Thứ tư, 8/12/2010, 15h12

Người “gieo ánh sáng” trong bóng tối...

Các học trò đồng thời là hội viên Hội Người mù Q.7 tặng quà cho thầy Dũng (thứ 2 từ phải qua) nhân ngày 20-11 vừa qua

Làm chủ tịch một hội, ban, ngành đoàn thể nào đó ở quận là niềm ao ước của nhiều người, nhưng có một chiếc ghế chủ tịch hội mà có lẽ không người nào mong muốn ngồi vào, đó là chủ tịch hội người mù. Thế nhưng, không vì thế mà những người ngồi vào chiếc ghế này lại thiếu đi “lửa” làm việc, sự nhiệt tình của người lãnh đạo. Điều đó đã được thể hiện qua cách làm việc hết mực nhiệt tình và nghiêm túc của anh Huỳnh Diệp Dũng (sinh năm 1956) - Chủ tịch Hội Người mù Q.7, TP.HCM.
Bóng tối không còn trở ngại
Những người bị mù bẩm sinh dường như chẳng có gì để nhớ nhung vì khi sinh ra họ vốn đã không thấy gì rồi. Còn với anh Dũng, vì bị mù lúc 30 tuổi nên những hình ảnh, ký ức đẹp đẽ của quá khứ lởn vởn nơi trí nhớ khiến đôi khi anh phải khóc thầm cho số phận, cho cuộc đời bất hạnh của mình. 30 năm anh thấy được ánh sáng, anh có được niềm vui trong cuộc sống nhưng đùng một cái, niềm vui ấy mất đi, “cửa sổ tâm hồn” của anh khép lại mãi mãi. Khi bắt đầu chuỗi thời gian mà ngày cũng như đêm ấy, anh sống trong tuyệt vọng và tưởng chừng như không thể vượt qua được. Thế nhưng, nghị lực của bản thân đã giúp anh vượt qua nghịch cảnh cũng là “vượt lên chính mình”. Ngọn lửa hy vọng đã le lói trong màn đêm mịt mờ, anh đã đứng dậy, mạnh dạn bước đi và sống bằng những hoài bão của bản thân.
Mất đi đôi mắt sáng lại không người thân, cuộc sống của anh gặp rất nhiều khó khăn. Những việc đơn giản mà ngày xưa (khi mắt sáng) anh vẫn thường làm như: nấu cơm, giặt đồ, tắm rửa… thì bây giờ sao quá đỗi khó khăn chứ chưa nói đến công việc khác như đi làm kiếm tiền. May thay, anh có đôi tai khá nhạy, một trí nhớ tốt và sức khỏe dồi dào.
Sau bao nhiêu năm bán vé số dạo, anh đã tìm lại được niềm vui, sự tự tin trong cuộc sống khi tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù Q.7 và được tiếp xúc với hệ thống chữ nổi Braille. Vốn biết chữ nhưng khi bước vào thế giới người khiếm thị, anh bỗng dưng trở thành người mù chữ. Từ khi biết chữ nổi Braille, anh học đêm, học ngày, học để thấy được ánh sáng của văn minh, tiến bộ, học để không bị lạc hậu với đời chứ anh không hề nghĩ học để làm thầy, làm “lãnh đạo”.
Người thầy “đặc biệt”
Năm 2007, anh được bầu làm Phó chủ tịch Hội Người mù Q.7 và hai năm sau anh lên làm Chủ tịch. Trước đó, anh vừa bán vé số dạo, vừa làm công tác hội được hơn 5 năm. Trong 5 năm đó, anh không biết mình đã đi qua bao nhiêu con đường, lối phố, đặt chân đến bao nhiêu căn nhà, và tiếp xúc với bao nhiêu hội viên. Có những người không phải là hội viên hội người mù nhưng khi tiếp xúc với anh dù chỉ một lần cũng nhớ mãi không quên.
Người sáng mắt dạy chữ cho người khiếm thị đã khó, người mù dạy cho người mù thì càng khó hơn. Anh Dũng nhớ lại: “Khi Thành hội phát về quyển tạp chí chữ Braille dành riêng cho người khiếm thị, tôi mới đem kiểm tra anh, em thử. Ai cũng sờ sờ lên cuốn tạp chí rồi bảo là không đọc được gì. Tôi thật sự buồn và thất vọng, định bỏ luôn. Nhưng khi nghĩ lại, mình vừa gieo vào tâm trí anh em một chút “ánh sáng” rồi lại dập tắt ngay thì chẳng khác nào dập tắt niềm hy vọng của họ. Nghĩ đến đó, tôi lại tiếp tục “đứng lớp” giúp đỡ anh em”.
Với người thầy “đặc biệt” như anh Dũng thì ngoài cái tài, cái tâm cần phải có sự đồng cảm, sẻ chia, biết quan tâm đến “học sinh”. Anh Nguyễn Công Trực - hội viên Hội Người mù Q.7, cũng là học trò của thầy Dũng chia sẻ: “Anh Dũng luôn tạo niềm tin, niềm vui khi hội viên đến tham gia họp hành, động viên; chia sẻ khi gia đình họ gặp khó khăn”.
Cuộc đời nhỏ bé, ngắn ngủi có mấy ai biết chữ ngờ. Lúc nhỏ anh đâu ngờ mình lại mất đi đôi mắt, khi mất đi đôi mắt anh đâu nghĩ mình sẽ trở thành thầy giáo, người gieo “ánh sáng” đến những vùng “tối tăm”. Bây giờ, anh không chỉ là người chủ tịch đơn thuần như bao người chủ tịch khác mà anh còn là thầy, là bạn của những hội viên khiếm thị.
Rời nơi làm việc, anh lủi thủi trở về căn nhà nhỏ của mình. Anh luôn thầm mong một ngày nào đó tổ ấm này sẽ vang lên tiếng cười, tiếng nói của người phụ nữ dịu dàng và những đứa trẻ. Nhưng khi nhìn vào thực tế, anh đành nuốt nước mắt cho cuộc đời mình. Và đến giờ, căn nhà ấy vẫn trống trải, giường đơn, gối chiếc vẫn lạnh lẽo, âu sầu.
Bài, ảnh: Công Luận

Dẫu biết cuộc đời còn lắm nỗi lo, vẫn còn những điều khiến người ta phải băn khoăn, suy nghĩ nhưng anh vẫn vui vẫn thấy hạnh phúc khi được sinh hoạt, được giúp đỡ mọi người và nhất là khi nghe “học trò” gọi tiếng thầy.