Thứ hai, 24/6/2013, 16h06

Nhà báo và chuyện bây giờ mới kể: Bài 2: Những bài báo viết dưới bom đạn

Nhà báo  Hồng Phương (trái) tại nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Giản Thanh Sơn
Nói về những ngày đầu làm báo nơi tuyến lửa, nhà báo Hồng Phương, nguyên Trưởng phòng Quân sự Báo Quân Đội Nhân Dân như được sống lại cái thời tuổi trẻ xông pha chiến trường.
Từ những dòng nhật ký
Đơn vị của ông là Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 đóng tại quê nhà Nghệ An. Đây là đơn vị có chất chính trị tốt, được vào tiếp quản Hà Nội. Đơn vị trên đường hành quân về chiến trường Điện Biên Phủ thì hay tin giải phóng. Được lệnh, đoàn vào tiếp quản thị xã Sơn Tây, xe bọc thép của Pháp đậu kín hai bên đường dưới cơn mưa lất phất, trong anh bộ đội Nguyễn Hồng Phương như dâng tràn mạch xúc cảm, muốn ghi lại giây phút ấy bằng những dòng nhật ký. Lúc bấy giờ, nhà báo Hồng Phương làm Trợ lý chính trị cho ông Trọng Đắc. Thấy Hồng Phương hí hoáy ghi chép, ông Đắc hỏi rồi xem qua. Ông Đắc gật gù và gợi ý: “Ý tứ tốt, chú thử viết rồi gửi Báo Lập Công”. Được cấp trên khen, Hồng Phương mạnh dạn viết và liên tục gửi cho Báo Lập Công và Báo Quân Tiên Phong (các tờ này sau giải thể và sáp nhập vào Báo Quân Đội Nhân Dân).
Hôm đến suối Hòa Lạc tắm, tại đây nhà báo Hồng Phương gặp anh em nuôi quân tập kết chuyên đóng gạch, ngói xây dựng doanh trại. Cảm kích về những gì mà người miền Nam dành cho đất Bắc, Hồng Phương đã có đề cương cho một bài viết. Ngay trong đêm ấy, khi đồng đội chìm trong giấc ngủ thì ông thắp đèn dầu, kê tấm ván làm bàn viết bài Những người lính kiến thiết. Bài viết gửi đi 15 ngày chẳng thấy tin tức gì. Ông ngỡ rằng bài không sử dụng được. Ngày nọ, bài viết “hoành tráng” được đăng trên Báo Quân Đội Nhân Dân, số tháng 3-1956 ký tên Nguyễn Hồng Phương. Bài viết hay nên tòa soạn đã cử phóng viên xuống đơn vị để chụp ảnh minh họa cho sinh động.
Chẳng lâu sau, Hồng Phương là cộng tác viên đặc biệt của Báo Quân Đội Nhân Dân, thường xuyên có bài viết về gương điển hình trong quân đội. Hồng Phương chính thức trở thành phóng viên của Báo Quân Đội Nhân Dân vào năm 1964. Suốt một năm ở báo, ông được giao nhiệm vụ đọc tài liệu, dự hội nghị và biên tập tin. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ở miền Bắc. Hồng Phương đang ăn Tết cùng gia đình thì Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước nhắn lên gặp gấp. Vừa đến cổng tòa soạn, Tổng biên tập nói: “Bây giờ cháu xuất quân đi. Chú tin ở cháu”. Hồng Phương vừa mừng vừa lo. Mừng là vì được ra chiến trường. Còn lo là vì nhiệm vụ nặng nề mà cả tòa soạn đặt niềm tin nơi mình.
Nhiệm vụ của Hồng Phương là phải ghi nhận toàn cảnh chiến đấu trong đêm ở chiến trường Quảng Bình. Đến nơi, Hồng Phương bắt tay vào việc, phỏng vấn từ tự vệ, tiểu đoàn đến nhà mẹ Suốt… Sau đó, Hồng Phương phải viết hai bài tường thuật hai ngày chiến đấu. Bài báo được khen nhưng ông không hài lòng tựa bài Hai ngày chiến thắng của quân và dân Quảng Bình cũng như bỏ qua một vài chi tiết đắt mà khi nhắc lại, ông vẫn còn tiếc.
Đến bài xã luận lịch sử

Sau lần tác nghiệp ở chiến trường Quảng Bình, ông được thăng cấp Trung úy rồi làm phóng viên thường trú tại TP.Vinh, Nghệ An. Tháng 10-1967, cơ quan điều chuyển ông viết nghị luận. Đầu năm 1970, ông được cử đi chiến trường Campuchia. Buổi tiễn đưa tại tòa soạn có cả gia đình Hồng Phương. Đoàn xe đưa quân sang nước bạn có 4 chiếc. Hồng Phương ngồi xe đầu. Xe bon bon theo đường Trường Sơn, pháo nã vào xe giữa, nhiều người bị thương nặng nên đoàn phải dừng lại để làm công tác sơ cứu. Không thể đợi, Hồng Phương xin tách đoàn. Trời mưa, nước sông, suối dâng cao. Suốt quãng đường 8 cây số đường rừng, lội suối, Hồng Phương chống gậy đi mất 5 giờ. Nhà báo Hồng Phương nhớ lại: “Qua sông Sê Kông phải đu dây, vật lộn dưới con nước đổ như thác khiến hai bàn tay tôi rát bỏng, bên trên là đạn pháo liên tục dội xuống. Với danh nghĩa là phóng viên quốc tế, giỏi chinh phục, đấu trí nhưng không thể vào được TW cục nếu không có sự giúp đỡ. Tại đây, tôi gặp ông Lê Đức Phong, là Thượng tá đóng vai tư sản buôn hàng cho cách mạng bảo lãnh. Từ đó TW cục cho một bảo vệ kiêm dẫn đường cho tôi vào chiến trường. Lúc bấy giờ, một tuần lễ phải nằm mê man 4 ngày vì sốt rét rừng nhưng tôi đã viết phóng sự 12 kỳ tại vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia”.
9 giờ 30 sáng 30-4-1975, Tổng biên tập gọi Hồng Phương và yêu cầu: “Chuẩn bị viết bài xã luận giải phóng Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh có thể toàn thắng trước dự định”. Đầu óc Hồng Phương đang miên man với ý tứ, chất liệu cho một bài xã luận lịch sử thì Tổng biên tập lại gọi sang phòng gấp, nói: “Quân ta đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất - PV). Cậu viết ngay bài xã luận giải phóng Sài Gòn”. 3 giờ 30 chiều, bản đánh máy đã đặt trên bàn Tổng biên tập. Nửa giờ sau, Tổng biên tập về, nói: “Tổng cục Chính trị báo về, không chỉ Sài Gòn mà các tỉnh Nam bộ cũng đã giải phóng. Phải sửa lại tít bài là Toàn thắng. 22 giờ, bài viết đã hoàn thành theo yêu cầu phân tích tầm cao và ý nghĩa quốc tế của thắng lợi. 23 giờ, Tổng biên tập đọc bản thảo và bảo: “Bộ tổng tư lệnh vừa điện sang Cục Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc: “Kẻ địch đã đầu hàng, nhưng cuộc chiến mới ở các đảo mới bắt đầu. Chưa thể lường hết giá trị của các mũi ra đảo xa lúc này. Phải viết thế nào để bộ đội ta giữ chắc tay súng. Còn nhiều thử thách mới”. Thế là phải viết lại, bài viết dài 20 trang, viết xong trang nào chuyển Tổng biên tập duyệt rồi liên lạc đưa sang đánh máy. 1 giờ 15 phút sáng 1-5, nhà báo Hồng Phương trực tiếp đạp xe đưa xuống nhà in sắp chữ. Xong việc, ông còn đạp xe ra hồ Hoàn Kiếm, hòa vào dòng người xuống đường mừng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Trần Trọng Tri
Nhà báo Hồng Phương còn là tác giả bức ảnh Nỗi đau và trách nhiệm chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thanh niên tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh 9-9-1969, một trong những bức ảnh đẹp nhất thế kỷ 20 của Việt Nam.
 
Bài 3: Hoài  Nam - nhà báo có tố chất trinh sát