Thứ hai, 23/11/2009, 16h11

Nhà giáo: “linh hồn” của giáo dục

PGS.TS Vũ Tình (người thứ 2 từ phải sang) - Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV – ĐHQG TP.HCM tại Liên hoan thanh niên Đông Nam Á

Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Tình -Giám đốc Trung tâm Lý luận chính trị ĐHQG-HCM; Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn khi phóng viên báo Giáo Dục TP.HCM vinh dự trò chuyện cùng ông.
PV: Thưa thầy, người xưa quan niệm rằng “lương sư hưng quốc”, thầy nghĩ như thế nào về quan niệm này?
PGS.TS Vũ Tình: Đúng là ngay từ thời cổ đại xã hội đã nhận thấy vai trò rất quan trọng của người thầy đối với vận mệnh quốc gia. Khổng Tử cũng đã từng nói: Không cần vào kho vũ khí để xem gươm giáo nhiều hay ít, không cần phải vào kho lương thực để xem lúa gạo đầy hay vơi mà chỉ cần bước chân vào lớp học xem thầy dạy trò cái gì là biết vận mệnh của quốc gia suy tàn hay hưng thịnh. Ngày nay, cùng với khoa học và công nghệ, chúng ta xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, còn nhà giáo, tôi coi như “linh hồn” của giáo dục.
Người xưa còn quan niệm “Không thầy đố mày làm nên”, phải chăng đấy cũng là nói đến người thầy với tư cách là “linh hồn” của cuộc sống?
Theo tôi, quan niệm này cũng khẳng định vai trò của nhà giáo chứ không phải nói theo nghĩa đen của nó là không có thầy thì không làm được cái gì. Khoảng chín phần mười (9/10) lịch sử nhân loại chưa có người thầy theo đúng nghĩa của nó nhưng loài người vẫn phát triển. Từ khi người thầy ra đời, người thầy đóng vai trò định hướng cả về tri thức, nhân cách, phương pháp và là tấm gương đối với người học. Vai trò của người thầy cực kỳ quan trọng nhưng người học làm được cái gì, phát triển đến đâu và khẳng định mình như thế nào thì thuộc về chính bản thân người học.
Ngay từ xưa loài người đã đánh giá rất cao vai trò của người thầy. Theo thầy, trong con mắt của xã hội, hình ảnh của người thầy hiện nay ra sao?
Đúng là dư luận có nhiều bức xúc về hệ thống giáo dục và nhà giáo. Hình ảnh của người thầy trong thời gian vừa qua ít nhiều có bị ảnh hưởng bởi “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng tôi tin rằng cuộc sống của các nhà giáo và những gì nhà giáo đã cống hiến vẫn được xã hội ghi nhận và đánh giá đúng mức; hình ảnh người thầy vẫn là một trong những hình ảnh đẹp nhất của xã hội.
Tiêu chuẩn gì là quan trọng nhất mà nhà giáo phải có để giữ và làm đẹp thêm hình ảnh đó, thưa thầy?
 “Nhân vô thập toàn”; không có ai lại không phạm sai lầm, khuyết điểm song điều để xã hội tôn trọng, dễ cảm thông và chia sẻ là ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua.
Xin cảm ơn thầy. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam kính chúc thầy những điều tốt đẹp nhất.
Thành Ngọc (thực hiện)