Thứ tư, 31/3/2010, 16h03

Người lớn bất cẩn, trẻ con gặp họa

Nếu không được chữa trị kịp thời, vết bỏng sẽ để lại những di chứng trầm trọng cho trẻ. Ảnh: I.T

Vừa qua, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 đã tổ chức buổi tập huấn với chuyên đề: “Tai nạn sinh hoạt ở trẻ em - Cách phát hiện, xử trí và phòng ngừa” cho các giáo viên, nhân viên y tế học đường đến từ các trường mầm non...
Tai nạn từ nhà đến trường
12 giờ 15 phút, ngày 8-3, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi Ng.M.Nh. (16 tháng tuổi, nam), được chuyển từ bệnh viện địa phương với chẩn đoán ngạt nước do té ao cá tra. Buổi sáng cùng ngày nhập viện, Nh. đang chơi trong nhà với mẹ. Nhân lúc mẹ dọn dẹp nhà cửa không để ý, Nh. chập chững ra ngoài sân, khi đến ao nuôi cá tra bé bị rơi xuống ao. Trong vòng 10 phút không thấy con đâu, mẹ bé hốt hoảng chạy ra ngoài tìm kiếm và phát hiện Nh. đang ngập trong nước. Khi được vớt lên, Nh. tím tái, mặt dính nhiều sình bùn, ngưng thở. Sau khi được mẹ hô hấp nhân tạo, bé thở lại được. Người nhà đưa bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó chuyển lên BV Nhi Đồng 1. Hơn 1 tuần điều trị, tình trạng của bé mới cải thiện.
Trước đó, BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận bé N.P.P.A., nhà ở TP.HCM, bị phỏng bàn ủi. Bé chơi cạnh mẹ khi mẹ đang ủi đồ trên sàn nhà, nhân lúc mẹ không để ý, bé nhanh tay lấy bàn ủi nóng để chơi rồi bị vướng dây té làm bàn ủi ịn vào vùng cổ và ngực bên phải. Tai nạn làm bé bị phỏng sâu cấp độ 3 nên phải ghép da.
Khoảng 10 giờ sáng 18 - 1, mẹ bé L.T.H.T. (Nhà Bè) đang lau nhà thì bé bị té úp mặt vào xô nước lau nhà. Khi được phát hiện, bé đã tím môi bất tỉnh. Bé được sơ cứu rồi đưa vào BV quận 7, sau đó chuyển lên BV Nhi đồng 2.
Chiều 17-3, mẹ của bé Đ.Th.V. (14 tháng tuổi), ngụ tại P. Cát Lái, Q.2, TP.HCM nhận được điện thoại của Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoa Mai (P. Cát Lái, Q.2) thông báo tin dữ: bé đang cấp cứu tại BV quận 2 trong tình trạng nguy kịch. Thông tin từ Trường Mầm non Hoa Mai, nguyên nhân là do bé té vào xô nước trong nhà vệ sinh của trường. Khi được phát hiện, bé đã ngưng tim, ngưng thở. Sau khi sơ cứu, nhà trường đưa bé vào BV quận 2, sau đó chuyển gấp lên BV Nhi đồng 2. Hiện sức khỏe của bé vẫn chưa được cải thiện.
Trước đó chưa đầy một tháng, tại một trường mầm non tư thục thuộc huyện Dĩ An, Bình Dương, bé Tr.Th.V. (14 tuổi) cũng bị té vào xô nước trong nhà vệ sinh nhưng do phát hiện quá trễ nên đã tử vong.
Hãy để mắt đến trẻ
Đó là khuyến cáo của bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp - Trưởng Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2. Theo bác sĩ Diệp, phụ huynh có con nhỏ và giáo viên mầm non cần phải trang bị kiến thức về cách xử trí tai nạn sinh hoạt xảy ra tại nhà và trường học như: ngạt nước, ngộ độc thức ăn, sặc sữa, phỏng, chấn thương do vấp ngã... Bởi vì tai nạn đối với trẻ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi đôi lúc nằm ngay trong chính ngôi nhà, lớp học của bé. Nguy cơ đó có thể đến từ món đồ chơi của bé (bé nuốt đồ chơi dẫn đến hóc dị vật), kệ tủ (bé bị chấn thương do tủ ngã đè), bậc thang (té cầu thang trong khi bé tự lên xuống), chậu – xô nước (bé té vào chậu, xô nước dẫn đến ngạt nước), bếp (bé vào bếp chơi rồi bị bỏng lửa, thức ăn nóng, nước sôi), chất tẩy rửa, xăng - dầu (trẻ uống nhầm hóa chất mà cứ nghĩ là uống nước).
“Khi trẻ bị ngạt nước, người lớn cần cấp cứu ngưng thở, ngưng tim tại hiện trường bằng cách hô hấp nhân tạo để cứu sống trẻ cũng như không để lại di chứng não về sau”, bác sĩ Diệp nói.
Với những trường hợp bị bỏng, bác sĩ Hải Thoa – BV Nhi đồng 1 cho biết: “Khi tai nạn xảy ra, chúng ta cần lập tức làm mát vùng da bị bỏng bằng cách đặt ngay vết bỏng dưới vòi nước chảy hoặc dội nhiều nước sạch lên vết bỏng trong vài phút. Sau đó bôi phủ vết bỏng bằng thuốc mỡ đặc trị. Ở trẻ tuổi từ 2 tháng trở lên, dùng loại pomade trong thành phần có sulphadiazine bạc 1% để giúp vết bỏng mau lành, băng lại bằng gạc sạch. Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu vết bỏng rộng, sâu, hoặc ở những vị trí nguy hiểm ảnh hưởng chức năng cơ thể hoặc thẩm mĩ như bàn tay, mặt, mắt, tai, bàn chân, bộ phận sinh dục. Trẻ sơ sinh bị bỏng cũng phải được đưa đến khám tại cơ sở y tế”.
Minh Anh