Chủ nhật, 18/10/2015, 14h44

Nhân sự “tháo chạy” khỏi ngành ngân hàng

Sinh viên đăng ký ứng tuyển vào ngành ngân hàng tại một ngày hội việc làm. Ảnh: D.Bình

Nhiều năm trước, khi ngành ngân hàng đang ở thời kỳ hoàng kim thì nhiều người muốn chen chân vào lĩnh vực này. Thế nhưng, gần đây, trước tình hình kinh tế có nhiều biến động, các ngân hàng thường xuyên cắt giảm nhân sự, chế độ lương - thưởng không còn “xông xênh”… thì nhiều nhân viên lại muốn tìm kiếm cơ hội ở những ngành nghề khác.

Nghỉ việc vì lương không đủ sống

Đó là trường hợp của anh Đ.V.P (33 tuổi, ngụ tại TP.Cần Thơ). Sau khi tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, anh P. gửi đơn xin làm việc ở nhiều ngân hàng nhưng không thành công, vì vậy anh đành cất tấm bằng cử nhân và phải làm đủ mọi nghề từ buôn bán đến lái xe… để nuôi sống bản thân. Tháng 2-2015, anh vui mừng khôn xiết vì xin được việc làm ở Ngân hàng Dầu khí toàn cầu có trụ sở tại Bình Dương với vị trí nhân viên kho quỹ. Có công việc ổn định, bảo hiểm đầy đủ, tưởng như công việc này là “bãi đáp” an toàn với anh; tuy nhiên, 8 tháng sau anh vội vàng viết đơn xin nghỉ việc. Anh P. chia sẻ: “Lương chính thức của tôi mỗi tháng là 3,5 triệu đồng, cộng thêm tiền phụ cấp ăn uống nữa là khoảng 4,1-4,2 triệu đồng/tháng. Thời điểm tôi vào làm ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, các chế độ thưởng bị cắt giảm, thậm chí tiền đồng phục mỗi năm 2 triệu đồng cũng không còn. Trong khi đó, tôi phải thuê nhà đi làm, mỗi tháng về quê thăm vợ con..., số tiền này không đủ cho tôi sinh hoạt, huống gì còn nuôi vợ con. Thế là tôi đành phải “bỏ của chạy lấy người” thôi”.

Thực tế, những năm gần đây nhân viên ngân hàng luôn phải đối mặt với việc cắt giảm lương và các khoản thưởng khiến cho nhiều người bi quan. Một nữ nhân viên từng làm việc ở Ngân hàng Đ. cho biết: “Cuối năm 2014, tôi viết đơn xin nghỉ việc tại ngân hàng để tìm kiếm cơ hội mới vì vài năm nay tôi không được tăng lương, cuối năm tiền thưởng chỉ còn 2-3 triệu đồng, trong khi các khoản thưởng trong năm đều bị cắt…”. Được biết, từ năm 2009 đến 2012, mỗi năm chị nhân viên trên được ngân hàng thưởng Tết 3-4 tháng lương, chưa tính tiền lương tháng 13, các ngày lễ trong năm cũng được thưởng 1-2 triệu đồng…

Thực tế, nhiều nhân viên đang làm việc tại các ngân hàng cũng muốn “tháo chạy” bởi mức lương không những không tăng mà còn bị giảm. Một nhân viên ở bộ phận tín dụng của Ngân hàng C. (chi nhánh Đắk Lắk) cho biết: “Tôi làm ngân hàng này từ năm 2012 đến nay. Mức lương ban đầu của tôi ở vị trí nhân viên kinh doanh là 7 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2014, ngân hàng có nhiều biến động, mức lương giảm xuống còn 6 triệu đồng. Sau đó tôi chuyển qua bộ phận hỗ trợ tín dụng, lương lại thấp hơn. Đến nay, dù ngân hàng đã ổn định nhưng cố gắng mãi mức lương cũng chỉ được 6,5 triệu đồng/tháng. Từ lúc tôi vào ngân hàng làm việc đến nay thì mức thưởng cuối năm cao nhất là 1,5 tháng lương. Tuy nhiên, mức thưởng này còn phụ thuộc vào lợi nhuận chi nhánh, xếp loại cuối năm…”.

Vẫn còn cơ hội cho người trẻ

Ngành ngân hàng hiện nay đang tái cơ cấu và tiếp tục giảm nhân sự nhưng song song đó là cần những người chịu được áp lực công việc, có kiến thức tài chính, có năng lực giao tiếp, ngoại ngữ…

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM: “Nhân viên ngành ngân hàng có xu hướng nghỉ việc là bởi tiền lương ở nhiều ngân hàng trong những năm gần đây có xu hướng điều chỉnh xuống, áp lực công việc, đặc biệt là thời gian lại tăng, đòi hỏi nhiều kỹ năng, yếu tố mới…”.

Trang mạng trực tuyến JobStreet.com mới đây cũng khảo sát hơn 1.800 nhân sự đang làm việc ở các ngân hàng, cho thấy có đến 65% người nhận mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến 29% nhân sự ngành tài chính ngân hàng muốn chuyển nghề do lương thấp hơn so với kỳ vọng.

Mặc dù ngân hàng trong những năm gần đây có nhiều biến động, nhiều ngân hàng phải sáp nhập, tái cơ cấu lại nên việc giảm lương, giảm nhân sự đã diễn ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, những sinh viên trẻ vẫn còn nhiều cơ hội ở lĩnh vực này. Ông phân tích: “Ngân hàng hiện nay đang tái cơ cấu và tiếp tục giảm nhân sự nhưng song song đó là cần những người chịu được áp lực công việc, có kiến thức tài chính, có năng lực giao tiếp, ngoại ngữ, làm việc nhóm… Đây cũng là cơ hội để bạn trẻ rèn luyện thêm kỹ năng nếu không muốn bị đào thải”.

Minh Châu

Nhu cầu nhân lực vẫn cao

Ngành ngân hàng trước đây đã phát triển về chiều rộng khá nhanh, thể hiện qua việc tăng số lượng ngân hàng và mở ra hàng loạt chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch rộng khắp cả nước. Do đó, số lượng nhân viên lĩnh vực này phát triển đột biến. Dự báo, đến năm 2020, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính là khoảng 120.900 người. Tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính - ngân hàng đến 2020 chiếm tỷ trọng 4% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 11.000 lao động); trong đó trình độ ĐH, CĐ chiếm tỷ lệ trên 50% nhu cầu tuyển dụng…