Thứ ba, 14/4/2015, 23h04

Nhạc sĩ và ca khúc đi cùng năm tháng: Bài 3: Sức sống của Em đi qua cầu cây

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc trong một chuyến đi thực tế (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhạc sĩ Lê Văn Lộc gắn bó với đời sống âm nhạc từ khi mới tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Ca khúc Em đi qua cầu cây của ông được nhiều người biết đến bởi ca khúc này một thời đã “truyền lửa” cho những chàng trai, cô gái không ngại gian khổ, gìn giữ vùng biên giới Tây Nam.
Khát vọng tuổi trẻ
Trưởng thành từ lực lượng TNXP cùng các nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Đức Trung, Lã Văn Cường…, nhạc sĩ Lê Văn Lộc đã dùng âm nhạc để chia sẻ những cảm xúc cùng thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Năm 1977, nhạc sĩ Lê Văn Lộc bước chân vào đội TNXP. Với vai trò là Trợ lý phong trào và là Đội trưởng Đội văn công Tổng đội 3 biên giới, ông đã hăng say hoạt động. Những ca khúc của nhạc sĩ Lê Văn Lộc sáng tác trong giai đoạn này được nhiều người yêu thích như: Chờ anh tải đạn về, Em đi qua cầu cây, Thương em cô gái mở đường, Những vết chai cho Tổ quốc… Trong đó, Em đi qua cầu cây có thể nói là một trong những ca khúc ghi dấu tên tuổi nhạc sĩ Lê Văn Lộc vào nền âm nhạc Việt Nam.
Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài hát Em đi qua cầu cây, nhạc sĩ Lê Văn Lộc hào hứng kể lại: “Tôi còn nhớ rất rõ những ngày đơn vị đóng quân phục vụ chiến đấu ở vùng chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), khoảng thời gian lưu giữ bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ của tôi cùng đồng đội. Một hôm, trên đường đi tải đạn, chúng tôi phải qua con suối chảy rất xiết. Ngày thường thì có đò đưa qua nhưng hôm ấy, trời đã xế chiều, không còn bóng dáng chiếc đò nào. Do đó, toàn đơn vị quyết định phải vượt qua con suối trước khi trời tối. Cầu cao cách mặt nước 5-6 thước, là những ván gỗ dạng bậc thang không tay vịn, đoạn giữa cầu được nối bằng hai miếng gỗ đong đưa, lắc lư, rất nguy hiểm. Qua được đoạn ấy, ai cũng rợn người, tay chân bủn rủn. Vậy mà khi đã qua đến bên kia cầu, tôi ngoảnh đầu nhìn lại thì thấy các cô gái TNXP tuổi chỉ vừa 18 đôi mươi vẫn tươi cười ríu rít, đôi chân thoăn thoắt vượt qua. Tiếng cười nói rộn rã. Khi đó, trong đầu tôi đã nảy ra mấy câu “Cầu tre lắt lẻo chân em vững vàng/ Nào xá hiểm nguy em ra chiến trường/ Hiến dâng cuộc đời em cho Tổ quốc/ Áo xanh bạc màu TNXP”. Lúc ấy không có đàn, tôi chỉ gõ nhịp tay và cho ra đời mấy câu đầu của bài hát. Mấy hôm sau thì tôi hoàn thành bài hát này trong niềm vui hân hoan cùng đồng đội”.
Năm 1979, trong một đợt biểu diễn ca khúc chính trị tại TP.HCM, bài hát Em đi qua cầu cây của nhạc sĩ Lê Văn Lộc đã được giải nhất bởi chính giai điệu trữ tình, đầy tinh thần lạc quan của tuổi trẻ. “Khi đơn vị gửi bài hát đi dự thi, tôi đang ở tận biên giới. Ngày nhận được thư thông báo nhận giải thưởng của bài hát thì đã trễ hạn phát thưởng một tháng. Được sự cho phép của cấp trên, tôi về TP để nhận giải. Không gì có thể diễn tả được niềm vui sướng khi được Ban tổ chức nhắc đến bài hát của mình với nhiều tình cảm trân trọng”, nhạc sĩ Lê Văn Lộc chia sẻ.
Thêm yêu thương, gắn bó với TP
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia trở về, những chàng trai, cô gái trong lực lượng TNXP lại dành trọn những năm tháng thanh xuân tươi đẹp của mình để gắn bó với công cuộc xây dựng ở các nông, lâm trường ở ngoại thành và Nam Tây Nguyên. Màu áo xanh ấy đã in dấu trên nhiều mặt trận. Biết bao chàng trai, cô gái TNXP đã đi vào thơ ca với hình ảnh trẻ trung, sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Họ chính là biểu tượng của tuổi trẻ TP.HCM những năm đầu giải phóng. “Mỗi giai đoạn tôi đều cảm nhận TP có một vẻ đẹp riêng. Ngày tham gia lực lượng TNXP, tôi thấy TP đẹp bởi những con người trẻ, những tấm gương lao động dũng cảm bất chấp hiểm nguy, gian khổ. Thời bình, tôi thấy TP đẹp qua hình ảnh thế hệ trẻ năng động, đầy nhiệt huyết trên nhiều mặt trận Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng... Những hình ảnh đẹp, ý nghĩa đó là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ”, nhạc sĩ Lê Văn Lộc tâm sự.
Ông luôn quan niệm, người nhạc sĩ là phải lăn lộn, dấn thân để có những “đứa con tinh thần” mang hơi thở của cuộc sống. Là một trong những nhạc sĩ đầu tiên thuộc CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn, cùng giai đoạn với các nhạc sĩ Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện..., nhạc sĩ Lê Văn Lộc hiểu được vai trò của mình trong việc “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Năm 1982, nhạc sĩ Lê Văn Lộc cùng với nhạc sĩ Vũ Hoàng đã viết nên ca khúc Bụi phấn. Bài hát này đã đi vào ký ức của bao thế hệ tuổi thơ.
Sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Lê Văn Lộc gắn bó với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam. Với ông, âm nhạc dường như đã là một phần máu thịt.
Yên Hà
Nói về thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay, nhạc sĩ Lê Văn Lộc không giấu được niềm vui, tự hào về đội ngũ sáng tác trẻ nhưng cũng còn lắm ưu tư. “Chúng ta nên chú trọng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Âm nhạc không có khuôn mẫu nào, sáng tạo là điều cần thiết nhưng cần phải giữ được bản sắc dân tộc, giữ được tâm hồn của người Việt Nam”, nhạc sĩ Lê Văn Lộc chia sẻ.