Thứ năm, 16/3/2017, 21h01

Nguy kịch vì dị vật đường thở

Những ngày gần đây, các bậc làm cha làm mẹ thật sự hoang mang khi hay tin 2 trẻ do hóc dị vật đường thở đã tử vong một cách oan uổng dù được các BS cấp cứu bằng mọi phương pháp nhưng vẫn không qua khỏi.

BS Phương thực hành sơ cứu hô hấp nhân tạo cho trẻ (ảnh tư liệu BV cung cấp)

BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, cách đây vài ngày Khoa Cấp cứu của BV đã tiếp nhận một bé trai 5 tuổi bị hóc rau câu và trước đó là một bé trai 17 tháng tuổi bị ngạt nước. 

Vật lạ nguy hiểm

Tuy nhiên, do được chuyển đến BV quá trễ và người nhà không biết cách sơ cứu tại chỗ nên các bé đều ở trong tình trạng người tím tái, trụy mạch, hôn mê sâu. Để tiếp thêm ôxy, các BS đã nhanh chóng cứu chữa bằng biện pháp tích cực là cho bé thở bằng máy. Theo lời kể của người nhà, trong khi ăn rau câu, do nằm sâu trong vỏ nhựa nên bé đã dùng lực của miệng để hút mạnh cục rau câu vào bên trong. Tuy nhiên, do lực hút quá mạnh nên miếng rau câu chui tọt vào trong cổ họng làm tắc nghẽn đường thở nên dẫn đến suy tim. Được phát hiện kịp thời nhưng do đưa đến BV quá muộn nên sau đó bé đã tử vong một cách oan uổng. 

BS Phạm Ngọc Thạch - BV Nhi đồng 2 cho biết, dị vật đường thở là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Hay gặp nhiều nhất là hạt các loại đậu, hạt bắp, hạt dưa, trân châu, trà sữa, thạch rau câu, nút áo, viên bi. Theo BS Thạch, mọi lứa tuổi có thể bị dị vật đường thở nhưng hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở là những tai nạn có thể nguy hiểm ngay đến tính mạng và phải được xử trí cấp cứu. Thường gặp ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn, gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ tuổi. Trẻ em còn nhỏ dại thường có thói quen đưa các vật lạ vào mồm. Người lớn trong khi làm việc cũng có những người quen ngậm một số những dụng cụ nhỏ vào mồm, đó là điều kiện dễ đưa tới dị vật rơi vào đường thở hay vào thực quản. Tuy nhiên trẻ em chưa thấy được nguy hiểm của hậu quả dị vật bị hóc vào trong đường thở. Dị vật có thể bằng nhiều con đường khác nhau như: trẻ tự đưa vào miệng, khi hít vào mạnh hoặc sau một trận cười hay trận khóc. Trẻ bị liệt họng, thức ăn cũng có cơ hội chui vào đường thở ngoài ý muốn. Thực tế đã có trường hợp răng giả, mảnh V.A khi nạo, dị vật lấy ở mũi bị rơi vào họng và rơi vào đường thở.

Quyết giành giật sự sống bằng “thời gian vàng”

Cũng giống như dị vật, nước cũng là thủ phạm gây ngạt thở một cách nhanh chóng nhất là đối với những ai bị đuối nước. Nước và dị vật có thể đi vào cơ thể bằng các con đường như thanh quản, phế quản, khí quản. Có trường hợp người nhà biết chính xác dị vật rơi vào đường thở nhưng cũng có khi không biết cụ thể. Lúc đó phụ huynh nên dựa vào một số triệu chứng để xác định trong đường thở có dị vật như: bé khó thở, ho khạc nhiều, người tím tái, hôn mê sâu nếu nặng.

Trường hợp trẻ 17 tháng tuổi bị ngạt nước trong một chậu nước nhỏ đã dẫn đến tử vong, thật đau lòng. Đây cũng là trường hợp rất phổ biến vì do người lớn đôi khi quá chủ quan vì ở ngay trong nhà chứ không phải ngoài sông, ngoài biển.

Theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 1, TP.HCM, “thời gian vàng” để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 4-10 phút. BS Phương trao đổi: “Sau khoảng thời gian này xem như đã trễ, mọi cách cứu chữa gần như vô phương. Nếu có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề, bệnh nhi có thể phải sống thực vật”. Đó là khoảng thời gian có thể phục hồi lại nhịp đập của tim và các bộ phận khác trong cơ thể hoạt động lại.

Vì thế BS Phương khuyên các phụ huynh, khi gặp phải tình huống trên nên làm các động tác sơ cứu tại chỗ để nhanh chóng tống dị vật ra ngoài càng sớm càng tốt. Động viên bệnh nhân ho mạnh, cúi gập người hoặc tác động mạnh vào bụng để vật lạ trôi ra ngoài. Cho trẻ nằm ngửa dùng tay ấn lên lồng ngực, hoặc vùng thượng vị, làm tăng áp lực trong lồng ngực để dị vật được tống ra ngoài. Nếu làm cách đó không hiệu quả, trẻ vẫn tím tái, cha mẹ không được nản mà tiếp tục hà hơi thổi ngạt với mục đích nhanh chóng cung cấp ôxy cho não, phổi. Trong thời gian đó người nhà kịp thời gọi cấp cứu 115 và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đến BV, người thân phải liên tục hồi sức để cung cấp ôxy kéo dài thời gian để trẻ không bị ngưng tim ngạt thở.

BS Thạch khuyên, nên cảnh báo cho trẻ em và nhiều người được biết rõ những nguy hiểm của dị vật đường thở. Tuyệt đối không để cho trẻ em đưa các vật và đồ chơi vào miệng ngậm và mút. Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như trái cây có nhiều hạt, thực phẩm có nhiều xương. Theo kinh nghiệm, nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, người lớn không nên hoảng hốt la mắng vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc. Không chỉ trẻ em mà ngay người lớn cần tránh thói quen ngậm các vật như bút, chìa khóa, đinh, cá, kẹp tóc vào miệng khi làm lao động. Và nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở chúng ta cần đưa trẻ đi BV ngay càng sớm càng tốt, không được chậm trễ dù một phút một giây.

Nguyễn Hoàng Anh