Thứ sáu, 5/1/2018, 11h29

Nhận trẻ từ 3 tháng tuổi không khả thi

Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục hiện hành vẫn quy định trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi. Trên thực tế, quy định này rất khó khả thi.

Một số trường tại TP.HCM nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi nhưng nhu cầu của phụ huynh không nhiều /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một số trường tại TP.HCM nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi nhưng nhu cầu của phụ huynh không nhiều. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Trẻ từ 12 tháng tuổi còn không nhận !
Qua tìm hiểu tại Hà Nội, hầu như không có cơ sở mầm non công lập nào nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở xuống, chưa nói tới trẻ 3 tháng tuổi.
Khoảng 5 - 6 năm gần đây, rất nhiều trường ở khu vực nội thành Hà Nội đều tái diễn cảnh bốc thăm để được học ở trường mầm non công lập. Ngoài 5 tuổi là bắt buộc thì các trường có quyền từ chối trẻ các lứa tuổi còn lại chỉ với lý do: không có chỉ tiêu.
Nhìn vào kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các quận nội thành Hà Nội có thể thấy rất rõ điều này. Q.Cầu Giấy có 4.477 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (từ 2 tuổi trở xuống) nhưng tổng chỉ tiêu mà các trường công lập có thể tuyển sinh chỉ là 923 trẻ; 3.844 trẻ 3 tuổi nhưng chỉ tuyển được 1.507 trẻ... Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy cho hay trên địa bàn quận hiện không có trường công lập nào nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi, chỉ một trường tư thục nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, song lớp này thường không ổn định, sĩ số trẻ/lớp không cao.

Ở lứa tuổi này, trẻ thường rất hay ốm vặt, ăn uống dễ nôn trớ, dễ sặc nên giáo viên vô cùng vất vả

Lãnh đạo Trường mầm non tư thục Bắc Hà

Tại Q.Thanh Xuân, nhiều trường nằm trên “điểm nóng” về sức ép dân số đều không có chỉ tiêu nào dành cho lứa tuổi nhà trẻ. Ở quận này, dù có 37 trường mầm non/11 phường, nhưng sĩ số vẫn lên tới hơn 50 bé/lớp. Trong khi đó, mỗi năm, dân số của quận tăng thêm khoảng 7.000 người, kéo theo số trẻ mầm non ngày càng tăng cao.
Ở Q.Ba Đình, theo số liệu thống kê, toàn quận có 3.261 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ tuy nhiên tổng chỉ tiêu của tất cả các trường công lập trong quận chỉ đáp ứng được 765 trẻ, nhiều trường không có chỉ tiêu nào ở độ tuổi này. Còn lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy cho hay quy mô giáo dục mầm non của quận hiện lên tới gần 18.000 trẻ, sĩ số trung bình hơn 60 bé/lớp - cao nhất trong các cấp học.
Quy định chỉ nằm... trên giấy
Thực tế trên cho thấy việc tiếp nhận trẻ 3 tháng tuổi ở các cơ sở mầm non, kể cả cơ sở tư thục rất khó khả thi. Trường mầm non tư thục Bắc Hà (Q.Đống Đa) từng thí điểm nhận trông trẻ 7 - 8 tháng tuổi và lãnh đạo trường này cho biết: "Một lớp học có 5 - 6 cháu, mỗi cô trông 1 cháu và phải có 1 - 2 người phục vụ ở ngoài lo việc nấu nướng, vệ sinh cho các cháu. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, trẻ thường rất hay ốm vặt, ăn uống dễ nôn trớ, dễ sặc nên giáo viên vô cùng vất vả. Sau khi nhận trẻ được hơn một năm thì nhu cầu gửi trẻ độ tuổi này ở trường không còn nữa".
Cách đây khoảng 10 năm, Trường mầm non thực hành Hoa Sen (Q.Ba Đình) cũng từng cố gắng mở thí điểm một lớp trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, kết thúc đợt tuyển sinh, trường chỉ nhận được 5 đơn gửi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, không có trường hợp nào gửi trẻ 3 tháng tuổi. Do không đủ cháu để mở lớp, nhà trường đành phải xóa lớp học này.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng quy định đưa ra rất nhân văn, nhưng qua một giai đoạn quá dài mà vẫn không thể đi vào cuộc sống thì các nhà làm luật phải xem lại để điều chỉnh.
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho rằng với quy mô dân số hiện nay, các trường mầm non công lập của Hà Nội đều không đủ khả năng tiếp nhận trẻ 12 tháng tuổi. Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc, xem xét kỹ chủ trương này.
Chưa có chương trình đào tạo giáo viên
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, cho rằng để luật đi vào cuộc sống thì phải xem xét tính khả thi. "Thực tế cho thấy, dù cố tiếp tục đưa quy định này vào luật thì cũng chưa biết bao giờ có thể áp dụng được trong điều kiện hiện nay. Trong khi đó, người dân có quyền căn cứ vào luật để yêu cầu cơ sở giáo dục công lập phải đáp ứng nhu cầu gửi con em họ. Không thể cứ đưa vào luật rồi trả lời người dân là thiếu điều kiện nên không thực hiện mãi được", ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, không chỉ là thiếu cơ sở vật chất trường lớp mà đáng lo ngại nhất là thiếu đội ngũ để chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi. “Chương trình đào tạo của khối mầm non trong các nhà trường không đề cập đến nội dung chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi. Nhiều giáo viên mầm non ra trường đi làm mà chưa từng làm mẹ thì làm sao họ có kỹ năng chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi được”, ông Vũ chỉ ra thực tế. Trong khi trẻ ở lứa tuổi này cần có chế độ ăn riêng, phải bú sữa mẹ và bắt buộc phải có thêm một nhân viên y tế, nguy cơ mất an toàn sẽ rất cao nếu các dấu hiệu bất thường không được xử lý ngay... Chính vì vậy, các trường không mặn mà khi nhận trẻ lứa tuổi này do đầu tư cao, mà rủi ro lại luôn rình rập.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường mầm non 20-10, cũng cho rằng các bé ở độ tuổi này sức đề kháng còn yếu, khả năng tự phục vụ chưa có. Việc quan tâm, chăm sóc các bé đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì hơn so với các bé ở độ tuổi mẫu giáo. Vì vậy, ngoài việc trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, nhà trường luôn lựa chọn những giáo viên có thâm niên công tác, có trình độ chuyên môn, lòng yêu nghề và nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ.
Bà Lưu Thị Bích Hân, Hiệu trưởng Trường mầm non Trại Cau (H.Đồng Hỷ, Thái Nguyên), cho rằng việc tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi phải tính đến nguồn nhân lực để thực hiện.
TP.HCM đề nghị điều chỉnh từ 6 tháng tuổi
Ông Đỗ Đinh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trong báo cáo về tình hình thi hành luật Giáo dục, UBND TP đề xuất với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội nên điều chỉnh độ tuổi giáo dục mầm non thành “từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi” để phù hợp với luật Bảo hiểm xã hội.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cũng nói rằng trước 6 tháng, điều vô cùng cần thiết là trẻ được gần gũi với mẹ để phát triển về tâm sinh lý, sức khỏe và cảm xúc. Ngoài ra, quy định độ tuổi gửi trẻ vào trường mầm non nên phù hợp với quy định nghỉ hậu sản của lao động nữ.
B.Thanh

Mong muốn đảm bảo quyền lợi cho trẻ
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho hay mong muốn đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ về vấn đề chăm sóc, giáo dục nên dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục lần này vẫn giữ quy định đó.
Theo bà Minh, ủy ban này đang cùng với Bộ GD-ĐT rà soát, tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao chưa thực hiện được quy định tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý trong quá trình hoàn thiện dự luật. Quyền của trẻ em trong giáo dục, chăm sóc thì không chỉ có ra lớp mới đảm bảo mà còn ở việc hỗ trợ ra sao khi trẻ được chăm sóc tại nhà. Ví dụ, nhà nước có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chăm sóc trẻ cho người giúp việc. Các nhóm trẻ gia đình sẽ được nhà nước hỗ trợ ra sao về chế độ chính sách, bồi dưỡng đội ngũ nuôi dạy trẻ ở khối tư thục...
Tuyết Mai

Tuệ Nguyễn/TNO