Thứ hai, 23/1/2017, 15h46

Người hiệu trưởng thích chọn việc khó

Có tầm nhìn xa, dám nghĩ dám làm để đổi mới giáo dục, tạo hiệu suất đào tạo cao nhất. Đặc biệt, đi đến đâu cũng để lại dấu ấn đẹp trong lòng đồng nghiệp và phụ huynh học sinh… Đó là cô Nguyễn Thị Kim Hương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM).

Cô Nguyễn Thị Kim Hương nhận hoa chúc mừng của đồng nghiệp tại Lễ trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 19-2016

Chính bản lĩnh, sự cầm lái vững chắc của cô Kim Hương đã đưa những “con tàu giáo dục” vượt khó, vươn lên.

1. Lần nào gặp cô Kim Hương, chúng tôi đều thấy cô tất bật với các hoạt động chuyên môn lẫn phong trào. Nào là lăn xả với giáo viên để cùng mày mò cách dạy mới, làm đồ dùng học tập; nào là tập văn nghệ, thể thao… Cô còn khởi xướng nhiều sân chơi sáng tạo để phát huy sở trường, năng khiếu của từng học sinh. Để học sinh thích đi học và coi ngôi trường như nhà mình, cô Hiệu trưởng luôn trăn trở, tìm tòi ý tưởng mới nhằm tạo ra sự khác lạ từ góc sân, lớp học đến thư viện… Vì thế, không chỉ hào hứng khám phá kiến thức, học sinh còn thỏa thích niềm vui rèn luyện, trải nghiệm từ các sân chơi sáng tạo, nhất là Robotics. Từ sự ươm mầm, khuyến khích sáng tạo này, nhiều học sinh của trường đã phát huy sở trường, giành nhiều giải cao từ các cuộc thi Robotics, tin học… “Khi vận dụng cái mới, khai thông cái lạ thì luôn khó và gặp nhiều trở ngại hơn đi theo lối mòn, rập khuôn. Vì thế, không chỉ tiên phong làm trước, tôi sẵn sàng đối diện với cái khó, chứng minh mô hình mới, phương pháp giáo dục mới sẽ mang lại lợi ích cho học sinh. Và điều này đã thuyết phục từng thành viên trong trường đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng”, cô Kim Hương chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm làm quản lý.

Tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường

2. Có lẽ nghệ thuật lãnh đạo mềm mỏng, chan hòa, thân thiện, biết lắng nghe đã tạo nên sự đoàn kết và thành công của tập thể sư phạm Trường Tiểu học Lạc Long Quân. Tin tưởng, đồng hành với “vị thuyền trưởng” đầy tâm huyết đổi mới của mình, giáo viên, nhân viên nhà trường đã lăn xả, vượt khó để tạo ra môi trường học tập tốt nhất. Không dừng ở đó, nhà trường còn dang tay đón nhận nhiều học sinh chậm phát triển, nâng đỡ các em hội nhập bình đẳng với học sinh bình thường. Bên cạnh công lao tạo dựng “thương hiệu” cho ngôi trường này, cô Kim Hương còn tỏa sáng ở nhiều giải thưởng như “Giáo viên sáng tạo công nghệ thông tin” cấp TP và được công nhận “Giáo viên sáng tạo công nghệ thông tin” cấp quốc gia… Với cô Kim Hương, không khó để hiểu rằng “điều gì mang lại cho các em niềm vui ham thích học tập, khám phá thì phải làm, dù khó đến đâu”.

Cô Hương tâm sự: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đây là lời Bác Hồ dạy mà tôi và những người làm công tác GD-ĐT phải luôn khắc ghi, để mỗi một cán bộ phải thật sự là công bộc của dân, là nơi đồng nghiệp, phụ huynh tin tưởng giao phó. Vì vậy, dù công tác ở ngôi trường nào, dù gặp khó khăn đến mấy tôi cũng không bỏ cuộc vì bên cạnh tôi có Chi bộ, có Ban Giám hiệu, có Hội đồng sư phạm nhà trường, nếu mình biết gắn kết họ lại thành một tập thể đoàn kết, thương yêu lẫn nhau như ruột thịt trong gia đình, thì chuyện gì cũng làm được”.

Đội tuyển Robotics của trường

3. Bằng tình yêu thương học sinh như con, sự phấn đấu không mệt mỏi của bản thân cho sự nghiệp GD-ĐT, cô Kim Hương đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong sự nghiệp “trồng người”. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2016), tại Lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 19, cô Nguyễn Thị Kim Hương là một trong 33 cá nhân tiêu biểu của TP vinh dự được nhận giải thưởng này.

Tại lễ trao thưởng, TS. Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đã khẳng định: “Giải thưởng Võ Trường Toản được bình chọn không dựa vào các danh hiệu thi đua, không chạy theo các thành tích cá nhân mà được dành để trao tặng cho các thầy cô đã vượt qua những khó khăn trong công tác lẫn cuộc sống đời thường, luôn xứng đáng là những tấm gương sáng cho đồng nghiệp học tập và học sinh noi theo”.

Học sinh khối 5 tặng hoa cho học sinh khối 1

Bà Thân Thị Thư (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) sau những ghi nhận, biểu dương các thầy cô giáo đã nhấn mạnh: “Giải thưởng không chỉ thể hiện tinh thần tôn vinh nhà giáo mà còn tôn vinh những giá trị nhân văn và góp phần làm lan tỏa tinh thần ấy trong toàn xã hội. Các thầy cô không chỉ là người gieo mầm tri thức mà còn như người cha, người mẹ thứ hai, là người bạn lớn luôn gần gũi học sinh, coi trọng việc giáo dục về đạo đức, lối sống, hoàn thiện kỹ năng sống cho các em. Không chỉ hoàn thành tốt công việc của một nhà giáo, 33 gương mặt giáo viên đạt giải còn là những đảng viên gương mẫu, những cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn, trợ lý thanh niên, Tổng phụ trách Đội năng nổ, tham gia tích cực các phong trào chung của ngành và địa phương”.

An Khánh