Thứ năm, 18/1/2018, 20h54

Người trẻ về với Tết cổ truyền

Các em học sinh Trường THPT Tây Thạnh tái hiện lại cảnh sum vầy bên gia đình trong ngày Tết

Mong muốn học sinh hiểu và yêu hơn những nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời giáo dục các em những giá trị sống, ngày 17-1, Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) đã tổ chức chuyên đề ngoại khóa Thanh niên với Tết cổ truyền. Theo thầy Phạm Văn Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường), đây là một trong những hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong tháng 1 của nhà trường với nội dung Thanh niên với truyền thống dân tộc. “Bằng hình thức sân khấu hóa như diễn kịch, ca nhạc, chuyên đề như một lời nhắn nhủ, cho học sinh những trải nghiệm, những hiểu biết về nét đẹp trong Tết xưa của người Việt. Từ tục mời trầu, tục nấu bánh chưng bánh giầy, tập tục cho chữ, đi chợ Tết, sum vầy bên gia đình trong mâm cơm Tất niên, cùng đón giao thừa… Tất cả những nét văn hóa độc đáo đó sẽ mang đến cho các em những hình dung rõ nét về một cái Tết cổ truyền đầy ý nghĩa”, thầy Cường cho biết. Ngoài ra, chuyên đề còn nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Tết cổ truyền của Việt Nam đến bạn bè quốc tế trong khuôn khổ buổi giao lưu với học sinh Trường Hanam (Hàn Quốc). Theo đó, học sinh Trường Hanam thật sự ngỡ ngàng và thích thú khi chứng kiến những tái hiện về phong tục tập quán của người dân Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền. “Đây là một dịp để học sinh Hàn Quốc được hiểu hơn về văn hóa Tết Việt Nam, thêm yêu và trân trọng hơn đất nước các bạn”, đại diện Trường Hanam bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Phúc (Tổ trưởng bộ môn văn) cho biết chuyên đề được Tổ văn kết hợp với Đoàn thanh niên nhà trường tổ chức. Không chỉ lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc đến học sinh trong trường, học sinh nước bạn mà trên hết, chuyên đề còn nhằm “níu” các em trở về với văn hóa Tết xưa, gìn giữ bản sắc văn hóa. Tất cả nội dung trong chuyên đề đều do học sinh thực hiện. Các em tự đóng ông đồ, tự viết thư pháp, tự làm những mô hình bánh chưng bánh giầy. Những trải nghiệm đó là chất kết dính để “níu” các em trở về với nguồn cội, nhất là trước những quan điểm hiện đại về Tết như bỏ Tết, gộp Tết hay đón Tết “xa gia đình” bằng cách đi du lịch.

Đặc biệt, trong chuyên đề phong tục cho chữ dịp Tết được làm đậm nét. “Để các em yêu thêm tiếng Việt, biết giữ gìn nét trong sáng của hồn Việt. Bởi như nhà văn hóa Phạm Quỳnh (thời Nguyễn) từng nói: Tiếng Việt còn, nước ta còn”, cô Phúc nhấn mạnh.

Bằng trải nghiệm đóng vai ông đồ cho chữ và hát quan họ, em Trần Thành Thông (lớp 10A19) nói rằng bản thân đã hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc từ Bắc vào Nam, qua đó yêu và tự hào hơn những nét đẹp đó. “Với em, Tết là dịp để mọi người trong gia đình trở về sum vầy, ngồi lại cùng nhau nhìn về một năm cũ đã trôi qua. Nhắc nhở mỗi người biết nhìn về nguồn cội, tri ân cha mẹ, ông bà. Dù quan điểm có hiện đại thế nào thì người Việt trẻ cũng nên sắp xếp thời gian hợp lý trong dịp Tết để vừa có thể ở bên gia đình, vừa vui chơi bên bạn bè”, Thông chia sẻ.

Yến Hoa