Thứ ba, 22/9/2015, 23h12

Người ở lại bến sông Nhật Lệ

Ông Lại Tấn Chuyên giản dị giữa đời thường. Ảnh: V.Yên

Nhắc đến mảnh đất Quảng Bình, nhiều người nhớ đến hình ảnh mẹ Suốt với “một tay lái chiếc đò ngang” hiên ngang dưới mưa bom bão đạn đưa bộ đội, lương thực sang sông Nhật Lệ, chung tay giải phóng miền Nam trong những năm chống Mỹ. Nhưng ít ai biết rằng, ngày đó còn có một chàng thanh niên làm phụ lái trên những chuyến đò sinh tử cùng mẹ Suốt. Ông là Lại Tấn Chuyên (65 tuổi), hiện ở phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới (Quảng Bình).

Ký ức hào hùng

Tìm về Đồng Sơn, hỏi ông Lại Tấn Chuyên, người dân ai cũng biết. Nhiều người gọi ông bằng cái tên trìu mến: “Ông Chuyên chèo đò kháng chiến” rồi tận tình chỉ đường về nhà ông. Bên hiên nhà, người đàn ông một thời vào sinh ra tử ấy miệt mài ngồi đan lưới. Ở vào cái tuổi ngoài 60, trông ông vẫn rắn rỏi, cường tráng. Râu tóc trắng như cước trông rất nghệ sĩ. Ông bắt đầu câu chuyện về những năm tháng chiến tranh dội xuống mảnh đất Quảng Bình đầy đau thương mà oanh liệt. Thời điểm ngày 5-8-1964, Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ, đã dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta. Với vị trí địa lí đặc biệt quan trọng, Quảng Bình là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt nhất. Thị xã Đồng Hới ngày ấy và bến đò sông Nhật Lệ đã trở thành “túi bom” của không lực Hoa Kỳ. Lúc đó dù mới 14 tuổi nhưng Lại Tấn Chuyên đã có vóc dáng như một thanh niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh nên được chọn vào Đội “Ba phòng”, làm nhiệm vụ: Phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn. “Năm 1965, Mỹ ra sức oanh tạc hòng biến miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Mới 15 tuổi, nhưng có sức khỏe nên tui được cấp trên cho làm phụ lái cùng mẹ Suốt. Được phân công nhiệm vụ tui thấy tự hào lắm, lúc nớ giận thằng Mỹ ném bom phá nát làng quê nên không biết sợ là gì. Tui nhận nhiệm vụ cầm phách (chèo trước mũi thuyền), còn mẹ Suốt chèo chính, vượt sông dưới làn bom đạn để vận chuyển lương thực, đưa bộ đội ta sang sông”.

Nhắc đến quãng thời gian đồng hành cùng mẹ Suốt trên những chuyến đò sinh tử sang sông, ông Chuyên bảo: “Hồi nớ đã 60 tuổi rồi mà mẹ Suốt vẫn vững vàng lắm. Được chèo đò với mẹ rất vui và cảm phục mẹ nữa. Mẹ nhanh nhẹn tránh các làn đạn, không để lạc tay lái khi nào dù bom Mỹ dội xuống tạo nên sức cản của nước rất lớn”.Ông Chuyên bảo: “Ngày đó, ngoài nhiệm vụ đưa bộ đội sang sông, những chuyến đò của mẹ Suốt và tui còn phục vụ hai tàu hải quân trực chiến trên sông Nhật Lệ. Giữa những chuyến đò, tui tranh thủ đi khắp làng chặt lá dừa về ngụy trang cho tàu chiến. Rồi những lúc địch oanh tạc kịch liệt, tui cùng mẹ Suốt chèo đò đưa thương binh vào bờ”. Sau một thời gian làm nhiệm vụ đưa đò trên dòng sông Nhật Lệ, ông Chuyên cùng mẹ Suốt tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong phục vụ trên tuyến lửa đường 16 và đường 20 Quyết Thắng thuộc cung đường Trường Sơn. Tiếp đó, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào. Trong một lần làm nhiệm vụ, ông bị thương nặng, được chuyển về tuyến sau và ra Bắc điều trị. Sau đó, ông được chuyển về công tác tại Cục Xăng dầu, thuộc Đoàn 559. Năm 1971, ông đã gặp gỡ và nên duyên với bà Nguyễn Thị Tám (SN 1949), một nữ thanh niên xung phong quê ở Nghệ An.

Lặng lẽ giữa đời thường

Hòa bình, ông Chuyên tham gia công tác ở HTX, rồi nghỉ việc đi biển mưu sinh. Sau đó tuổi già sức yếu, ông lại về làm quán bán lồng, chim cảnh và đan lưới ở Tiểu khu 9 - phường Đồng Sơn, Đồng Hới. Ít ai nghĩ rằng, người đàn ông từng vào sinh ra tử trên dòng Nhật Lệ, và cũng chính là người đã góp mặt trong bộ phim tài liệu lịch sử Mỹ muốn chơi với lửa, Mỹ sẽ thiêu thân lại có một cuộc sống khiêm nhường đến vậy. Với đồng lương ít ỏi, ngày ngày, ông lặng lẽ trên những chuyến đò giăng lưới trên sông để kiếm thêm mớ tôm, con cá. Ký ức về những năm tháng oai hùng thời trai trẻ, ông gói gọn trong đôi mắt thẳm sâu và những gói giấy ngả màu vàng ố. Ông tần ngần lật giở tờ giấy cũ và nhớ như in những điểm mốc năm xưa. “Đây là chứng từ nằm viện hồi tui còn trong quân ngũ, bị đạn rốc két bắn bị thương trong khi làm nhiệm vụ tại làng Ho (huyện Lệ Thủy”. Lần bị thương này sau đó ông được hưởng chế độ trợ cấp thương binh 4/4.

Ông Lại Tấn Chuyên và mẹ Suốt trên một chuyến đò (ảnh tư liệu)

Hỏi về những cống hiến năm xưa, người cựu chiến binh già Lại Tấn Chuyên bảo: “Mình là người con đất Việt thì khi đất nước lâm nguy, phải lên đường chiến đấu để chung tay giải phóng quê hương. Đến cả mẹ Suốt ở vào tuổi 60 vẫn hăng hái làm nhiệm vụ thì trai tráng như mình sá gì. Được sống, được trở về là hạnh phúc lắm rồi”, ông Chuyên cười lạc quan.

Phan Vĩnh Yên

Gia tài của ông, ngoài giấy tờ cũ mèm ấy, có thêm bức phù điêu bằng gỗ, với những đường chạm khắc tinh xảo hình ảnh một con thuyền đang cưỡi sóng tiến về phía trước, dưới bầu trời bồng bềnh mây phủ. Ông nói, đó là kỷ niệm cả đời người mang theo của mình.