Thứ bảy, 17/6/2017, 21h25

Nhạc cho thiếu nhi ngày càng thiếu

Mùa hè cũng là dịp các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng thiếu nhi khá “xôm tụ”. Câu hỏi vẫn luôn đau đáu của những người tâm huyết với đề tài âm nhạc thiếu nhi là thị trường âm nhạc dành cho thiếu nhi ở Việt Nam đã được quan tâm đúng mức hay chưa?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và các học trò trong buổi ra mắt sách nhạc “100 bài hát dành cho thiếu nhi”. Ảnh: K.N

Trẻ con lại... hát nhạc người lớn

Như một điệp khúc, việc trẻ con hát những ca khúc người lớn trong các gameshow, chương trình truyền hình thực tế cứ “đến hẹn lại lên” không khỏi làm người lớn suy nghĩ. Những gameshow quay hình, tuyển sinh vào dịp hè luôn đông đúc phụ huynh đưa con đến tham gia. Dư luận lại tiếp tục ngao ngán trước những màn thể hiện già hơn tuổi của các thí sinh nhí, cũng như lắc đầu bất lực khi chứng kiến các em nhỏ thể hiện những bài nhạc không đúng lứa tuổi của mình.

Trong tập 5 của chương trình “Sinh ra để tỏa sáng” được phát sóng gần đây, một thí sinh nhí hát ca khúc “Duyên phận” làm khán giả không khỏi ngạc nhiên bởi chất giọng bolero mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe. Thế nhưng, những ca từ “Phận là con gái, chưa một lần yêu ai/ Nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài...” liệu có phù hợp với một đứa trẻ còn trong độ tuổi cắp sách đến trường. Điều này cũng cho thấy những bài hát cho thiếu nhi vẫn là một khoảng trống lớn của âm nhạc Việt.

Hiện nay, giống như các gameshow dành cho người lớn, “sân chơi” dành cho trẻ em cũng tập trung vào lĩnh vực ca hát, nhảy múa, nấu ăn, thậm chí làm huấn luyện viên cho người lớn... Tuy nhiên, nhìn chung, các chương trình ca hát vẫn chiếm số lượng áp đảo.

Trong “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, “Sinh ra để tỏa sáng”... không khó để tìm thấy những gương mặt nhí có chất giọng tốt nhưng rất nhiều thí sinh đã phải hát những ca khúc không phù hợp với độ tuổi của mình, đi kèm đó là những lời nhận xét của ban giám khảo như: “Con sinh ra để hát dòng nhạc này...”. Các cuộc thi tài năng nhí trong địa hạt âm nhạc, sự phổ cập âm nhạc đến tận thôn cùng ngõ hẻm. Đặc biệt, khi dòng nhạc bolero trở lại và đi sâu vào đời sống âm nhạc Việt như hiện nay, việc các thí sinh nhí hát ca khúc bolero trong các cuộc thi đã không còn quá xa lạ.

Đừng để bị lãng quên

Mùa hè này lại thêm một mùa chương trình Thần tượng âm nhạc nhí Việt Nam - Vietnam Idol Kids. Đây là phiên bản dành cho khán giả nhí Việt Nam của chương trình giải trí truyền hình nổi tiếng thế giới Idol Kids thuộc bản quyền của Fremantle Media. Dựa trên format của phiên bản gốc Idol, Vietnam Idol Kids tạo ra môi trường âm nhạc thân thiện, chuyên nghiệp và là sân chơi dành cho các bạn nhỏ có niềm yêu thích và đam mê ca hát.

“Để có thể góp phần lấp đầy khoảng trống âm nhạc dành cho thiếu nhi cần nhiều hơn nữa sự chung tay từ nhiều phía. Khi âm nhạc thiếu nhi được trả về những giá trị nguyên khiết của nó sẽ có tác động tích cực đến đời sống, tình cảm, sự hình thành nhân cách của các em” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết!

Nhìn vào số lượng hàng ngàn em đăng ký dự thi sơ tuyển cũng như hàng vạn em nhỏ ngồi trước màn hình chăm chú theo dõi cuộc thi mới thấy nhu cầu được hát và được nghe hát của các em lớn biết chừng nào. Nhưng, dường như ngược lại với nhu cầu chính đáng và quan trọng ấy, những bài hát mà các thí sinh sử dụng trong các cuộc thi đó chủ yếu là bài người lớn, gần như hoàn toàn vắng bóng các bài hát dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Tình trạng vắng bóng các album ca nhạc mới dành cho các em đã xuất hiện nhiều năm trở lại đây và vẫn chưa có dấu hiệu được phục hồi, cũng như thu hút sự quan tâm trở lại của những người trong nghề. Trong khi đó, thị trường giải trí với hàng loạt gameshow âm nhạc dành cho thiếu nhi lại quan tâm tới lợi nhuận nên việc thu hút khán giả bằng cách để thí sinh nhí hát ca khúc người lớn là mục tiêu nhà sản xuất hướng đến. Điều này càng làm thị trường âm nhạc thiếu nhi rơi vào ảm đạm, mãi loay hoay.

Một điều cũng không thể phủ nhận là bản thân chính các bậc phụ huynh, khán giả cũng đã dễ dãi chấp nhận sản phẩm âm nhạc thị trường ấy với suy nghĩ là “xem cho vui”. Bên cạnh đó, có thể thấy, tình trạng khan hiếm ca khúc cho thiếu nhi đã được cảnh báo nhưng các cuộc phát động sáng tác bài hát cho lứa tuổi này lại chưa được tổ chức đều đặn, rộng khắp. Các nhạc sĩ trẻ lại không mấy mặn mà với đề tài này vì thù lao quá thấp. Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã giới thiệu sách nhạc cho thiếu nhi gồm 100 bài thiếu nhi, kèm đĩa CD. Các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung như: “Ba ơi về nhà”, “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”, “Hoa hồng hoa trắng”, “Lá đa thần kỳ”... đã thổi một luồng gió mới vào đời sống âm nhạc thiếu nhi đang khan hiếm hiện nay.

Yên Hà