Thứ tư, 8/11/2017, 15h11

Người già, trẻ nhỏ làm sao để tránh bệnh sau lũ

Sau bão lũ, nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao vì rác, chất thải, bụi bặm, xác động vật... chứa mầm bệnh theo dòng nước lây lan khắp nơi. Phổ biến là các bệnh về đường tiêu hóa, nước ăn chân, đau mắt, sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh về da...

Người già, trẻ nhỏ làm sao để tránh bệnh sau lũ - Ảnh 1.

Sau bão số 12, người dân tại vùng bão phải sinh hoạt trong cảnh đổ nát, ngập lụt, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng (ảnh chụp tại thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa) - Ảnh: NAM TRẦN

BS Phan Quốc Bảo (khoa tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) lưu ý người dân giữ ấm cơ thể vì độ ẩm trong không khí tăng cao cộng với chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ thất thường là nguyên nhân dễ dẫn tới bệnh nhiễm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là đối với người già và trẻ em.

Đặc biệt lưu ý trẻ em, người già

TS.BS Trịnh Thị Bích Ngọc (Bệnh viện Mắt quốc tế Hà Nội) cho biết vô số vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ phát triển rất nhanh trong môi trường ẩm thấp sau bão lụt trong điều kiện sống tù túng, mất vệ sinh. 

Các bệnh về mắt thường gặp ở hoàn cảnh này là đau mắt, tổn thương giác mạc, dị ứng gây ngứa mắt... Nguyên nhân phổ biến là do tay bẩn dụi vào mắt. 

Với trẻ nhỏ, những ngày nước dâng cao, trẻ còn thường thích nghịch nước. Nguy cơ bị các bệnh về mắt do nhiễm khuẩn càng gia tăng.

PGS.TS Lê Ngọc Diệp, trưởng phòng khám da liễu (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cơ sở II), lưu ý trong điều kiện ngập lụt, người có cơ địa dễ dị ứng, bị chàm, viêm da... sẽ tổn thương nặng hơn, dễ bị nước ăn kẽ tay, kẽ chân. 

Điều kiện vệ sinh không đảm bảo dễ làm nhiễm trùng da, nấm da, tăng khả năng nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, ấu trùng gây tổn thương da. 

Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ da trẻ em sạch sẽ, thường xuyên thay quần áo khô. Người dân nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nước bẩn. Có thể đi ủng cao đối với địa phương ngập ít.

Chú ý dinh dưỡng

Theo BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị tiêu hóa (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM), các bệnh thường bùng phát mạnh sau bão lụt là kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan... 

Cách đề phòng vẫn là thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng...

Bên cạnh đó là thực hiện chùi rửa các dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất được ngành y tế khuyến cáo sử dụng như cloramin B hoặc viên Aquatabs để khử trùng nước sử dụng. 

BS Phương nhấn mạnh: "Với những vùng nước ngập sâu, có nơi nước lên gần tới nóc nhà thì việc thực hiện các biện pháp này là khó khả thi. Trong trường hợp đó, thực phẩm an toàn nhất vẫn là các loại thực phẩm được đóng gói đảm bảo vệ sinh".

BS Phương cũng lưu ý các đơn vị cứu trợ trong thời gian này: nếu trao tặng thì nên trao những loại thực phẩm đóng gói sẵn và nước đóng chai để người dân có thể dùng ngay. Vì nếu tặng gạo hay các thực phẩm khác thì họ cũng rất khó có thể chế biến và chế biến hợp vệ sinh.

"Nước rút tới đâu, vệ sinh tới đó để cải thiện điều kiện môi trường sống. Đặc biệt, khi ngủ nên mắc màn (mùng) vừa để tránh bị muỗi đốt, vừa làm không khí quanh cơ thể ấm hơn" - BS Phan Quốc Bảo nói.

TS.BS Trịnh Thị Bích Ngọc cho rằng bà con (đặc biệt là trẻ em) phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nếu có nước muối sinh lý thì dùng để rửa mắt. 

Các dụng cụ như khăn mặt phải giặt thật sạch bằng xà phòng và phơi ở nơi đủ ánh sáng, tránh trường hợp để khăn nơi ẩm thấp, nấm mốc, vi khuẩn dễ phát.

TS Ngọc lưu ý: một sai lầm thường thấy với bà con vùng lũ là khi mắt có triệu chứng đau thì tự ý ra tiệm thuốc mua thuốc về uống hoặc nhỏ mắt. 

Tuy nhiên, việc dùng thuốc bừa bãi chứa corticoid dễ dẫn tới hiện tượng loét giác mạc, nguy cơ mù lòa nếu giác mạc đã bị tổn thương. Kể cả các bệnh khác cũng vậy, không dùng thuốc bừa bãi.

Bộ Y tế yêu cầu xử lý nước sạch, môi trường

Ngày 7-11 Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có văn bản yêu cầu các địa phương cung cấp đủ nước, hóa chất, phương tiện xử lý nước nhằm đảm bảo đủ nước sạch cho người dân, phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ.

Theo đó, bà Hương yêu cầu các địa phương kiểm tra thường xuyên các nhà máy cấp nước, đảm bảo clor dư tại vòi đạt 0,3-0,5 mg/l, kiểm tra chất lượng nước tại các hộ dân. Các loại hóa chất, viên lọc nước cần thiết như cloramin B, viên lọc nước Aquatabs... phải đủ dùng.

Cục Quản lý môi trường y tế cũng hướng dẫn bà con lọc nước bằng cách dùng phèn chua lắng lấy nước trong, liều lượng dùng một miếng phèn bằng nửa đốt ngón tay để lắng 20 lít nước.

Nếu không có phèn chua có thể dùng vải sạch để lọc nước, sau đó dùng một viên cloramin B hoặc một viên Aquatabs để khử trùng cho một lu, chum nước dung tích 20-25m3.

Trường hợp dùng hóa chất lọc nước, phải có sự hỗ trợ của cán bộ y tế. Nếu cho nhiều clor lọc nước, nên để nước thêm nửa giờ trước khi dùng để mùi bớt nồng.

L.ANH - D.NGUYỄN

Ăn chín, uống sôi

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Phong - giảng viên khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM, thông thường mỗi gia đình nên có một "tủ thuốc gia đình" trong nhà.

Đặc biệt, sau mưa bão, lũ lụt thì việc cứu trợ cho người dân cũng nên lưu ý đến những thuốc đơn giản, cần dùng.

Người dân cần có các thuốc như men tiêu hóa, điện nước bù điện giải... Các loại thuốc dùng trong cảm cúm như hạ sốt, vitamin C, đa sinh tố, các dạng thuốc bôi nấm kẽ tay kẽ chân do ngâm mình lâu trong nước.

Người dân tuyệt đối không ăn xác động vật đã chết, không uống nước chưa được lọc, nước mưa cũng không nên hứng để dành dùng dần bởi trong nước mưa hiện nay lượng axit cao, có nhiều bụi bẩn lẫn tạp chất, kim loại nặng.

Ăn chín, uống sôi. Thức ăn tươi sống trong điều kiện hiện tại khan hiếm, việc dùng thức ăn dự trữ cần xem hạn sử dụng, tránh bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến nguy hại.

DIỆU NGUYỄN

MẠNH KHANG/TTO