Thứ bảy, 18/8/2018, 14h15

Người học gánh chi phí cho giáo dục đại học nhiều hơn nhà nước

Theo thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, phần chi trả của người học và gia đình thông qua học phí đang chiếm tới hơn 50% nguồn đầu tư cho giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày báo cáo tại hội thảo /// Ảnh Lê Hiệp
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày báo cáo tại hội thảo. ẢNH LÊ HIỆP
Trong báo cáo về thực trạng và định hướng phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trình bày tại hội thảo Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế sáng 17.8, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, đầu tư tài chính cho giáo dục đại học của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo đó, từ 2013 tới nay, chi ngân sách cho giáo dục đại học tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 9-10% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục; khoảng 2% so với tổng chi ngân sách nhà nước và chỉ bằng hơn 0,5% so với GDP của cả nước.
Theo ông Phúc, một khảo sát cho thấy, phần đóng góp của người học và gia đình tại Việt Nam rất nhiều, lên tới hơn 50%. Trong khi ở các nước phát triển, nhà nước đóng góp phần lớn, phần còn lại là từ các nguồn tài trợ của xã hội. Người học chỉ đóng góp rất ít.
“So với các nước, chúng ta là một trong những nước mà người học và gia đình đang phải đóng góp nhiều nhất cho giáo dục đại học thông qua học phí”, ông Phúc nói.
Người học gánh chi phí cho giáo dục đại học nhiều hơn nhà nước - ảnh 1
So sánh tỉ lệ đầu tư cho GDĐH từ ngân sách nhà nước và từ gia đình, người học của Việt Nam và các nước. ẢNH CHỤP TỪ MÀN HÌNH
Nếu so sánh tỉ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học với GDP trên đầu người vào năm 2015 thì của Việt Nam là khoảng 15%, trong khi đó, mức trung bình của các nước phát triển OECD vào năm 2014 là 41%.
Bên cạnh đó, chi phí bình quân cho 1 sinh viên mỗi năm của Việt Nam cũng chỉ khoảng 630 đô la, rất thấp so với các nước phát triển. Nếu so với GDP trên đầu người thì của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/4 so với các nước khác.
“Các nước phát triển thì tỉ lệ chi phí một năm cho sinh viên so với GDP trên đầu người là 40-50%, còn đối với các nước đang phát triển, theo một số nghiên cứu 60-70%, thậm chí 100% mức GPD trên đầu người”, ông Phúc nêu.
Từ phân tích trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, nếu các trường muốn đào tạo chất lượng thì phải có đủ chi phí cho đào tạo, nghiên cứu. Do đó, nếu như nhà nước cấp ngân sách ít thì buộc các trường phải thu từ các nguồn khác để bù lại cho đủ.
“Nếu nguồn của nhà nước cấp ít mà lại giữ học phí ở mức thấp thì sẽ dẫn đến vấn đề chất lượng của các trường không được đảm bảo”, ông Phúc khẳng định.
Từ đó, ông Phúc đề xuất cần phải đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học như một giải pháp cho giáo dục đại học Việt Nam.
 
“Phải đổi mới để làm sao tạo ra động lực thật sự và các trường có nguồn tài chính toàn diện mới phát triển được. Hiện nay chủ yếu dựa vào học phí, còn ngân sách Nhà nước càng ngày càng giảm thì các trường sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn”, ông Phúc khẳng định.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Đại học Quốc gia TP.HCM, báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo rất chi tiết, nhưng đó chỉ mới là những con số. Trong khi đó, cần có việc phân tích sâu hơn nữa mới đảm bảo được rằng đã nhận diện được bức tranh giáo dục đại học, để tìm ra nguyên nhân kìm hãm sự phát triển.
“Báo cáo đó cũng chưa nói được kế hoạch của Bộ Giáo dục - Đào tạo thế nào trong 10 - 20 năm nữa. Vì thế, cần phải nhìn lại, phân tích hiện trạng và đưa ra một định hướng cho tương lại, ít nhất phải có chiến lược phát triển cho 20 năm, phải biết rõ trong 20 năm nữa mình sẽ đi đến đâu, đạt được những chỉ số gì.
Khi nào chúng ta định hướng rõ, dựa trên việc phân tích số liệu, khi đó chúng ta mới có căn cứ để xây dựng chiến lược cho mình”, TS Nguyễn Quốc Chính nói.
Lê Hiệp - Quý Hiên/TNO