Thứ ba, 10/4/2018, 21h54

Người nước ngoài “say” hồn Việt: Thiết tha tình yêu Việt qua ống kính!

Tình yêu văn hóa, con người Việt Nam là động lực giúp nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle thực hiện dự án chụp và lưu giữ hình ảnh về con người, văn hóa truyền thống dân tộc của mảnh đất hình chữ S.

Nhiếnh gia Réhahn trong mt trin lãm nh ti Vit Nam. Ảnh: Hạ My

c chân không mi

Réhahn là một nhiếp ảnh gia người Pháp. Tên tuổi của anh được nhiều người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh trên thế giới biết đến. Bước chân rong ruổi qua hơn 35 quốc gia để rồi anh chọn Việt Nam là nơi theo đuổi đam mê, nuôi ý định gắn bó lâu dài.

Hơn 10 năm “bén duyên” với Việt Nam, nhiếp ảnh gia Réhahn đã đi đến khắp các vùng miền để chụp hình các dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống và nơi sinh sống đặc trưng của họ. Một Việt Nam đầy màu sắc hiện lên qua những góc ảnh của Réhahn khiến người xem cảm thấy đẹp đến mê đắm. Năm 2007, Réhahn đến Việt Nam lần đầu tiên dưới sự hướng dẫn của một người bạn. Như có sự thôi thúc vô hình, từ khi có ý định đến đây, anh đã tìm những tổ chức phi chính phủ để trợ cấp cho một số hoàn cảnh đặc biệt. Khoảng thời gian đầu ở Việt Nam và đặc biệt là Hội An, Réhahn nhận ra mình đã “phải lòng” mảnh đất hình chữ S xinh đẹp, hiền hòa.

Những ai đã từng tham dự triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Réhahn đều không khỏi ấn tượng với công trình của anh. Những bức chân dung nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Pháp như ghi lại một cách chân thực, sinh động hình ảnh các cụ già, trẻ em, đại diện cho các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Bước chân không mỏi, để có được “gia tài” là những bức chân dung quý giá, độc đáo ấy, anh đã không quản đường sá xa xôi, vất vả để tìm đến những nơi hoang vu, hẻo lánh. Gặp những người dân tộc, anh luôn ngỏ ý mong muốn được nhìn thấy họ mặc đồ truyền thống. Khi đó, những bức ảnh chân dung anh chụp sẽ thêm nhiều sắc màu. Vì thế, người nước ngoài khi xem hình Réhahn chụp ở Việt Nam rất thích thú vì thấy dân tộc Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc.

Réhahn đã ý thức rất rõ cốt lõi thẳm sâu của nhiếp ảnh mà anh hướng đến là khát khao muốn kể chuyện, chuyện những cuộc đời mà anh đã thấy, đã cảm nhận… Và bằng nhiếp ảnh, và phải là nhiếp ảnh, chứ không phải bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác để rồi thông qua đó, Réhahn đã thể hiện tình yêu văn hóa Việt, con người Việt.

Bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” gồm 35 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Réhahn tái hiện sinh động và đa dạng cuộc sống của các dân tộc ở Việt Nam. Theo Réhahn, “những hình ảnh về văn hóa, con người cộng đồng các dân tộc Việt Nam với đậm chất văn hóa truyền thống của dân tộc của họ sẽ dần mai một trong xu thế phát triển chung và tôi muốn lưu giữ những hình ảnh đó lại, như một di sản văn hóa cho thế hệ mai sau. Đó cũng là lý do mà bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” ra đời”.

Yêu như là… yêu thôi

Réhahn đã xuất bản 2 cuốn sách ảnh Việt Nam là “Những mảnh ghép tương phản” I và II. Cuốn sách ảnh nhanh chóng trở thành ấn phẩm bán chạy nhất Việt Nam năm 2014 và hiện đã có mặt trên 29 quốc gia trên thế giới. Trong đó, những tác phẩm đưa tên tuổi anh nổi tiếng thế giới như: “Những người bạn tốt”, “Nụ cười ẩn giấu”... Bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” với chân dung cụ Bùi Thị Xong đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn làm quà tặng cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm chính thức kỷ niệm 45 năm hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam vào tháng 3 vừa qua.

Nhiếp ảnh gia Réhahn không tham vọng chuyển tải được hết tinh hoa văn hóa, con người Việt Nam qua những góc ảnh. Với anh, con người Việt Nam đẹp và hạnh phúc hơn bất cứ đâu trên thế giới, dù gương mặt họ nhem nhuốc, in hằn sự lam lũ của cuộc mưu sinh. Văn hóa Việt Nam trong anh cũng mang nhiều màu sắc, hấp dẫn anh vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, phong tục văn hóa để yêu như là yêu thôi. Réhahn dùng nhiếp ảnh như ngôn ngữ để khi bất kỳ ai xem hình anh chụp cũng sẽ bắt gặp những câu chuyện, những thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn nào đó về văn hóa, con người Việt Nam.

Réhahn dùng nhiếnh như ngôn ng đ khi bt k ai xem hình anh chp cũng s bt gp nhng câu chuyn, nhng thông đip đy ý nghĩa nhân văn nào đó v văn hóa, con ngưi Vit Nam.

Tháng 6-2017, Réhahn khai mạc Phòng trưng bày ảnh nghệ thuật tại TP.HCM như giải “cơn khát” cho những người say mê nhiếp ảnh. Đây là phòng ảnh nghệ thuật thứ hai của anh sau Bảo tàng Di sản vô giá, trưng bày 200 bức ảnh nghệ thuật và giới thiệu trên 30 bộ trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam tại Hội An (Quảng Nam).

Với Réhahn, nhiếp ảnh là một nguồn vui sống. Nhiếp ảnh mang lại cho anh những cảm xúc mới mẻ, những trải nghiệm tuyệt vời để Réhahn luôn trân trọng từng khoảnh khắc được sống và làm việc tại Việt Nam. Để có những bức ảnh chụp về văn hóa, con người Việt Nam chân thật, chạm vào người xem, Réhahn phải dành thời gian sinh sống, thân thiết với đồng bào, cùng chia sẻ, đồng cảm với họ. “Nhiều trường hợp ban đầu rất khó tiếp cận vì họ không chịu cho tôi chụp. Tôi phải tiếp cận, chia sẻ một phần văn hóa của họ bằng cách cùng ăn cơm, trò chuyện, uống rượu, hút thuốc lào bằng tẩu… với đồng bào. Có những bức ảnh, tôi phải ở cùng nhân vật 3, 4 ngày mới chụp được, nắm được thần thái nhân vật” - Réhahn chia sẻ.

Tha thiết với văn hóa, con người Việt Nam, Réhahn càng thêm yêu quý những mảnh đời lam lũ mà anh đã gặp trên những chặng đường anh đi qua. Thế nên, làm từ thiện cũng là một trong những mục tiêu song hành cùng anh, bên cạnh nhiếp ảnh. Cứ lặng lẽ từng ngày đi “săn hình” không phải nhờ vào những tiếng vỗ tay náo nhiệt nào cả, Réhahn cứ bình thản trên con đường riêng của mình. Khi cầm máy hình ghi lại những nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam là lúc Réhahn cảm thấy mình được tự do, bay bổng, hoàn toàn là chính mình, khiến cho mỗi ngày anh đang sống trên mảnh đất hình chữ S lại chứa đựng một vẻ đẹp mới, sức sống mới.

Yên Hà