Thứ ba, 6/10/2015, 15h41

Nhà văn Vũ Hạnh - đời văn, chiến sĩ

Sáng 5-10, tọa đàm khoa học “Tuyển tập Vũ Hạnh - đời văn, chiến sĩ” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật kết hợp với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức đã giúp những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ có dịp nhìn lại và ghi nhận đầy đủ hơn những đóng góp không mệt mỏi của ông.

Bút chiến tung hoành trên các nhật báo

Nhà văn Vũ Hạnh được biết đến như một nhà văn - chiến  sĩ trên mặt trận văn hóa. Ông tên thật là Nguyễn Đức Dũng, quê ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tuyển tập Vũ Hạnh (2 tập) được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ra mắt đúng vào dịp nhà văn bước vào tuổi 90. Vũ Hạnh là tác giả ẩn sau những bút danh Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, ký dưới các bài báo bút chiến, tiểu luận phê bình; một thời tung hoành trên các nhật báo, với truyện ngắn Bút máu, truyện dài Lửa rừng, tiểu thuyết Cô gái Xà Niêng, công trình lý luận Đọc lại Truyện Kiều..., đặc biệt là tác phẩm Người Việt cao quý với bút danh A. Pazzi... Ông được đánh giá là một trong số ít những ngôi sao sáng nhất của dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam trước năm 1975. Nhà văn Vũ Hạnh từng được giao nhiều trọng trách: Tổng Thư ký Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc từ năm 1966, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất… và hiện nay là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và TP.HCM. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.

Chặng đường hoạt động cách mạng và sáng tác văn học của nhà văn Vũ Hạnh có rất nhiều nét đặc biệt khi ông vừa chiến đấu và sáng tác ở ngay trong lòng địch. Năm lần vào tù ra khám, cùng gia đình vượt qua nhiều hoàn cảnh cơ cực, hiểm nguy “thập tử nhất sinh”, nhà văn Vũ Hạnh luôn giữ vững phẩm chất của một nhà văn, chiến sĩ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh gắn kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cho nhà văn Vũ Hạnh (bên phải)

Tại tọa đàm, nhiều tham luận đã đánh giá về giá trị tư tưởng, văn hóa - văn học, giá trị lịch sử và tác động xã hội của các bài tiểu luận, phê bình về văn hóa, các tác phẩm văn học tiêu biểu của nhà văn Vũ Hạnh. Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - khái quát: “Văn của ông có độ sáng, sức nóng của lửa cách mạng, có sự phóng khoáng, hào sảng, dung dị của vùng đất Nam bộ, có màu sắc của bạt ngàn Tây Nguyên, có chất thơ của cảnh sắc miền Trung...”.

Ấm lòng khi “Làm tròn nghĩa vụ công dân”

Có thể nói ông là một nhà văn đa tài. Ở thể loại nào, ngòi bút của nhà văn Vũ Hạnh cũng sắc sảo, sung sức. Vai trò và ảnh hưởng của nhà văn Vũ Hạnh cùng những tác phẩm của ông trong phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc tại Sài Gòn trước 30-4-1975 cũng được nhiều tham luận nhấn mạnh. PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - khẳng định: “Vũ Hạnh là một nhà văn, nhà nghiên cứu đầy tâm huyết và trách nhiệm với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nền văn hóa - văn nghệ dân tộc Việt Nam, rất đáng kính trọng và tôn vinh”.

Cũng trong tọa đàm, ý nghĩa các tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh dưới góc độ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay cũng được nhiều nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học tập trung phân tích, đánh giá. Bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - cho biết: “Hơn 30 tham luận gửi về Ban tổ chức đều thể hiện những tình cảm yêu quý, trân trọng và ngưỡng mộ văn tài, nhân cách của nhà văn Vũ Hạnh. Mỗi tham luận đều thể hiện tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ của thành phố trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa - văn nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, vì sự phát triển của TP.HCM trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Dịp này, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam đã trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật cho nhà văn Vũ Hạnh. “Tôi thật bất ngờ và cảm động trước buổi tọa đàm hôm nay. Sinh ra trong một thế hệ quá vĩ đại với hàng triệu thanh niên đã hy sinh tính mạng vì đất nước, vì hòa bình mà không đòi hỏi bất cứ điều gì thì tôi nay vẫn được sống khỏe mạnh, được tiếp tục cầm bút. Mình sống sao cho thực tốt, làm tròn nghĩa vụ công dân là đã ấm lòng” - nhà văn Vũ Hạnh không giấu được niềm xúc động trong buổi tọa đàm.

Nhà văn Vũ Hạnh chưa bao giờ xa rời đời sống văn học nghệ thuật. Thời bình, ông lại lặng lẽ làm báo, viết văn, dạy học. “Chúng ta trân trọng những đóng góp của nhà văn Vũ Hạnh đối với văn hóa dân tộc, với sự phát triển của nền văn học nghệ thuật cách mạng bao nhiêu thì chúng ta tự hào bấy nhiêu về một nhà văn - chiến sĩ Vũ Hạnh không bao giờ mệt mỏi trên con đường lý tưởng của mình. Chúng ta càng nhận rõ trách nhiệm của mình hơn đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong giai đoạn hội nhập quốc tế và phát triển đất nước hôm nay” - bà Thân Thị Thư nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Yên Hà