Thứ ba, 27/9/2016, 22h25

Nhạc sĩ của các tác phẩm khí nhạc

Lớn lên ở Hà Nội, được đào tạo chính quy về âm nhạc, sau 10 năm học tại Trường Âm nhạc Việt Nam khóa trung cấp đặc biệt chuyên ngành violon, ông đã trở thành nhạc công trẻ xuất sắc, công tác tại Đài Phát thanh Giải Phóng. Theo tiếng gọi của miền Nam ông cùng anh em văn nghệ sĩ phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam. Đây là thời gian đẹp nhất vì ông đã cống hiến hết tuổi thanh xuân của cuộc đời để góp phần đem lại độc lập tự do cho đất nước. Ông là nhạc sĩ (NS) Trần Hữu Bích - nguyên là Phó Trưởng ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM.

NS Trần Hữu Bích tại Liên hoan Búp sen hồng 2016

Dù đã gần 70 tuổi nhưng ký ức về tuổi thanh xuân gian khó và hào hùng vẫn còn tươi mới trong “cuốn hồi ký” cuộc đời của NS Trần Hữu Bích.

Tài năng được đánh thức

Năm 1954, Trần Hữu Bích đang chập chững bước những bước đầu tiên vào con đường nghệ thuật. Anh trai ông - bác sĩ Trần Hữu Ngoạn chính là người thầy đầu tiên dẫn dắt ông đến với bộ môn âm nhạc. Hai năm sau, ông là học sinh khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam vừa mới thành lập. Ngôi trường là cái nôi đầu tiên để nuôi dưỡng tài năng âm nhạc “khổ luyện thành tài” của một đứa trẻ trong suốt 10 năm liền. Theo ông, đây là lớp trung cấp đặc biệt nên chương trình rất khắt khe, về cả chuyên môn và văn hóa toàn diện. Tốt nghiệp xuất sắc, năm 1966, ông là hạt nhân quý báu của nghệ thuật âm nhạc miền Bắc nên được ưu ái về công tác tại Đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Giải Phóng. NS Trần Hữu Bích hoài niệm: “Ngoài chơi đàn violon, tôi còn hòa âm và phối khí các bài hát cho dàn nhạc để thu thanh phát trên sóng Đài Giải phóng”. Cho đến bây giờ, nhiều cựu chiến binh và cựu tù thời đánh Mỹ vẫn không quên các chương trình ca nhạc của Đài Giải Phóng, coi đó là điểm tựa vững vàng nhất của niềm tin tất thắng, dù đứng trước mũi súng quân thù. Không chỉ đóng góp lời ca, tiếng nhạc, ông cùng đồng nghiệp sau đó đã tình nguyện vượt Trường Sơn vào chiến trường B phục vụ bộ đội, chiến sĩ ngay tại chiến trường. Vì thế năm 1974 ông đã chính thức có tên trong danh sách các nghệ sĩ đi B.

Vừa diễn vừa học để thành danh

Thế nhưng, niềm vinh dự lớn nhất là ông đã được vào Sài Gòn tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn. Dù đã hơn 40 năm qua, NS Trần Hữu Bích vẫn không quên một thời hoa lửa với những cảm xúc dâng trào. Nhớ lại những ngày đầu mới giải phóng, tiếp xúc với điều kiện làm việc mới, ông nói: “Trước đây, cơ sở vật chất Đài Giải Phóng còn nghèo, nhưng khi tiếp quản mới thấy cơ sở vật chất của Sài Gòn hiện đại và tốt hơn nhiều, nhất là phòng thu. May mắn tất cả không bị hư hao nên chúng ta vẫn sử dụng được. Các nhạc công ở Sài Gòn thời mới giải phóng đã kết hợp với chúng tôi để thu thanh những bài hát cách mạng, dù khả năng đọc bản nhạc chưa tốt, nhưng lại chơi đàn theo năng khiếu nên rất hay. Bất ngờ hơn là họ có phong trào nhạc nhẹ tiến bộ nên chúng tôi phải học các NS Sài Gòn về phong cách nhạc nhẹ”.

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích (phải) và nhà văn Vũ Ngọc Tiến

Năm 1977, sau khi chuyển từ Đài Tiếng nói Việt Nam 2 sang Đài Truyền hình TP.HCM, ngoài chơi đàn violon, ông chuyên hòa âm phối khí và chỉ huy, dàn dựng các tiết mục ca nhạc của rất nhiều chương trình truyền hình và thu âm băng, đĩa. Ông là tác giả của rất nhiều phim ca nhạc đạt huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc như: Khát khao và nỗi nhớ, Sài Gòn trong mắt em, Ngọn lửa Điện Biên, Đất Mẹ, Cuộc chia ly màu đỏ… Từ năm 1979 đến năm 1984, ông học đại học sáng tác dưới sự hướng dẫn của phó giáo sư Ca Lê Thuần, để rồi sau đó trở thành NS chuyên viết nhạc phim, nhạc kịch và cả cải lương. Nhiều bài hát của ông được các ca sĩ nổi tiếng thể hiện như: Hát cho tình yêu - Hát cho cuộc đời, Cỏ non xanh, Màu hoa tím, Mưa chiều, Đã yêu, Thầm lặng một vầng trăng, Mẹ Việt Nam... Khi được hỏi về cảm hứng sáng tác tác phẩm âm nhạc để đời Nụ hồng viết năm 1984, NS chia sẻ: “Đây là giai đoạn phục hồi những ca khúc nhịp điệu Rumba - Bolero. Lúc này các bài hát cũ chưa được phép hát lại, mà bài hát mới chưa đủ phục vụ công chúng nên tôi rất trăn trở. Khi viết bài hát Nụ hồng, về nội dung cảm hứng chủ đạo bắt nguồn từ những kỷ niệm của tuổi thanh xuân nên viết rất nhanh, chỉ trong một buổi do cảm xúc tuôn trào mãnh liệt. Tác phẩm được viết theo khúc thức A-B đơn giản, 16 khung nhịp, 2 lời, chất giai điệu dân ca Nam bộ. Lời dễ hiểu nhưng giàu chất thơ, nên khi bài hát mới ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt. NS Trần Hữu Bích còn được yêu mến qua nhiều sáng tác thiếu nhi như: Mùa hè ước mơ, Chuồn chuồn ớt, Gọi mùa thu lên, Hạ ơi, Mùa hè tuổi thơ, Con yêu... Ông tự cho mình là NS không chuyên về thiếu nhi nhưng sáng tác bằng tình yêu con trẻ. Nhưng giải thưởng lớn nhất dành cho ông vẫn là những tác phẩm khí nhạc mà tiêu biểu là: Sonate Biển, “Concerto cho Violon & dàn nhạc”, Romance Suy tưởng, Giọt mưa phương Nam, Đêm trên đảo (tứ tấu đàn dây), Giấc mơ tuổi thơ (violon và piano). Gần đây nhất là tác phẩm Bức tranh quê hương viết cho Flute- Clarinet - piano và Nhạc khúc mùa xuân viết cho Oboi - piano và đàn dây.

Bài, ảnh: Hương Thủy