Thứ tư, 14/11/2012, 15h11

Nhập viện vì chuột cắn

Kênh Hy Vọng đầy rác bẩn là nơi “trú ngụ” của rất nhiều chuột

Vừa qua, bệnh nhân N.T.V 55 tuổi (TP.HCM) nhập viện Bệnh viện Nhiệt Đới trong tình trạng suy thận nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân V. dương tính với virus Hantavirus ở trong chuột. Trước đó một tháng, bệnh nhân này đã bị chuột cắn vào chân trong lúc ngủ. 
Tự nhiên như… chuột
Thực tế, chuột sống trong các khu dân cư ở TP.HCM từ lâu đã trở thành nỗi sợ hãi của rất nhiều người dân. Giờ đây, trước thông tin này, nỗi sợ hãi càng nhân lên gấp bội. Chưa đầy 2 năm học, Hồng Phương (sinh viên (SV) năm 2 Trường ĐH Sài Gòn) đã 4 lần chuyển nhà trọ vì không chịu nổi bọn chuột. Phương cho biết: “Chúng dạn dĩ, tự nhiên không sợ bất cứ thứ gì. Ngày trước ở khu Huỳnh Tấn Phát (Q.7), đang đêm ngủ nó bò ra, gặm chân tay mình đến chảy máu”.
Do giá nhà trọ đột ngột tăng nên Tuấn Anh (SV năm 3 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) phải chuyển nhà trọ từ khu vực trung tâm về quận Tân Bình (kênh Hy Vọng, P.15)  để phù hợp với túi tiền. Nhưng vài tháng nay, Tuấn Anh lao đao với nạn “chuột tặc”. Tuấn Anh than thở: “Nhà trọ rẻ hơn được 1 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng chuột thì thật kinh khủng. Ngày nào trên lớp học mình cũng băn khoăn không biết chiều nay về nhà, món đồ nào sẽ ra đi vì lũ chuột nó cắn. Quần áo của mình đã bị nó xơi hết 5 bộ. Còn sách vở thì te tua thường xuyên. Mấy lần đang ngủ cũng bị chuột cắn chân chảy máu, giờ đọc thông tin trên báo thấy nó có thể gây bệnh nguy hiểm, mình thực sự hoang mang. Mình đang tính chuyển chỗ trọ khác…”.
Chuột không chỉ cắn tay chân người mà còn sinh con đẻ cái ở ngay tủ quần áo. Trang Nhung (SV năm 3 ĐH Sư phạm TP.HCM) hiện đang trọ ở đường Nguyễn Khoái (P.2, Q.4) bàng hoàng nhớ lại: “Những quần áo không mặc đến, mình để riêng vào một tủ, đóng khóa cẩn thận. Vậy mà đến khi dùng, mở ra thấy cả một đống chuột con đỏ hỏn đang lúc nhúc trong đó. Mình bủn rủn muốn xỉu. Hóa ra nó đục một cái lỗ to tướng phía sau tủ, sống trong đó từ hồi nào mà mình không biết…”. Nguy hiểm hơn, chuột còn cắn dây điện, dây bình ga. Cô SV Hồng Phương đã từng bị điện giật chỉ vì dây cắm điện bị chuột cắn mà không biết nên sờ vào, còn bình ga thì lần nào trước khi nấu Phương cũng phải kiểm tra...
Diệt cũng bằng không
Trước cảnh chuột lộng hành như thế, dẫu đã dùng đủ mọi cách, từ đánh bẫy cho đến để đèn sáng nhưng tình hình gần như không được cải thiện. Trang Nhung than thở: “Mình đã đánh bẫy rồi mua thuốc diệt chuột. Cũng có một vài con chết. Nhưng số lượng vẫn còn rất nhiều và mức độ tàn phá của nó thì không hề giảm…”.
Ông Trần Văn Hai, chủ một nhà trọ trên đường Nguyễn Khoái chia sẻ: “Tôi đã nuôi một đàn mèo, một mèo mẹ và 4 con mèo con, thế mà lũ chuột cũng chẳng sợ mèo. Vẫn thấy tình trạng đồ ăn bị lục lọi, rồi cắn phá. Giờ thực sự tôi chẳng biết làm sao… Người dân cũng sợ chuột, SV càng sợ hơn nên thấy là tìm cách tiêu diệt nhưng cũng không diệt nổi, vì thế số lượng chuột sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều”. BS. Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khẳng định “Chuột ở thành phố này nhiều vô kể, nhất là ở các khu vực kênh rạch ô nhiễm như kênh Nhiêu Lộc, kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ… Từ trước đến nay, chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp như đặt bẫy rồi dùng thuốc nhưng số chuột diệt được cũng không đáng kể so với số lượng của chúng…”. BS. Siêu cũng cảnh báo rằng, chuột là loài chứa nhiều ký sinh trùng gây bệnh, nhất là loài bọ chét. Vì thế, mỗi người nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không bừa bộn để tránh làm nơi chuột trú ẩn. Tích cực diệt chuột bằng cách đặt bẫy và đặt mồi. Khi ngủ nên mắc mùng. Và khi bị chuột cắn, nếu thấy dấu hiệu sốt thì phải lập tức đến bệnh viện để được điều trị kịp thời…
Bài, ảnh: YẾN HOA
BS. Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết, bệnh do Hantavirus có khả năng tử vong cao do chứng suy gan suy thận cấp, hiện không có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp điều trị phụ trợ như cho thở ôxy…