Thứ năm, 8/12/2016, 20h49

Người gầy bị gan nhiễm mỡ ngày càng tăng

Một số người có thể trạng gầy khi phát hiện bị gan nhiễm mỡ (GNM) đã rất bất ngờ, vì luôn nghĩ bệnh này chỉ xảy ra với người mập hoặc béo phì. Đó là lý do chúng ta không nên bỏ qua những triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tức ngực… Vì khi GNM không được chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tim mạch, tiểu đường, nguy cơ xơ gan và ung thư.

Không uống rượu bia là một trong những cách phòng ngừa GNM. Ảnh: IT

Xác suất xơ gan, ung thư cao gấp 150 lần

Chị Hoàng Thùy Dung (ngụ Đồng Nai), 37 tuổi, hiện là giáo viên và có dáng người hơi gầy. Trong một lần nhà trường tổ chức cho giáo viên đi khám bệnh tổng quát ở TP.HCM vừa qua, chị đã bất ngờ với kết quả bị GNM độ 1. Trước đây, chị luôn nghĩ “bệnh này chỉ dành cho những người thừa cân, béo phì, người thiếu cân như tôi sao lại bị GNM được”. Tương tự, em Đỗ Vũ An, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng rất ngạc nhiên khi kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y dược cho biết em bị GNM. Với chiều cao 1m73, nặng có 53kg, nên em không nghĩ lại mắc phải bệnh này. Do thời gian gần đây, em cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng nên đi khám mới phát hiện ra bệnh.

Theo khuyến cáo, người bị GNM có xác suất bội nhiễm xơ cứng gan, ung thư gan cao gấp 150 lần người bình thường. Do đó, biện pháp tầm soát là cần thiết đối với người mập, béo phì, người gầy, người uống nhiều bia rượu, nhất là những người bị nhiễm virus viêm gan B, C. Theo đó, việc kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglyceride máu nên được xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần.

Ngành y tế cũng khuyến cáo trong những năm gần đây, tỉ lệ người gầy bị GNM đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, những người bị thừa cân, béo phì hoặc người thường xuyên dùng bia rượu cũng là đối tượng dễ bị GNM. Điều đáng lo ngại là trong giai đoạn đầu, GNM hầu như không có triệu chứng rõ ràng, chỉ một số ít trường hợp cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, tức ngực… hoặc qua những bất thường khi xét nghiệm máu thông qua chỉ số aminotransferase máu hoặc alkaline phophatase. Nhưng khi đến giai đoạn nặng sẽ gây rối loạn chức năng gan, rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao ảnh hưởng tới tim mạch. Người bị GNM có xác suất bội nhiễm xơ cứng gan, ung thư gan cao gấp 150 lần người bình thường.

Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Theo lý giải của GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam thì bệnh GNM chủ yếu do rối loạn chuyển hóa tế bào gan gây ra. Lẽ thường gan chuyển hóa đường để tạo năng lượng, nhưng vì lý do nào đó, không có đủ đường để chuyển hóa, nên gan buộc phải thu thập mỡ dùng thay thế. Khi mỡ vào gan quá nhiều, tích tụ lại trong tế bào gan gây ra chứng bệnh này. Những người bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các vi chất cần thiết làm chuyển hóa mỡ không hiệu quả, hoặc những người gầy, thiếu protein trong thời gian dài sẽ làm mỡ trong máu không thể chuyển hóa cũng bị GNM.

BS Trạch lưu ý, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu trị bệnh GNM, nên chỉ có thể can thiệp bằng cách uống thuốc giảm mỡ trong gan. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của việc dùng lâu dài các loại thuốc này sẽ gây mệt mỏi, rối loạn chức năng gan, rối loạn kinh nguyệt, liệt dương. Do đó, BS Trạch khuyến cáo, biện pháp cần thiết để phòng tránh hoặc kiểm soát tình trạng GNM là duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với tập thể dục đều đặn vừa sức, tối thiểu 30 phút mỗi ngày và tập ít nhất 5 ngày trong tuần.

Theo lý giải của GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam thì bệnh GNM chủ yếu do rối loạn chuyển hóa tế bào gan gây ra. Lẽ thường gan chuyển hóa đường để tạo năng lượng, nhưng vì lý do nào đó, không có đủ đường để chuyển hóa, nên gan buộc phải thu thập mỡ dùng thay thế. Khi mỡ vào gan quá nhiều, tích tụ lại trong tế bào gan gây ra chứng bệnh này. Những người bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các vi chất cần thiết làm chuyển hóa mỡ không hiệu quả, hoặc những người gầy, thiếu protein trong thời gian dài sẽ làm mỡ trong máu không thể chuyển hóa cũng bị GNM.

Theo đó, bữa ăn cần được thực hiện đa dạng, vẫn ăn cơm hoặc các chất tinh bột, ăn thịt và tăng thêm rau xanh. (Vì thịt và rau xanh cung cấp đủ các chất đạm cho gan khỏe và đủ các vi chất dinh dưỡng cho men gan hoạt động). Trong thực đơn các bữa ăn, nên ăn thịt nạc, các loại cá và hải sản (riêng tôm và cua biển không nên ăn quá 1 lần một tuần). Tuy nhiên, việc hạn chế ăn trứng (chỉ nên ăn 2 quả một tuần), các chất ngọt và chất béo cũng là điều cần lưu ý, vì các chất này khi thừa sẽ chuyển đổi thành mỡ dự trữ. Khi chế biến thức ăn, nên hạn chế các món chiên xào mà thay bằng những món nướng, luộc. Cần tránh các loại thức ăn chế biến từ gan, óc, cật, bộ đồ lòng gia súc hoặc từ sữa động vật như bơ, phô mai... Riêng đối với người gầy, nên ăn khoảng 300-500gr rau xanh, hoa quả và nên ăn 200gr thịt trong một ngày.

Vũ Phương