Thứ tư, 24/9/2008, 09h13

Nhân lực ngành thủy sản ĐBSCL: Cung cầu chưa gặp nhau

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Là vùng nuôi trồng và chế biến thủy sản lớn nhất nước, ngành nuôi trồng và chế biến ở ĐBSCL đang được đầu tư mạnh cơ sở vật chất, Ntrang thiết bị cũng như nhân lực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tuyển được người thích hợp.

 Chế biến thủy sản ở một công ty tại An Giang - Ảnh: QUANG VINH 
  Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4   

Công ty Cargill VN đến Trường ĐH Cần Thơ trực tiếp phỏng vấn sinh viên (SV) khoa nông nghiệp để tuyển dụng. Một số SV được đánh giá cao đã được công ty tiếp tục sàng lọc trước khi quyết định tuyển dụng. Mặc dù quy trình tuyển dụng khá chặt chẽ nhưng bà Nguyễn Thị Huyền Trang - giám sát nhân sự Cargill - cho biết những ứng viên sau khi tuyển dụng sẽ được bồi dưỡng thêm mới có thể làm việc chính thức.

“Thường các công ty sẽ có một công nghệ riêng để tạo thế mạnh nên nhân viên mới vào sẽ phải tìm hiểu cách vận hành. Về thực tế, họ phải được những người đi trước kèm cặp từ bốn tháng đến một năm để có kinh nghiệm thực tế” - bà Trang cho biết thêm.

Ông Trần Văn Hậu - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) - cho biết công ty có cả khu vực nuôi trồng nên cần nhiều kỹ sư nông nghiệp, nhất là kỹ sư nuôi trồng thủy sản. “Công ty thường tuyển những người đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số kỹ sư mới ra trường có tiềm năng cũng được tuyển dụng và làm quen dần với kinh nghiệm thực tế”. Thường thời gian kèm cặp, hướng dẫn thêm cho những người mới ra trường nơi đây là sáu tháng hoặc ít hơn tùy người. Tương tự, bà Phan Thị Khánh Đào - trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty thủy sản Bình An (Cần Thơ) - cho biết những đợt tuyển dụng trước đây công ty tuyển những người có kinh nghiệm.

Một kỹ sư tốt nghiệp ngành trồng trọt cho biết kiến thức trong trường chỉ là nền tảng cơ bản, khi đi làm phải học thêm nhiều thứ từ kinh nghiệm thực tế. Chẳng hạn kiến thức trong trường chỉ ra rằng nhóm thuốc này điều trị bệnh kia nhưng không phải công ty nào cũng áp dụng như vậy. Thường là thêm cái này, bớt cái kia tùy vào điều kiện thực tiễn chứ khó mà làm đúng những gì đã học.

Chương trình đào tạo chưa theo kịp

Thực hành mổ cá ở Trường ĐH Cần Thơ - Ảnh: QUANG VINH

Tại khu vực ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ là đơn vị có số lượng chuyên ngành về thủy sản và chỉ tiêu đào tạo lớn nhất vùng. Đây cũng là nơi có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên việc đào tạo theo nhu cầu thị trường vẫn còn khoảng cách nhất định.

Ông Hứa Văn Chung - trợ lý giáo vụ và SV khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết mỗi năm có hàng chục công ty đến khoa thông báo tuyển dụng nhân viên. Một số công ty cho rằng họ tuyển nhân viên mới và có thể sử dụng ngay, trong khi một số đơn vị cho biết họ phải cho làm quen thực tế một thời gian. Một số SV của khoa ra trường đi làm cho biết thường bỡ ngỡ giai đoạn đầu khi va chạm thực tế, nhất là khi làm việc với máy móc hiện đại.

Ông Chung thừa nhận: mặc dù đổi mới và cập nhật liên tục nhưng đúng là máy móc, trang thiết bị thực hành của trường vẫn chưa theo kịp các doanh nghiệp bên ngoài. Những năm gần đây, chương trình đào tạo tại khoa được cập nhật và thay đổi liên tục, đưa vào những môn mới sát với thực tế làm việc, cắt giảm những môn không cần thiết, đầu tư trang thiết bị thực hành...

Ông Lê Quang Trí (phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ): Trang thiết bị thực hành tại khoa được cập nhật liên tục nên chuyên môn của SV có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm thực tế nên có thể khi đi làm sẽ phải học thêm về cách điều hành, quản lý. Sắp tới khoa sẽ làm việc với các doanh nghiệp trong ngành để nắm nhu cầu lao động cũng như yêu cầu thực tế để đào tạo theo nhu cầu; đồng thời gắn kết với doanh nghiệp để SV có điều kiện thực tập, thực hành nhiều hơn.

MINH GIẢNG (TTO)