Thứ sáu, 17/12/2010, 15h12

NGƯT Đào Ngọc Ca: Gieo mầm tri thức nơi cuối trời tổ quốc

NGƯT Đào Ngọc Ca

Trong cái se se lạnh của buổi giao mùa nơi đất trời phương Nam, chúng tôi tìm đến nhà thầy Đào Ngọc Ca, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, người đã có nhiều công lao, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục nơi cuối trời tổ quốc.
Huy động sức dân xây dựng sự nghiệp giáo dục
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo tiếng gọi của Đảng, thầy Đào Ngọc Ca tình nguyện vào công tác tại Thới Bình, một huyện vùng sâu, nghèo khó, kênh rạch chằng chịt, nằm phía Bắc tỉnh Cà Mau. Sức trẻ hăm hở như muốn chùng lại khi thầy được phân công giảng dạy tại Trường Bổ túc công nông huyện Thới Bình, cách trung tâm huyện 10km. Hàng ngày thầy lội bộ 2-3 tiếng đồng hồ mới đến trường. Đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy Đào Ngọc Ca vẫn cố gắng vượt qua để cống hiến hết sức mình cho công tác “gieo mầm tri thức”.
Sau bốn năm làm Hiệu trưởng Trường THCS Thới Bình, đến năm 1987, thầy được chính quyền địa phương và nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thới Bình. Thầy Ca tâm sự: “Lúc ấy, ngành GD Thới Bình cực kỳ khó khăn. Trường lớp tuềnh toàng, tạm bợ, giao thông đi lại cách trở, người dân chưa nhận thức sâu về việc học, lương giáo viên thấp lại trả chậm trễ, tới 3 đến 5 tháng mới được nhận một lần. Hàng loạt giáo viên đã bỏ nghề kéo theo chất lượng giáo dục giảm sút trầm trọng”.
Ông Lê Minh Thức, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, hiện đang làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình nhớ lại: “Những năm ấy, ở Thới Bình đời sống người dân nghèo lắm, địa hình thì kênh rạch chằng chịt, đi lại chủ yếu bằng phương tiện đò, ghe. Mạng lưới trường lớp thưa thớt, tạm bợ, chủ yếu được làm bằng cây lá. Mỗi trường có nhiều điểm trường, mỗi điểm có một, hai lớp học, được bố trí xây dựng dọc theo những con kênh xanh, khu vực đông dân cư. Giáo viên đi dạy phải xăn quần lội bộ trên những bờ kinh, sình lầy nhem nhuốc… cực lắm! Nhiều giáo viên không chịu nổi phải bỏ nghề hoặc chuyển sang làm công việc khác”.

Trường THPT Thới Bình được xây dựng khang trang như ngày hôm nay là nhờ công lao đóng góp to lớn của NGƯT Đào Ngọc Ca

 Sau thời gian trăn trở, thầy Đào Ngọc Ca nhận thức được rằng: phải dựa vào dân, huy động sức dân chăm lo xây dựng sự nghiệp giáo dục. Từ đó, thầy bắt tay vào việc củng cố đội ngũ giáo viên bằng việc mở lớp huấn luyện sư phạm, tuyển những người có trình độ văn hóa từ lớp 9 trở lên đào tạo nghiệp vụ sư phạm trong ba tháng hè rồi đưa về các trường dạy học. Mặt khác, thầy xin ý kiến UBND huyện Thới Bình và Sở GD-ĐT Cà Mau cho ngành GD Thới Bình thực hiện phương án “Huy động sức dân xây dựng sự nghiệp giáo dục”. Theo đó, Phòng GD huyện phối hợp với UBND các xã vận động nhân dân, tùy hoàn cảnh, lòng hảo tâm, đóng góp mỗi hộ từ 5 đến 10 giạ lúa/năm, quy ra tiền gửi ngân hàng để hưởng lãi suất dùng trợ cấp, giúp đỡ cho giáo viên, học sinh và mua sắm những thiết bị dạy học cần thiết.
Phương án đã được đông đảo phụ huynh đồng tình ủng hộ. Chỉ trong hai năm, toàn huyện đã huy động được trên 10 tấn lúa, giúp hàng trăm giáo viên và học sinh vượt qua khó khăn bám trụ với lớp, với trường. Tỉ lệ giáo viên bỏ nghề giảm rõ rệt, nhận thức của người dân về giáo dục cũng được nâng lên. Theo đó, chất lượng giáo dục của huyện Thới Bình từng bước được củng cố, phát triển. Sau gần bốn năm làm Trưởng phòng GD-ĐT, thầy Đào Ngọc Ca đã xây dựng, củng cố được đội ngũ sư phạm, đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, đồng thời đã huy động được sức dân đóng góp vì sự nghiệp giáo dục. Đây chính là tiền đề để giáo dục Thới Bình vững chắc đi lên trên nền xã hội hóa giáo dục.
Đưa học sinh nghèo cập bến tri thức
Năm 1991, thầy được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình. Là trường cấp 3 của huyện nhưng cơ ngơi của trường chỉ vẻn vẹn có năm phòng làm bằng cây lá dột nát, xung quanh toàn lau, sậy, dừa nước. Vẫn với bài học huy động sức dân chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, một mặt thầy phối hợp chặt chẽ với Hội phụ huynh học sinh trong việc xây dựng trường lớp, trồng cây xanh, cây cảnh, xây dựng cư xá tập thể cho giáo viên… Vào những thời điểm khó khăn trời mưa, gió lốc, các phòng bị sụp đổ hoàn toàn. Sợ trò không có lớp học, thầy Ca đã vận động giáo viên, học sinh và phụ huynh vào tận Lâm ngư trường Sông Trẹm (nay thuộc huyện U Minh), cách trường hơn 20km xin cây, lá về dựng lại trường, lớp và xây cư xá tập thể cho giáo viên.
Với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, phụ huynh học sinh cùng lòng nhiệt huyết, sự nhạy bén, sáng tạo của Hiệu trưởng Đào Ngọc Ca, diện mạo Trường THPT Thới Bình đã thay đổi từng ngày. Từ một ngôi trường cây lá đơn sơ, chưa đầy 100 học sinh, nay đã được xây dựng kiên cố, khang trang, và trở thành trung tâm văn hóa của huyện. Từ năm 1991 đến nay, trường luôn đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh nhà. Hàng ngàn học sinh qua các thế hệ tốt nghiệp ra trường, nhiều người nay đã là tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ,… đã và đang cống hiến cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước.
Ông Lâm Trường Minh, Chủ tịch Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Thới Bình, người đã có 30 năm gắn bó với giáo dục Thới Bình cho biết: “Thầy Ca là một trong số những nhà giáo có công lao lớn trong quá trình “khai sáng”, phát triển sự nghiệp giáo dục Thới Bình, từ những ngày đầu giải phóng, tạo điều kiện cho con em vùng sông nước nghèo khó này được đến trường… Chúng tôi vô cùng biết ơn!”.
Vinh danh người thầy
Không chỉ làm tốt trách nhiệm của một nhà giáo, thầy Đào Ngọc Ca còn là tấm gương sáng trong nuôi dạy con cháu. Gia đình thầy có bốn người con, hiện tại cả bốn người đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Gia đình thầy vinh dự được nhận danh hiệu Gia đình hiếu học tiêu biểu của huyện Thới Bình.
Về nghỉ hưu từ năm 2007 nhưng đến nay thầy vẫn dành nhiều tâm huyết, những ý kiến đóng góp quý báu cho công tác giáo dục tỉnh nhà. Ghi nhận những đóng góp to lớn của thầy cho sự nghiệp giáo dục, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy chương kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng nhiều bằng khen giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau… Đặc biệt vào đầu tháng 11-2010 vừa qua, thầy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Chia tay thầy trong một buổi chiều muộn, nắm chặt tay tôi, thầy Đào Ngọc Ca cười bảo: “Thấy vậy chứ những gì tôi làm trong suốt 30 năm gắn bó với nghề chưa thấm gì so với tình cảm, sự tin yêu, giúp đỡ, đùm bọc mà nhân dân Thới Bình dành cho tôi”.
Vậy đó, thầy Đào Ngọc Ca bao giờ cũng khiêm nhường, lặng lẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Bây giờ gọi thầy sao cũng đúng: người đi gieo mầm tri thức, một nhà giáo cần mẫn với công việc, gắn bó với người dân vùng sông nước nghèo khó và bây giờ là một trí thức nghỉ hưu vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến sức mình cho quê hương nơi cuối trời tổ quốc.
Bài, ảnh: Nguyễn Mạnh Thắng