Thứ hai, 16/7/2012, 15h07

Người làm đẹp cho nghệ thuật tuồng cổ

NS Công Minh bên những trang phục do anh thiết kế

Nhắc đến một gương mặt chuyên thiết kế trang phục cải lương tuồng cổ, người trong nghề ai cũng biết đến nghệ sĩ (NS) Công Minh. Anh đã có gần 20 năm gắn bó với từng đường kim mũi chỉ để hình thành nên những bộ trang phục lộng lẫy cho nhân vật của mình cũng như cho rất nhiều đồng nghiệp khác.
Con nhà nòi
NS Công Minh thuộc thế hệ thứ 3 của đại gia đình bầu Thắng, có ba mẹ là NS cải lương Minh Tơ - Bảy Sự, chú là NS Khánh Hồng, nhạc sĩ Đức Phú; dì là NSND hát bội Năm Đồ; dượng là NSND Thành Tôn. Cả gia đình 7 anh chị em đều theo nghiệp nghệ thuật, NS Công Minh có chị là NS Xuân Yến, Thanh Loan, anh ruột là NSND Thanh Tòng. Có thể nói, ngay từ nhỏ được sống trong đại gia đình “ăn cơm nghệ thuật”, sống trong không khí giữa lời ca tiếng hát, “con đường lựa chọn chỉ có thể là nghệ thuật cải lương”, như lời anh nhẹ nhàng hồi tưởng khi nói về con đường vào nghề của mình. Tuy mang tiếng là con của bầu gánh nhưng hầu như việc gì cũng tới tay anh, từ công việc kéo màn, nhắc tuồng, họa sĩ, đóng vai quần chúng… Và cũng chính niềm say mê với nghệ thuật cải lương tuồng cổ đã cho anh cơ hội tiếp cận nghề thiết kế phục trang rồi gắn bó cho đến tận hôm nay.
Có thể nói, anh chính là người đi tiên phong trong thiết kế các phục trang riêng của cải lương tuồng cổ. Trước năm 1992, phần nhiều phục trang đều là tự phát, copy mẫu của các bộ phim lịch sử, dã sử nước ngoài nên NS có gì thì mặc nấy, vì thế các nhân vật chưa tạo được dấu ấn riêng. Anh vẫn còn nhớ như in những bộ trang phục tuồng cổ đầu tiên được chính tay anh thiết kế là hai vở cải lương Tây Thi Xử án Bàng Quý Phi (vào năm 1992). Từ những bước chập chững non nớt đầu tiên trong nghề ngày đó, cho đến nay đã có hàng ngàn bộ trang phục các NS khoác lên mình được đặt hàng riêng dưới bàn tay tài hoa khéo léo của anh. Trang phục tuồng cổ được thiết kế trước hết phải mang sắc thái sặc sỡ, nhiều màu sắc. Theo NS Công Minh đây là điều kiện bắt buộc với loại hình nghệ thuật này vì NS thông thường phải diễn dưới ánh đèn sân khấu, hóa trang đậm nét nên độ lấp lánh và thỏa mãn phần nhìn cho khán giả là không thể bỏ qua. Vì thế, điều kiện tiên quyết phải có là đính kim tuyến nhiều màu sắc và thêu trổ rồng phượng (với các bậc vua chúa, quyền quý) hoặc nút “mắt gà” chạm viền. Vải được lựa chọn thông thường là phi, satin, silk. Nếu ngày trước, từng chiếc nút “mắt gà” được kết tay khá kỳ công và mất thời gian thì hiện nay công việc đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều bởi nhiều nút đã được gia công, kết hợp lại thành từng mảng lớn, người thợ may chỉ việc đính vào ở những vị trí cần thiết, thông thường là ở cổ áo, cổ tay, thân áo. Với trang phục thêu cũng thế, công nghệ thêu máy, thêu vi tính đã rút ngắn thời gian rất nhiều so với công việc thêu tay ngày trước. Cái mà bao năm qua anh vẫn luôn phải trăn trở nhiều chính là làm sao tạo nên dấu ấn riêng của từng nhân vật. Thường các nhân vật chính diện luôn cần các trang phục đỏ, vàng, xanh thì nhân vật uy quyền, phản diện luôn thiên về trang phục đen, màu tối. Nhiều người hay nhầm lẫn trang phục tuồng cổ giữa ta và Tàu nhưng NS Công Minh phân định rất rõ, với nhân vật quan Tàu thì thông thường trang phục có cổ tròn, khoác thêm miếng vải tròn nhỏ ngay cổ, còn với quan Việt Nam thì phần cổ dài thẳng liền với áo. Với nhân vật quá quen thuộc như Quan Công, thì trang phục phải là tay áo “quan văn, quan võ” (một bên tay ống rộng, bên còn lại là tay ống bó) vì đây là nhân vật “văn võ song toàn”.
Không giấu nghề
Với thế hệ đàn em, anh sẵn sàng truyền kinh nghiệm diễn xuất một cách vô tư, còn với những ai muốn tìm hiểu về nghề may phục trang tuồng cổ, anh cũng không hề giấu nghề, sẵn sàng tận tình chỉ dẫn. Bên cạnh nhiều khách hàng ruột là giới NS cải lương, một số trang phục anh thiết kế riêng cho các bộ phim truyền hình, video clip ca nhạc hoặc liveshow của nhiều ca sĩ ngôi sao. NS Công Minh nhìn nhận, cái khó của nghề này là hiện nay, vẫn chưa có trường lớp đào tạo chính quy, người thiết kế phần nhiều phải học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và từ phim lịch sử, dã sử của nước ngoài. Các buổi tập huấn, chuyên đề về phục trang cho nhân vật hiện được ưu tiên cho các lĩnh vực khác, còn lĩnh vực tuồng cổ vẫn còn bị “đứng bên lề”. Cái khó nữa là thái độ bất hợp tác, sợ xấu hình tượng của một số NS khi diễn. Họ luôn muốn phải được mặc đẹp nên lựa chọn trang phục tùy hứng, không theo trật tự nào, vì thế nhân vật trở nên hời hợt trước khán giả cũng là điều dễ hiểu.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Với các em sinh viên trường nghệ thuật, nếu không có tiền thì chỉ cần “ới anh Minh” một tiếng là anh sẵn sàng cho mượn trang phục để diễn báo cáo tốt nghiệp mà không hề tính toán chi phí.