Thứ bảy, 21/1/2017, 13h33

Nhanh và chậm

Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chuẩn bị thật tốt thì mới mang lại kết quả tốt. Ảnh: A.Khôi
Việc Hà Nội sử dụng xe buýt nhanh để giải quyết nạn kẹt xe, đảm bảo việc di chuyển của hành khách, giảm ô nhiễm và giảm cả chi phí cá nhân cũng như chi phí của xã hội cho sự di chuyển hàng ngày đang thu hút quan tâm của dư luận. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đi xe buýt thị thực.
VTV1 cũng đưa tin, năm 2016 là năm nhuận, dài hơn năm trước 1 giây. 1 giây nghe chừng quá ngắn với 1 con người, nhưng mỗi người trên hành tinh sử dụng thêm 1 giây do sự chậm trễ của trái đất vào những việc có ích thì thời gian mà chúng ta có được là 6,5 tỉ giây (tương đương 108 triệu phút, 18.000 giờ, 75.000 ngày, 206 năm) - xem ra tiết kiệm thời gian quả là mang lại nhiều hiệu quả.
Năm mới, một anh bạn già nói với tôi: ngày đầu năm anh tập thể dục bằng đi xe đạp, anh đi chậm hơn ngày thường. Đường phố ngày mồng 1 đã gần 8 giờ sáng mà xe cộ không nhiều như ngày thường. Đoạn đường anh đi cũng như mọi ngày, nhưng hôm anh chạy nay chậm hơn 3 phút. Anh bảo, sang tuổi 60 rồi, cũng chẳng cần nhanh thêm làm gì cả.
Gần đây Quốc hội, người dân, báo chí… đang bàn về tăng thời gian nghỉ hưu của người lao động. Nhiều người so sánh việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động vì dân chúng ta giờ đã có tuổi thọ cao. Thực ra, cái gọi là tuổi thọ mà chúng ta hiểu thường ngày, không phải là tuổi thọ bình quân mà là kì vọng sống (Life Expectancy), nghĩa là nếu người ta không chết ở độ tuổi nào đó thì người ta có thể sống thêm một số năm nữa. Kì vọng sống ở độ tuổi 0 tuổi của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là ta phải vội vàng kéo dài độ tuổi về hưu của người lao động.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong suốt nửa thế kỉ qua, dân số phụ thuộc của Việt Nam luôn cao hơn so với Nhật Bản. Cho tới năm 2005 tỉ lệ dân số phụ thuộc của Việt Nam mới ngang với Nhật Bản (33,73% so với 33,65%), sau năm này, tỉ lệ phụ thuộc của Nhật Bản luôn tăng và đến năm 2015, tỉ lệ phụ thuộc của Nhật Bản đã lên tới 39,20% cao hơn Việt Nam khoảng 10% (Năm 2015 tỉ lệ dân số phụ thuộc của Việt Nam là 29,83%). Nhưng điều đáng chú ý hơn là vào năm 2015, tỉ lệ phụ thuộc người già của Việt Nam chỉ là 6,74%, trong khi tỉ lệ phụ thuộc người già của Nhật Bản là 26,34%.
Hiện nay Nhật Bản là quốc gia thiếu lao động, trong khi chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng nên việc tăng thời gian lao động của người lao động cần phải cân nhắc kỹ kết hợp với các chính sách sử dụng lao động khác trong đó có việc tăng xuất khẩu lao động cùng với việc thực hiện bình đẳng giới trong lao động (tăng tuổi lao động của nữ giới ngang bằng với nam giới, trước mắt thực hiện trong những lĩnh vực sử dụng lao động không có sự khác biệt giữa nam và nữ như nghề dạy học, nghề y, hoạt động khoa học...).
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông đã được đề cập đến trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết Trung ương 29. Bộ GD-ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 29 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông vẫn đang trong quá trình thảo luận, chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ có thể được xây dựng sau khi có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Cả hai việc đều cần huy động nhiều người, nhiều nguồn lực tham gia, nhất là của các thầy cô giáo. Nhiều việc cần phải làm, nhất là bồi dưỡng giáo viên về chương trình học. Sự hiểu biết của giáo viên về chương trình học - một trong những yếu tố quyết định thành bại của việc đổi mới giáo dục phổ thông đợt này. Cần có một thời gian để làm việc này tốt nhất có thể. Nên nếu có việc tiếp tục chậm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông so với dự kiến cũng không phải là việc không thể. Chuẩn bị thật tốt để có kết quả tốt còn hơn…
Đến sớm một chút vì xe buýt nhanh, điều chỉnh chậm 1 giây vì trái đất di chuyển chậm. Như vậy là hợp lý! Nhanh hay chậm cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đúng thời điểm!
Hãy cân nhắc, chậm một chút thời điểm tăng độ tuổi lao động hay thời điểm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông còn hơn những hệ lụy do quyết định không đúng thời điểm gây ra!
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)