừa thấy tôi là phụ huynh la lối om sòm, chị ấy chửi: “Cô chăm sóc kiểu gì mà để con tôi sốt cao như vậy. Tại sao lại cởi hết quần áo bé ra, bé cảm lạnh thì cô tính sao. Cô thật vô trách nhiệm…”. Lúc đó tôi chỉ biết khóc, phụ huynh không hiểu được rằng chị ấy yêu con bao nhiêu thì tôi thương học trò bấy nhiêu. Buổi chiều, cô Vân Anh bảo tôi cùng hai giáo viên tới nhà thăm bé (lúc này bé đã xuất viện). Tôi nói: “Em sợ lại bị phụ huynh chửi nữa”. Cô Vân Anh nói: “Em không được sợ”. Thế là tôi đi mua đường, sữa tới nhà thăm bé…”, chị kể lại.
Thật may mắn là phụ huynh của bé Thu An đã không chửi chị nữa mà trái lại tiếp đón rất nồng nhiệt. Thấy tay chị bị băng, phụ huynh hỏi: “Tay cô giáo sao vậy?”, chị trả lời: “Bé Thu An cắn” và mở băng ra cho bà mẹ coi. Lúc đó, bà mẹ rối rít xin lỗi…
Mới đây, bà mẹ ấy đã tìm đến Trường Mầm non Nhiêu Lộc mời chị đi dự đám cưới bé Thu An (giờ đã là cử nhân kinh tế). “Thật là vui khi kẻ qua sông biết quay lại tìm người đưa đò”, chị nói trong niềm hạnh phúc rạng ngời.
“Tôi mắc nợ ba người”
Chị không biết có bao nhiêu học sinh, phụ huynh “mắc nợ” mình nhưng chị biết bản thân “mắc nợ” ba người. Và người đầu tiên, chính là chồng chị. Chị bảo: “Người ta thường nói: “Sự thành công của người đàn ông, sau lưng là hình ảnh của người phụ nữ”, nhưng với tôi thì ngược lại: “Sự thành công của người phụ nữ, đằng sau là bóng dáng của người đàn ông”…”.
Chồng chị trước đây là giáo viên dạy lý Trường THCS Châu Văn Liêm và Trường THCS Cầu Tre. Sau khi lấy chị (năm 1989), anh quyết định bỏ nghề ra ngoài kiếm việc khác. Vì đồng lương giáo viên lúc đó quá eo hẹp không đủ để hai vợ chồng sinh sống. Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, anh chở chị bằng xe đạp tới trường vì chị không biết đi xe. Tối về nhà, anh phụ chị làm đồ dùng dạy học. Những cái nôi cho bé nằm, những cái xe đẩy để bé tập đi, rồi những ngôi nhà bằng vải nỉ, những cuốn sách bằng vải hoa… mà chị đem tới lớp đều có một phần công sức của anh. Anh thường tâm sự với chị dù khó khăn thế nào cũng không được bỏ nghề, vì: “Em đi dạy không chỉ vì niềm đam mê của em mà cả niềm đam mê của anh nữa”…
Người thứ hai mà chị mắc nợ là cô Chung Bích Phượng (hiện là Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú). Trước đó cô Phượng là chủ nhiệm nhóm nhà trẻ Q.Tân Bình. Biết chị và bạn trai (nay là ông xã) nghèo không có tiền lo đám cưới, cô Phượng đã giúp đỡ toàn bộ chi phí để chị có một đám cưới bằng bạn bằng bè.
Và người thứ ba mà chị phải mang ơn suốt đời là cô Nguyễn Thị Vân Anh (Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhiêu Lộc). “Hồi tôi và cô Vân Anh còn công tác ở Trường Mầm non Quận, Q.Tân Bình, thấy tôi bụng to (mang thai đứa đầu) ngày nào chồng cũng chở bằng xe đạp đi trên những con đường đá gồ ghề, có lần còn bị té xuống cống nên cô tự nguyện tới nhà chở tôi bằng xe gắn máy. Chín năm sau, tôi mang thai đứa thứ hai, vì cuộc sống quá khó khăn nên tôi định bỏ. Cô Vân Anh nói: “Em cứ đẻ, không nuôi được thì để chị nuôi”. Rồi những lúc tôi bị mẹ chồng (mắc bệnh thần kinh) chửi mắng, cô lại an ủi tôi. Và chính cô đã giúp vợ chồng tôi mua được căn nhà nhỏ để ra ở riêng. Về công việc, cô Vân Anh luôn động viện và giúp đỡ tôi…”, chị tâm sự.
Bài, ảnh: Hòa Triều