Thứ bảy, 15/4/2017, 22h19

Nhà giáo ưu tú - võ sư Thu Vân: Mang hơi ấm từ ngọn lửa nhỏ!

Tin nhà giáo ưu tú, võ sư Nguyễn Thu Vân từ trần làm nhiều người yêu quý bà không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Ngọn lửa thắp lên trái tim yêu nghề, yêu đời, yêu người cho biết bao thế hệ đã tắt giữa một ngày tháng tư.

Nhà giáo ưu tú - võ sư Thu Vân đang dạy võ cho các em khuyết tật. Ảnh: T.L

Tận tâm với nghề

Trước khi qua đời, võ sư Thu Vân đã chiến đấu với bệnh tật một thời gian dài. Dẫu vậy, nghị lực phi thường trong người phụ nữ bé nhỏ ấy chưa lúc nào làm bà bi quan, chán nản. Bà lại càng gắng sức nhiều hơn và lấy việc dạy võ cho trẻ khuyết tật làm động lực tiếp tục sống.

Sinh năm 1945, võ sư Thu Vân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền ở Việt Nam. Theo nam cascadeur Quốc Thịnh, bà Thu Vân là một trong những người đi tiên phong của giới cascadeur Việt Nam. Năm 1992, bà tham gia sáng lập câu lạc bộ cascadeur đầu tiên. Nữ võ sư từng góp mặt trong các phim “Tây Sơn hiệp khách”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Hồng hải tặc”, “Bước qua quá khứ”...

Là một võ sư nổi tiếng đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển võ thuật cổ truyền và nghệ thuật sân khấu, điện ảnh Việt Nam, những ai từng được võ sư Thu Vân giảng dạy, từng có cơ hội được làm việc chung với bà dường như lúc nào cũng thấy bà đầy “lửa” với nghề. Năm 1989, võ sư Thu Vân được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu cao nhất của ngành võ và trở thành Trưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền của TP.HCM. Năm 1997, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đây là thành quả cho những nỗ lực, cố gắng bền bỉ suốt những năm dài của võ sư Thu Vân. Từng là đồng nghiệp với võ sư Thu Vân tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, đạo diễn Lê Văn Tỉnh có nhiều kỷ niệm gắn bó với võ sư Thu Vân. Trong mắt ông và đồng nghiệp, nữ võ sĩ Thu Vân là một cô giáo tận tâm với nghề, luôn giúp đỡ học trò từ những bước đi đầu tiên. “Võ sư Thu Vân chẳng khi nào phiền hà việc giúp đỡ người khác. Tôi nhớ có lần mình bị đau, bà đến thăm tôi, gửi thuốc để tôi uống mau phục hồi sức khỏe. Nhiệt tình với những người xung quanh, đam mê với nghề nghiệp, luôn có mặt trên mọi nẻo đường vì tình yêu với công việc nên dễ hiểu vì sao, võ sư Thu Vân luôn được nhiều người yêu quý”, đạo diễn Lê Văn Tỉnh cho biết.

Năm 2005, bà về làm Giám đốc Trung tâm Đào tạo Võ thuật - Sân khấu - Điện ảnh - Cascadeur tại Trường ĐH Hồng Bàng. Mong muốn truyền lại những kiến thức về võ thuật và vũ đạo của mình, võ sư Thu Vân đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị như: “Võ thuật ứng dụng trên sân khấu - điện ảnh”, “Võ thuật cơ bản môn phái Nguyễn Phương Danh - Thu Vân quốc tế võ đạo” và “Sự tuyệt diệu của võ cổ truyền cho phái nữ”... Bà cũng là người đã sáng tạo ra bộ môn võ nghệ thuật để đưa vào sân khấu cải lương và điện ảnh.

Đam mê được cống hiến

Võ sư Thu Vân đã ba lần sang Pháp, truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam cho tám võ đường ở Paris. Khi mang trong người căn bệnh ung thư nhưng bà vẫn nhận lời mời mang nét đẹp võ dân tộc truyền bá đến xứ người.

Năm 2002 khi về nghỉ hưu, bà đã tham gia đào tạo hơn 30 khóa diễn viên kịch, cải lương, điện ảnh cho các trường nghệ thuật trong Nam, ngoài Bắc. Tang lễ của Nhà giáo ưu tú - nghệ sĩ - võ sư Thu Vân được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (số 1 Lý Thường Kiệt, P.7, quận Tân Bình, TP.HCM). Lễ nhập quan lúc 17 giờ ngày 14-4, lễ động quan 11 giờ ngày 18-4, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Được võ sư Thu Vân trực tiếp giảng dạy nhiều năm liền, nhà báo, cascadeur Lữ Đắc Long luôn xem võ sư Thu Vân như thần tượng của mình. Anh luôn quan sát, lắng nghe, góp nhặt những bài học về nghề, về kinh nghiệm sống của người cô mà anh quý mến, trân trọng truyền dạy lại. “Võ sư Thu Vân là người có ảnh hưởng nhiều đến tôi trên con đường sự nghiệp. Dường như lúc nào tôi cũng thấy cô trong tâm thế làm việc hăng say, hết mình, tận tâm truyền cho các môn sinh những thế võ lợi hại, bí kíp độc đáo mà cô may mắn được tiền bối truyền dạy. Có những chương trình, đáng lý cô ngồi ở hàng ghế dành cho lãnh đạo nhưng cô luôn lăng xả, hỗ trợ mọi người hết mình”, nhà báo, cascadeur Lữ Đắc Long chia sẻ.

Biết bao thế hệ học trò đã được võ sư Thu Vân giảng dạy, truyền nghề. Cuộc đời võ sư Thu Vân đã dành trọn vẹn cho võ thuật. Bà cứ lặng lẽ tận tụy với nghề, không bận tâm đến sự nổi tiếng. “Khi tham gia đoàn làm phim Tây Sơn Hào Kiệt, võ sư Thu Vân để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người bởi sự nhiệt tình, cần mẫn dẫu khi ấy, bà đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Tôi còn nhớ có những ngày quay phim “Tây Sơn Hào Kiệt” đến tận 1 giờ sáng nhưng võ sư Thu Vân vẫn không tỏ vẻ mệt mỏi. Cô luôn cố gắng để làm tốt mọi việc, không phiền hà đến ai”, nghệ sĩ Lý Hùng kể lại.

Dường như đối với bà không bao giờ có cụm từ “nghỉ ngơi”. Chính vì vậy, cho dù là thời còn tuổi trẻ, hay khi trên đầu đã hai thứ tóc và cả khi phải chiến đấu với bệnh tật, võ sư Thu Vân vẫn luôn được những bạn đồng hành đủ mọi lứa tuổi yêu quý, nể trọng. Ngọn lửa huyền thoại của võ thuật Việt Nam đã vụt tắt ở tuổi 73 trong niềm tiếc thương của nhiều người.

Yên Hà