Thứ ba, 24/8/2010, 10h08

Nguy cơ mắc bệnh giun đầu gai vì ăn lươn, ếch

Theo TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Trưởng khoa Ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, bước vào mùa mưa, khoa ký sinh trùng của bệnh viện đã tiếp nhận 4 bệnh nhân bị bệnh giun đầu gai.
Một trường hợp nam ở huyện Hóc Môn, một bên mặt sưng phù sau đêm nhậu. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy,bệnh nhân bị giun đầu gai do ăn lẩu lươn. Một trường hợp cũng do ăn ếch và lươn, sau đó bị áp xe ở chân. Hai trường hợp khác bị áp xe nhưng do không được chẩn đoán sớm nên mặt đã bị biến dạng, có khả năng bị mù mắt. Theo BS.Siêu, trước đây bệnh viện ít gặp (chỉ một vài trường hợp/năm) bệnh giun đầu gai. Bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa, do bệnh nhân ăn các loại thuỷ sản như cá lóc, lươn, ếch… chưa nấu chín. Đặc biệt, giun đầu gai ở trong thịt lươn, mặc dù nấu chín, khi ăn vẫn có thể mắc bệnh.
BS. Siêu cho rằng, các nhà hàng, quán ăn thường mổ ruột, rửa các loại thuỷ sản rồi bỏ vào tủ lạnh, khi khách hàng ăn lẩu chỉ cần cắt ra và bỏ vào nồi nhúng, nên thịt khó chín kỹ. Giun đầu gai thường nằm ở trong các nang thịt của thuỷ sản. Khi ăn thuỷ sản có giun đầu gai vào trong ruột, giun đầu gai vẫn còn sống và sẽ chui xuyên qua ruột, đi vào máu, thường biểu hiện ở mô dưới da, gan, não, mắt… tạo thành áp xe to bằng nửa quả chanh.
Áp xe di chuyển từ từ xung quanh người gây đau nhức dữ dội, làm cho khuôn mặt biến dạng, hạn chế cử động. Giun đầu gai di chuyển lên não sẽ gây xuất huyết màng não, đi vào ổ mắt và gây mù mắt. Cũng theo BS. Siêu, khi phát hiện ra một người bệnh nhiễm giun đầu gai thì có khả năng đã có 10 người đang bị bệnh trong cộng đồng mà không biết.
Nhiều bác sĩ khi gặp những trường hợp này dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh viêm mô da hoặc áp xe bình thường nên cho bệnh nhân uống kháng sinh mãi mà vẫn không hết, dẫn đến cơ thể bị biến chứng, biến dạng. Vì vậy, người dân nên ăn chín, uống sôi, không nên ăn lươn, ếch sống.     
H. Trang / Gia Đình