Thứ tư, 1/8/2012, 14h08

“Người mẹ giỏi giang” của học trò

Cô Đỗ Thị Thiên Hương vinh dự nhận giấy khen của Sở GD-ĐT TP.HCM

Tiết học tiếng Việt (lớp 1) kết thúc trong tiếng vỗ tay tán thưởng của các đồng nghiệp dự giờ. Người đã làm chủ bục giảng vô cùng ấn tượng là cô Đỗ Thị Thiên Hương - Khối trưởng khối 1, Trường TH Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận).
Ban đầu khi nghe tin Phòng GD-ĐT quận xuống dự giờ đột xuất, cô Hương thật sự lo lắng vì từ trước đến nay các giờ dạy thao giảng thường được chuẩn bị trước vài tuần hoặc cả tháng. Tuy nhiên, vốn là một GV nhiều kinh nghiệm, cô đã lấy lại được sự tự tin ngay sau đó.
Dạy theo hướng cá thể hóa
Chính nhờ phong thái chững chạc và khả năng làm chủ bục giảng nhuần nhuyễn của cô mà tiết dạy thành công hơn cả mong đợi. Không chỉ ngày hôm đó mà trước đó vài tuần, cô cũng “bị” Ban giám hiệu nhà trường chỉ đích danh đột xuất để dự giờ môn toán với bài: Phép cộng trong phạm vi 9. Trò chuyện với cô  Hương, tôi được biết đó là những thử thách “tay nghề” của Ban giám hiệu đối với những GV đăng ký tham gia Hội thi GV dạy giỏi cấp quận. Và chính nhờ những bước đi đầu tiên vững vàng đó, cô đã vượt qua hàng chục đối thủ để mang giải nhất về cho Trường TH Hồ Văn Huê trong hội thi cấp quận năm học vừa qua.
Tuy nhiên, để có được thành tích rực rỡ này, cũng giống như bao GV khác, cô Đỗ Thị Thiên Hương phải trải qua một quá trình vươn lên và tự rèn luyện lâu dài. “Bước vào học lớp 1, đa số các em đều bỡ ngỡ với môi trường học tập mới. Nếu như ở lứa tuổi mầm non chơi nhiều hơn học thì vào đây các em phải học nhiều hơn chơi. Điều này yêu cầu GV tìm cách để HS thích ứng nhanh với môi trường” - cô Hương nói. Cũng theo cô, đa số PHHS rất cưng chiều con mình nên muốn tạo được một nề nếp mới, nhất là giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là một yêu cầu rất cần thiết khi các em bước vào ngưỡng cửa trường tiểu học.
Câu chuyện khá nhiều PH cho con học chữ trước luôn là nỗi trăn trở của đội ngũ giáo viên dạy khối 1. Làm sao để dạy tốt cùng lúc nhiều đối tượng khi trình độ các em có sự chênh lệch quá lớn? Đó chính là một bài toán khó hơn bất cứ bài toán nào trong giáo án thực tế. Câu hỏi luôn được đặt ra là GV phải bắt đầu dạy từ đâu cho phù hợp với tình hình thực tế vô cùng phức tạp này. Sau khi phân loại đối tượng, cách tốt nhất - theo các cô - là dạy sát mức độ từng em theo hướng cá thể hóa. Có em chỉ cần dạy lại, có em phải dạy mới ngay từ đầu. Những em biết viết rồi thì GV yêu cầu viết đúng, đẹp, thẳng hàng. Còn những “tân binh” đang nhập cuộc thì phải bắt đầu từ chữ cái a, b, c. Thực tế cho thấy nhờ cách dạy linh hoạt và phù hợp với mỗi đối tượng như vậy mà các em không bị ngán khi đụng phải những bài học cứ lặp đi lặp lại.
Với cô Hương, cách dạy học theo hướng đổi mới đã tạo được sự hứng khởi rất nhiều từ phía HS. Không khí vui chơi sinh động trong giờ học chính là chất xúc tác và những gia vị rất cần thiết để các em thu nạp kiến thức một cách thích thú hơn. Không còn là những đứa trẻ ù lì ngồi im lặng, học trò đã biết tham gia các hoạt động theo sự hướng dẫn của GV để hòa mình vào các giờ học hào hứng trên lớp.
Khen - chê đúng mực
Những tiết học tự nhiên - xã hội bằng giáo án điện tử là sự mong đợi khát khao của các em HS khi tri thức, khái niệm được sinh động hóa thông qua hình ảnh về con vật, cây cối trên màn hình. Các em lại có cơ hội thỏa sức say mê với giờ thảo luận nhóm bằng hoạt động ghép hình, chọn tranh về màu sắc, hình khối… Cách học này đã “xóa trắng” các giờ học ồn ào vì nói chuyện riêng hay chọc ghẹo lẫn nhau của những học trò hiếu động.
Như người mẹ thứ hai ở trường, cô giáo dạy khối 1 phải tận tường tâm lý các em. Dù có bị phê bình nhưng cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, trẻ em vốn thích lời nói ngọt ngào. Đừng nên gò ép vào khuôn khổ quá cứng nhắc mà để trẻ phát triển bình thường trong môi trường thân thiện, có tình người rộng lớn nhất. Không la mắng trách phạt quá lời mà biết dùng lời động viên, có khi “nịnh khéo” một chút cũng không sao. Khi được tuyên dương, các em lại có trong tay một phần thưởng nhỏ dù chỉ là viên kẹo bé xíu hay thứ đồ chơi ngộ nghĩnh dễ thương. Có lẽ vì thế mà hơn 40 “đứa con” rất thích học với “mẹ Hương”, học cả ngày cũng không chán. Năm nào cũng vậy, chỉ cần sang học kỳ 2 là các em đã tự giác và thích thú đến trường, không còn có hình ảnh trẻ giãy nảy hoặc nấp sau chân mẹ khi cô giáo ra đón ngoài cửa lớp. Theo cô Hương, với trẻ nhỏ không chỉ cần tình yêu thương, tận tâm với nghề mà phải tỉ mỉ nhắc nhở răn dạy các em nhiều điều, tập cho các em những bước chập chững đầu tiên khi vào trường học, trường đời. Chính vì thế mà qua đôi tay chăm chút của các cô, biết bao thế hệ HS ra đi từ ngôi trường Hồ Văn Huê đã trưởng thành, đủ sức bay vào bầu trời cao rộng của cuộc đời mênh mông phía trước.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bằng kinh nghiệm chín muồi và sự từng trải trong nghề, cô Đỗ Thị Thiên Hương còn dành thời gian viết sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có đề tài: “Làm thế nào để trẻ thích đi học?” đã thuyết phục tuyệt đối Ban giám khảo, hội đủ điều kiện khắt khe để giành giải nhất Hội thi GV giỏi cấp quận và giải nhì cấp TP trong năm học 2011-2012.