Thứ sáu, 10/8/2018, 10h05

Nhà đầu tư Thái dẫn đầu việc mua lại các doanh nghiệp Việt

Liên tục trong những năm qua, các nhà đầu tư Thái Lan vẫn thực hiện chiến lược mua lại các doanh nghiệp Việt đang dẫn đầu thị trường.
Thaibev mua cổ phần Sabeco đưa giá trị M&A năm 2017 tăng vọt /// Ngọc Dương
Thaibev mua cổ phần Sabeco đưa giá trị M&A năm 2017 tăng vọt - NGỌC DƯƠNG
Báo cáo của nhóm nghiên cứu tại Diễn đàn Mua bán & Sáp nhập (M&A) vừa diễn ra tại TP.HCM cho thấy, năm 2017, tổng giá trị hoạt động này tại Việt Nam đạt 10,2 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 175% so với năm 2016. Sự tăng trưởng đột biến này là do có thương vụ Thaibev mua cổ phần chi phối tại Sabeco với trị giá 4,8 tỉ USD.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam cũng đạt 3,55 tỉ USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực sôi động nhất được giao dịch gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Bên cạnh đó ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng cũng có những thương vụ mới. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là người mua chính trong các thương vụ này với tỷ lệ hơn 91% trong khi nhà đầu tư trong nước chỉ thực hiện mua gần 9%.
Dòng vốn tham gia vào hoạt động mua doanh nghiệp trong nước chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, các nhà đầu tư Thái Lan vẫn thực hiện chiến lược mua lại các công ty lớn dẫn đầu thị trường từ nhiều năm qua. Ví dụ như các thương vụ trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ gồm Metro, BigC, Nguyễn Kim; lĩnh vực nguyên vật liệu có Prime Group, Xi măng Holcim, VCM, nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong... và năm 2017 là thương vụ Thaibev - Sabeco đưa Thái Lan tiếp tục dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam trong năm 2017, chiếm tỷ lệ hơn 50% về giá trị đầu tư.
Tuy nhiên quy mô thị trường M&A của Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, giá trị M&A của Singapore năm 2016 đạt 62,3 tỉ USD, vượt xa so với mức 11 - 16 tỉ USD của các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Theo dự báo, cả năm 2018 giá trị M&A của Việt Nam có thể đạt 6,5 - 6,9 tỉ USD, chỉ bằng 63,7% năm 2017. Quy mô này tăng hơn mức trung bình 5 tỉ USD/năm của giai đoạn 2014 - 2016 nhưng để đạt được mức 10 tỉ USD như năm qua thì cần phải có các thương vụ lớn hơn. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản được dự báo vẫn tiếp tục "hút" dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
 
M. Phương/ TNO