Thứ bảy, 11/11/2017, 23h08

Nhạc chế góp phần làm nên “rác” âm nhạc

Vài năm gần đây, nhạc chế trở thành “món ăn” tinh thần được giới trẻ say mê. Nhiều ca khúc nhạc chế đã góp phần làm nên “rác” âm nhạc với hậu quả khó lường.

Một ca khúc nhạc chế tràn lan trên mạng. Ảnh: T.L

Nhạc chế ngập thị trường

Nhạc chế không phải là hiện tượng mới nổi trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, chưa khi nào nhạc chế lại được phát triển như hiện nay với sự “giúp sức” của mạng xã hội, Youtube. Nhiều sản phẩm âm nhạc chỉ mới trình làng được 1, 2 ngày là đã có ngay một bản nhạc chế. Trên những trang mạng chuyên đăng tải nhạc xuyên tạc nhan nhản những bài nhạc “chế” với vài trăm nghìn, có khi lên tới hàng triệu lượt người nghe.  

“Rồi một hôm Vy bỗng nhìn thấy bóng hình trong mơ, từ đằng xa một thầy sơ mi trắng lạnh lùng bước xuống. Thực tập ngay đúng lớp mình luôn, em có thai thầy ơi…” - đó là những ca từ trong một bài nhạc chế được giới trẻ chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội thời gian qua. Chỉ sau vài ngày được phát tán trên mạng, ca khúc trên nhanh chóng được một bộ phận giới trẻ đón nhận. Đó chỉ là một trong rất nhiều những ca khúc nhạc chế với nhiều ngôn từ thiếu văn hóa trong thị trường nhạc chế Việt Nam hiện nay. Dường như các fan hâm mộ đã trở nên quen dần với các clip chế nhạc theo phong cách hài hước, ngôn từ thiếu văn hóa đó. Điều này cũng tạo dần cho fan Việt một thói quen ngóng chờ những ca khúc nhạc chế ra đời sau khi MV của nghệ sĩ nổi tiếng nào đó vừa xuất hiện trên thị trường. Có những sản phẩm âm nhạc gốc nhưng lại có đến vài phiên bản chế và phiên bản nào cũng có một lượng khán giả đông đảo.

Có thể nói, với trào lưu nhạc chế đang “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc đã tạo cơ hội cho nhiều người trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội bởi cứ “chế nhạc” thật thu hút giới trẻ là nổi tiếng không thua các nhân vật trong giới showbiz. Dù có thể những tác giả của các ca khúc nhạc chế không xinh đẹp lộng lẫy như ngôi sao của làng giải trí, không có những scandal nhưng họ có lượng người theo dõi trang cá nhân rất đông. 

Vui nhưng đâu là điểm dừng?

Những cái tên như Tài Smile, Trang Hý, Vũ Duy Minh và Phạm Hải Ninh... quá nổi tiếng trên mạng xã hội bởi những ca khúc nhạc chế của mình. Tài Smile trong MV bolero “Phía sau một cô gái” với 10 năm đàn thuê ít được ai biết mà chỉ cần một bản nhạc chế đã có triệu người xem. Chỉ sau một thời gian ngắn  lên mạng xã hội, MV đầu tay của Tài Smile đã thu hút hơn 76 ngàn lượt xem. Tài Smile cùng một số bạn trẻ với những bản cover độc, lạ khiến người xem có những trận cười nghiêng ngả nên đôi khi, những bản nhạc chế của họ có lượng view còn cao hơn cả MV gốc. Không thể phủ nhận nhiều ca khúc nhạc chế được giới trẻ hướng đến nội dung mang tính xã hội cao, lên án những vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, để chế nhạc tinh tế, hài hước không hẳn là bạn trẻ nào cũng làm được. Những giai điệu quen thuộc nhưng lời ca được các bạn trẻ “sáng tạo” đầy tính dung tục, bạo hành khiến những người lần đầu tiên nghe không khỏi “choáng”. “Anh bay song phi lên anh đạp vào mặt em, em đập vào lan can” - những ca từ chứa nội dung đầy tính bạo lực trong một ca khúc nhạc chế được nhiều bạn trẻ nghêu ngao hát.

Chế nhạc là một hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm quyền tác giả. Dẫu rất nhiều bạn trẻ biết điều này nhưng vẫn vô tư chế lại nhạc gốc một cách vô tư. Chính vì lẽ đó đã dẫn đến việc nhạc chế đang ngày càng phát tán rộng hơn. Điều này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng luật pháp mà nó còn có những tác động nguy hại đối với nhận thức và việc cảm thụ âm nhạc của người nghe, đặc biệt là giới trẻ. Vui nhưng biết đâu là điểm dừng để nhạc chế không trở thành sản phẩm “rác”. Sự trong lành cho âm nhạc Việt rất cần sự quản lý chặt chẽ hơn nữa từ các đơn vị chức năng.

Còn nhớ cách đây không lâu, phần biểu diễn của Yanbi và Mr.T với ca khúc “Thu cuối” cũng đã từng bị dư luận lên án gay gắt bởi những ngôn từ tục tĩu và đã bị Sở VH- TT&DL địa phương phạt 10 triệu đồng. Không chỉ ca sĩ, 7 trang mạng trực tuyến đã bị cơ quan quản lý văn hóa nhắc nhở và xử phạt với mức 8 triệu đồng/mỗi trang mạng. Tuy nhiên, mức xử phạt này dường như vẫn chưa đủ mức răn đe khi ngày càng có nhiều bản nhạc chế với những ca từ thô tục, kém văn hóa phát triển trên các trang mạng xã hội. Không chỉ phát triển trên các trang mạng xã hội, nhạc chế còn xuất hiện trên sóng truyền hình, trong các chương trình quảng cáo...

Chế nhạc là một hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm quyền tác giả. Dẫu rất nhiều bạn trẻ biết điều này nhưng vẫn vô tư chế lại nhạc gốc một cách vô tư. Chính vì lẽ đó đã dẫn đến việc nhạc chế đang ngày càng phát tán rộng hơn. Điều này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng luật pháp mà nó còn có những tác động nguy hại đối với nhận thức và việc cảm thụ âm nhạc của người nghe, đặc biệt là giới trẻ. Vui nhưng biết đâu là điểm dừng để nhạc chế không trở thành sản phẩm “rác”. Sự trong lành cho âm nhạc Việt rất cần sự quản lý chặt chẽ hơn nữa từ các đơn vị chức năng.

Yên Hà