Thứ tư, 9/3/2011, 10h03

Người Việt Nam mong đợi gì ở các trường đại học?

Đại học Humboldt (Đức) lấy khoa học làm căn bản để xây dựng một nền giáo dục toàn diện cho con người, theo đó giáo dục phải tập trung nghiên cứu khoa học, là nơi tìm tòi, học hỏi và tỏa sáng những mầm ươm tinh túy để xây dựng quốc gia. Nơi đây được coi là khai sinh ra khái niệm “Trường đại học hiện đại” mà giá trị khai sáng và nhân văn của nó đến nay vẫn còn là nền tảng tinh thần của các trường Đại học phương Tây và là hình mẫu tiêu biểu để cho nhiều quốc gia hướng đến.
Kỳ vọng của giới trí thức trẻ và những nhà giáo dục tâm huyết…
Để có được một nền giáo dục tiên tiến theo mô hình của Đại học Humboldt, những con người trẻ tuổi mong muốn gì khi bước chân vào giảng đường đại học? Đây cũng chính là chủ đề của cuộc thi “Tôi mong đợi gì ở các trường đại học?” do Đại học Hoa Sen tổ chức nhân dịp kỷ niệm 200 năm ra đời trường Đại học Humboldt trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2010. Cuộc thi đã thu hút gần 1.000 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước với biết bao tâm tư, trăn trở và suy nghĩ của đông đảo những trí thức trẻ về sứ mệnh của trường đại học trong việc phục vụ cho tiến bộ xã hội và cho công chúng trong thời khắc hội nhập nhiều thử thách và cơ hội như hiện nay.
Bằng những lời tâm sự chân thành của một bạn trẻ vừa trải qua những khoảnh khắc đầu tiên của ngôi trường đại học, Huỳnh Trúc Phương, sinh viên ngành Marketing của Đại học Hoa Sen, trong tác phẩm “Không chỉ là giấc mơ” đã đem đến những nỗi niềm sâu lắng khi trò chuyện cùng người bạn thân mang tên Đại học: “Mỗi người sẽ có duyên may và sự lựa chọn khác nhau và tớ tin rằng gặp cậu là một cơ may còn việc tớ yêu quý và muốn làm bạn với cậu chính là sự lựa chọn của trái tim tớ. Tớ rất tin vào câu nói: Định mệnh mang chúng ta đến với nhau nhưng chính chúng ta làm cho định mệnh thành sự thật". Đại học Hoa Sen - người bạn tâm giao của Trúc Phương, đã đem đến cho tuổi đôi mươi trong trẻo, hồn nhiên ấy bao trải nghiệm thú vị, đó là những xúc cảm khi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, đọc nhiều sách, suy nghĩ nhiều, phản biện nhiều và cảm nhận rằng cuộc sống xung quanh thật tươi đẹp, thú vị biết bao! Có lẽ sự chân thành và đáng yêu thông qua cách gọi tên “Hoa Sen thương yêu”, qua những nghĩ suy và sẻ chia mộc mạc dành cho những người bạn, những thế hệ đàn em đang đắn đo chọn lựa cho mình một môi trường giáo dục thực học và năng động phía trước chính là yếu tố quyết định khiến tác phẩm của Trúc Phương hoàn toàn chinh phục được sự đánh giá của Ban giám khảo và giành vị trí Quán quân của cuộc thi.
Tác phẩm thứ hai giành khá nhiều thiện cảm và sự đánh giá cao của những nhà giáo dục hàng đầu giữ vai trò là giám khảo của cuộc thi chính là tác phẩm “Một cách nhìn về giáo dục Đại học Hà Lan - Việt Nam” của tác giả Hoàng Trung Nghĩa. Với cách lập luận và so sánh sắc nét, tác giả đã đưa ra những nhận định khái quát về sự khác biệt giữa hai môi trường đào tạo Đại học tại Hà Lan và Việt Nam. Cũng theo đánh giá khách quan của Hoàng Trung Nghĩa thì cách dạy và học đại học của nước ta còn thiên về hình thức đọc, chép và học thuộc lòng, chưa đuổi kịp xu hướng phát triển của thế giới nói chung và Hà Lan nói riêng, đặc biệt cần phải có một hệ thống giáo dục công bằng, minh bạch thì chất lượng giáo dục của Việt Nam mới được cải thiện. Đây có thể nói là những trăn trở, ưu tư mà bao nhà giáo dục tâm huyết đã và đang muốn thực hiện để đem đến một môi trường giáo dục chất lượng, chuẩn mực cho nước nhà.
Giải ba của cuộc thi thuộc về tác phẩm “Đại học hay chỉ là học sinh cấp 4” của tác giả Vũ Hải Yến với những nỗi niềm trăn trở đậm giá trị nhân văn: “Vậy làm sao để một trường đại học đẳng cấp có thể đem đến tất cả những điều mà sinh viên muốn: một môi trường học thuật đúng nghĩa, nơi ươm mầm những niềm say mê, một nơi mà sinh viên có cảm giác chạm đến gần ước mơ của mình, một nơi mà sinh viên cần muốn đến trong mỗi ngày”. Theo đó, trường đại học cần phải là một mô hình xã hội thu nhỏ, một đô thị thu nhỏ, nơi sinh viên có thể học tập, nghiên cứu khoa học, dấn thân, trải nghiệm và tìm ra những bài học cho mình.
Cuộc thi khép lại với bao kỳ vọng của giới trí thức trẻ và những nhà giáo dục tâm huyết về một môi trường giáo dục đại học hoàn toàn mới mẻ của Việt Nam trong tương lai. Và trải qua gần 200 năm, có lẽ tinh thần Đại học Humboldt sẽ sống mãi và luôn được tiếp nối bằng những ngọn lửa tuổi trẻ nhiệt huyết và đầy lạc quan.
Hà Phương