Thứ ba, 7/3/2017, 20h30

Nhà ở giá rẻ cho thầy, cô giáo - Tại sao không?

Sáng nay, cà phê 246 được một phen “nổ” về chuyện nhà ở giá rẻ, đặc biệt là nhà ở cho thầy, cô giáo.

Số là gần đây báo chí đề cập khá nhiều về chủ trương của Bình Dương xây nhà ở giá rẻ - 100 triệu đồng - cho người lao động. Lãnh đạo TP.HCM đã lập một đoàn tham quan, nghiên cứu chủ trương này của Bình Dương.

Tại sao Bình Dương xây được nhà 100 triệu đồng/căn cho người thu nhập thấp? Do quỹ đất dồi dào, do hạ tầng đô thị có sẵn, do thiết kế cấu trúc căn hộ không cần phải cao cấp, diện tích nhỏ, phí gián tiếp thấp hoặc không có…

Mới đây, sau khi tham quan ở Bình Dương, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã phát biểu chỉ đạo các sở ngành của TP có trách nhiệm xây dựng đề án trăm ngàn căn hộ giá rẻ, khoảng 300-500 triệu đồng/căn. Mọi người, đặc biệt là đội ngũ giáo viên thật phấn chấn vì chủ trương đó.

Anh em cà phê 246, người cho rằng ảo tưởng, người cho rằng thực tế làm được! Người viết bài này, cũng cho rằng làm được, chỉ cần quyết tâm và xây dựng phương án tốt; chọn được địa phương có quỹ đất rẻ; thiết kế hợp lý nhằm giảm chi phí xây dựng; diện tích căn hộ nhỏ - vừa; dịch vụ tiện ích không cần cao sang; triệt tiêu “phết, phẩy” trong dự án; Nhà nước lo cho phần lãi suất ngân hàng, trả góp dài hơi…

Khoảng 10 năm trước đây, được một công ty địa ốc hỗ trợ, Báo Giáo dục TP.HCM đã tổ chức khảo sát nhà ở giáo viên, nghiên cứu mô hình nhà ở xã hội ở Bangkok (Thái Lan), đã tổ chức hội thảo về “Nhà ở giá rẻ cho giáo viên: Thực trạng và giải pháp”.

Tiếc thay, Luật Xây dựng năm đó không cho phép căn hộ dưới 40m2, tiện ích khu dân cư lại cao cấp, chưa có chủ trương khuyến khích xây nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, từ Trung ương đến thành phố nên dự định của Báo Giáo dục bị “chết” ngay từ trong trứng nước.

Nay Luật Xây dựng điều chỉnh cho phép diện tích nhỏ hơn 40m2, được Nhà nước và thành phố tích cực hỗ trợ chính sách. Chắc chắn nhà giá thấp 300-700 triệu đồng/căn hoàn toàn có cơ sở thực hiện.

Nhớ, Báo Giáo dục đã từng có loạt bài thực trạng chỗ ở của thầy cô, cho thấy: chật chội, tạm bợ, nhếch nhác… Hình ảnh nơi ở của thầy, cô giáo có tác động đến tư duy, tình cảm của học sinh. Nơi ở của thầy, cô lại thường có học sinh, phụ huynh tới lui. Thật bất tiện nếu không có nơi tiếp chuyện cho đàng hoàng!

Nên nhớ rằng, ngoài nhân cách, lối sống, nơi ở, hình ảnh sinh hoạt của thầy cô giáo còn là “công cụ” giáo dục các em. Em nào có nhận thức sâu sắc, gia cảnh nghèo khó thì cảm thông cho thầy cô giáo. Em nào có nhà cao cửa rộng, thấy nhà thầy cô không ra gì, các em khó “nuốt trôi” lời “vàng ngọc” của thầy cô trên lớp! Đó là thực tế.

Nhà giá rẻ cho người lao động, ai có thu nhập thấp cũng cần. Nhưng với thầy cô giáo lại rất cần! Mong thay!

Nghiêm Ý