Thứ hai, 26/10/2015, 10h15

Người Việt rụt rè “chơi” nhà thông minh

Tại Việt Nam, các giải pháp nhà thông minh hiện đa phần mới tập trung ở các công trình biệt thự, chung cư cao cấp. Còn với nhà ở dân dụng, người dùng đã bắt đầu quan tâm nhưng vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu chứ chưa đầu tư nhiều do ngại tiếp cận công nghệ, lo ngại giá cao.

Cùng với sự phát triển của xu thế công nghệ Internet of Things (IoT), khái niệm “nhà thông minh” cũng đang dần trở nên phổ biến khi nhu cầu sở hữu những ngôi nhà hiện đại, thông minh dần trở thành một tiêu chuẩn đối với nhiều gia đình.
Theo Hãng nghiên cứu Juniper Research, Mỹ, thị trường nhà thông minh đang phát triển mạnh mẽ với doanh thu thị trường toàn cầu dự kiến đạt 71 tỉ USD vào năm 2018. Còn theo Google, smarthome là phần quan trọng nhất của IoT, lĩnh vực được các hãng lớn dự báo doanh số đạt 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2019, kết nối 2,8 tỉ thiết bị với nhau, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2014.
Sự tăng trưởng các thiết bị di động, tốc độ đường truyền ngày càng cao và ổn định với chi phí hợp lý… cũng đang thúc đẩy, tạo điều kiện cho xu hướng phát triển của nhà thông minh trong cuộc sống đô thị hiện đại.
Tại Việt Nam, cùng với xu hướng tăng trưởng mạnh của IoT, nhà thông minh cũng đang dần trở thành một lĩnh vực hấp dẫn được các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước nhảy vào cạnh tranh, cung cấp giải pháp đa dạng cho khách hàng.
Đánh giá của giới công nghệ cho thấy, khái niệm nhà thông minh đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam nhưng trên thực tế đây mới là giai đoạn “mở đường” thị trường. Dự tính phải mất khoảng từ 3 - 5 năm tới, nhà thông minh mới thực sự phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, hạn chế lớn của thị trường nhà thông minh ở Việt Nam hiện nay là ít có nhà cung cấp giải pháp đồng bộ, đa phần là đối tác ủy quyền của các hãng cung cấp giải pháp của nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện nay thiên về cung cấp một số giải pháp như giải pháp về an ninh, an toàn, điều khiển thiết bị điện thông qua smartphone… và thường mỗi doanh nghiệp chỉ có một thế mạnh riêng. Ông Nguyễn Đức Tài – TGĐ Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam nhận định, ở Việt Nam, xu hướng chơi nhà thông minh được tạm chia thành hai phân khúc cao cấp và trung cấp.
Ở phân khúc cao cấp, để triển khai lắp đặt giải pháp nhà thông minh khách hàng phải bỏ ra một khoản chi phí tương đối cao, từ vài trăm triệu cho tới hàng tỷ đồng tùy theo quy mô căn nhà và mức độ đầu tư của gia chủ. Các đơn vị thực hiện giải pháp nhà thông minh tại phân khúc này đa phần là đối tác ủy quyền của các hãng cung cấp giải pháp của nước ngoài như Đức, Mỹ, Pháp…
Để thực hiện “giấc mơ” nhà thông minh, khách hàng thường phải trả khoản kinh phí rất lớn từ 15.000 USD - 180.000USD/căn hộ tùy nhu cầu sử dụng. Cùng đó, các hãng phải tác động tới hệ thống, hạ tầng điện của công trình ngay từ lúc mới bắt đầu xây dựng mà không thể linh hoạt thay thế, lắp mới khi công trình đã hoàn thiện. Còn đối với phân khúc trung cấp thì chi phí thấp hơn rất nhiều, chỉ từ vài chục triệu đồng trở lên.
Bên cạnh đó tại Việt Nam, các giải pháp tích hợp thông minh cho các căn hộ, tòa nhà rất tiện ích nhưng đa phần chỉ mới tập trung vào các công trình biệt thự, chung cư cao cấp. Với nhà ở dân dụng, người dùng đã bắt đầu quan tâm nhưng vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu chứ chưa đầu tư nhiều do ngại tiếp cận công nghệ, cho rằng chi phí tốn kém.
“Tuy nhiên, quan niệm sở hữu nhà thông minh quá tốn kém không còn phù hợp. Thông thường, muốn sử dụng gói giải pháp nhà thông minh của doanh nghiệp trong nước, khách hàng chỉ mất khoản chi phí từ 30 – 50 triệu đồng/căn hộ chung cư, hoặc từ 60 – 90 triệu đồng đối với một biệt thự liền kề. Việc thi công có thể không phải đập phá, đi dây dẫn cho căn hộ nhờ sử dụng sóng ZigBee”, đại diện Lumi Việt Nam cho hay.
Cũng theo ông Tài tại các khu đô thị hiện đại ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…hiện đã có rất nhiều gia đình sử dụng các giải pháp nhà thông minh, thực tế đó là những minh chứng rõ nhất cho thấy nhu cầu nhà thông minh vẫn đang phát triển từng ngày.
PV (theo dantri)