Thứ bảy, 18/3/2017, 01h44

Nhà thơ của hai thế kỷ

Đi qua hai cuộc kháng chiến không chỉ bằng những tác phẩm sân khấu, thơ ca, ông còn là người gieo mầm văn học nghệ thuật (VHNT) cho những vùng đất lửa đạn. Ngòi bút sáng tạo của ông đã đi qua 2 thế kỷ. Ông là soạn giả Nguyễn Thế Kỷ - hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, nguyên Phó Tổng thư ký Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi. 

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ tại nhà riêng

Tôi thật bất ngờ khi biết hiện ông đang sống trong một căn nhà có khu vườn rộng cuối đường 20, P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Dù đã qua tuổi 82, dáng đi hơi chậm nhưng tai nghe vẫn rõ, minh mẫn của trí não chưa hề hao mòn.

Vào đời bằng lao động nghệ thuật

Thế hệ thanh niên trước năm 1975 không thể nào quên được vở ca kịch “Đốm lửa núi Hồng” viết về phong trào Công hội đỏ năm 1930 trên quê hương Xô Viết. Coi nhiều lần khán giả nhớ luôn tác giả và thuộc nhiều đoạn thơ trong vở ca kịch có tiếng vang hồi ấy. Không ít người vẫn nhớ đến Nguyễn Thế Kỷ dù tác phẩm nghệ thuật đã lùi dần theo năm tháng.

Tham gia kháng chiến chống Pháp từ tuổi mới lớn, cậu bé làng Trung Nghĩa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi được đơn vị tình báo địa phương cho làm liên lạc để lấy tin tức và chuyển thư mật. Thế nhưng, chất văn chương cứ mỗi ngày thấm vào máu thịt đã thúc giục chàng trai mê văn nghệ cầm bút viết kịch phục vụ quần chúng. Từ câu chuyện có thật của đồng bào vùng kìm kẹp giữ lòng trung thành với cách mạng không chịu xé cờ Tổ quốc, ông đã sinh ra “đứa con tinh thần” đầu tiên là vở kịch ngắn “Lá cờ Đảng”. Đi về mọi miền quê biểu diễn, vở kịch như lời thề nung nấu của người dân quyết đấu tranh đến cùng để mong ngày thắng lợi. Nhắc lại vở kịch đầu tay, hơn 60 năm mà niềm tự hào và vui sướng vẫn còn long lanh trong đôi mắt ông: “Tôi không ngờ vở kịch lại có tác dụng động viên tuyên truyền như vậy. Diễn ở đâu bà con cũng khen hay”. Vở kịch chính là tấm “chứng chỉ tay nghề” để ông bước vào lĩnh vực văn nghệ tại Đoàn văn công Quân đội Liên khu 5 sau ngày hòa bình lập lại. Ông kể tiếp, những ngày đầu ra Bắc tập kết ở huyện Tĩnh Gia trước khi gia nhập vào Đoàn cải lương Nam bộ trong thời gian đi cải cách ruộng đất ở núi Voi ông lại viết bài ca “Hò con nghé”. Những sáng tác tiếp theo đã giúp chàng trai xứ Quảng trở thành sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Văn Hà Nội. Theo ông về sống với đất Hà Tĩnh trong những năm đánh Mỹ cũng là một duyên nợ mà ông không ngờ tới: “Tôi nghĩ ra trường sẽ về lại Đoàn cải lương Nam bộ để công tác nhưng sau đó lại được nhà trường giới thiệu với tỉnh Hà Tĩnh cho trở lại khu 4”.

“Đốm lửa” khu vườn VHNT Hà Tĩnh

Các tập thơ của tác giả Nguyễn Thế Kỷ như “Con đường - Con người”, “Đàn của gió”, “Sóng trào biển Đông”, “Về tổ” với chủ đề văn hóa giao thông, Đường điện 500 KV, biển đảo không chỉ được Hội Văn nghệ TW đưa ra hội thảo mà còn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen. Đó là những món quà ông đã để lại cho cuộc đời với mọi chia sẻ thật lòng mình.

Ông tâm tình: “Có lẽ tôi là người vinh dự hơn bạn bè vì được Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh hồi đó đích thân tới trường đưa về. 10 năm sống ở đây đã để lại cho tôi quá nhiều ân nghĩa mà suốt đời tôi chẳng bao giờ quên”. Có lẽ đó cũng là động lực để ông viết vở kịch “Đốm lửa núi Hồng”. Không thể nói hết sức lan tỏa của vở diễn đối với công chúng vì vở kịch đã làm sống lại một thời nhen nhúm lửa đấu tranh cách mạng để giành lấy chính quyền dưới búa liềm công nông. Những nhân vật như địa chủ Bát Xu, Nuôi Khuyên, O Hạnh, Cu Lươn... là nguyên mẫu ngoài đời bước lên sân khấu với từng số phận riêng đầy nước mắt và căm thù. Yêu vở diễn, khán giả yêu luôn “cha đẻ” của tác phẩm. “Không thể kể hết những kỷ niệm mà bà con dành cho ông trong những ngày tháng đó. Đi mua vé xe, lên tàu lúc nào cũng được ưu tiên. Cùng với nhạc sĩ Hoàng Vân, ông còn là người được Trung ương tặng cho chiếc đài bán dẫn để nghe tin tức”. Đó cũng là thời gian ông cùng với anh em vận động thành lập Hội VHNT Hà Tĩnh trở thành người đặt viên gạch đầu tiên khi sáng lập hội. Là thư ký thường trực của Tạp chí Sông La, ông là người khơi nguồn dòng chảy sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong những ngày đầu ấn hành. Hơn 10 kịch bản sân khấu và điện ảnh, ông còn viết văn xuôi và làm thơ nhất là khi về công tác tại Hội VHNT tỉnh Nghĩa Bình sau này là Quảng Ngãi, chủ biên Tạp chí Văn hiến Phương Nam. Các tập thơ “Con đường - Con người”, “Đàn của gió”, “Sóng trào biển Đông”, “Về tổ” với chủ đề văn hóa giao thông, Đường điện 500 KV, biển đảo không chỉ được Hội Văn nghệ TW đưa ra hội thảo mà còn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen. Đó là những món quà ông đã để lại cho cuộc đời với mọi chia sẻ thật lòng mình.

Bài, ảnh: Quang Phan