Chủ nhật, 28/7/2013, 22h07

Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành tâm lý

Bạn Đỗ Văn Sự trong buổi hướng dẫn kỹ năng sống cho nhân viên một công ty
Tâm lý học đang được xem là ngành “hot” và rất cần nhân lực trong vài năm gần đây. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP.HCM, cho biết: Từ nay đến 2020, nhu cầu nhân lực ngành tâm lý học sẽ cao vì rất cần thiết cho các cơ quan giáo dục, y tế, doanh nghiệp… Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của ngành này là hơn 1.000 người.
Tâm lý học đang được xem là ngành “hot” và rất cần nhân lực trong vài năm gần đây. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP.HCM, cho biết: Từ nay đến 2020, nhu cầu nhân lực ngành tâm lý học sẽ cao vì rất cần thiết cho các cơ quan giáo dục, y tế, doanh nghiệp… Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của ngành này là hơn 1.000 người.
Nghề dễ kiếm việc làm
Quả thật, với những kiến thức chuyên ngành được đào tạo, sinh viên (SV) ngành tâm lý học có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực cần đến sự can thiệp của tâm lý. Điều này cũng đồng nghĩa với việc SV ngành tâm lý học rất dễ kiếm được việc làm, thậm chí có việc làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo bạn Đỗ Văn Sự - tốt nghiệp ngành tâm lý học sư phạm (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) gần 2 năm - cho biết cơ hội nghề nghiệp của SV ngành này khá rộng “cửa”, các bạn có thể dễ dàng xin việc làm ổn định tại một cơ quan Nhà nước hay công ty tư nhân với mức lương đủ để tự mình chi trả các khoản chi tiêu hằng ngày (từ 4-5 triệu đồng/tháng) như quản lý nhân sự, chuyên viên tham vấn tâm lý học đường hay tham gia giảng dạy tại các trường chuyên biệt… Ngoài ra, với đặc thù của ngành tâm lý học, SV có thể tìm được nhiều công việc làm thêm nếu biết sắp xếp thời gian và chế độ làm việc. Bạn Đỗ Văn Sự là một điển hình trong số đó. Ngoài công việc chính là chuyên viên tư vấn tại Trung tâm Giáo dục và đào tạo Ý tưởng Việt, bạn còn tham gia dạy các lớp kỹ năng sống cho một số trung tâm hay tư vấn tâm lý cho các tổng đài, quản lý cho một công ty tư nhân với tổng thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Còn theo chia sẻ của bạn Đặng Việt Châu - cựu SV ngành tâm lý học (Trường ĐH KHXH &NV, ĐHQG TP.HCM) - nếu không muốn làm việc ở một đơn vị cố định, SV tốt nghiệp ngành tâm lý học có thể làm việc độc lập và thậm chí có thể “chạy sô” không hết việc nếu phát huy hết công suất làm việc. “Nhưng để làm được việc đó, các bạn SV cần xây dựng cho mình một mối quan hệ rộng rãi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng có thể được xem là một kỹ năng cần có của SV ngành tâm lý học vì ngành này đòi hỏi người làm việc phải có tính cởi mở, gần gũi và thân thiện với người khác” - bạn Đặng Việt Châu cho biết.
Một lĩnh vực khác đang “khát” nhân lực và cũng được khá nhiều SV ngành tâm lý học lựa chọn là bồi dưỡng kỹ năng tại nhà cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ có vấn đề về cảm xúc hay “lệch” chuẩn đạo đức… Bạn Nguyễn Thị Thu - tốt nghiệp ngành tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến được 3 năm - chia sẻ: “Rất nhiều bạn bè của tôi làm các công việc nêu ở trên với mức thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/giờ. Các công việc đó xuất phát từ những phụ huynh có con em không may vướng phải các vấn đề chậm phát triển kỹ năng hay trí tuệ tìm đến, rồi người này giới thiệu cho người kia... Có thể nói, trong khi rất nhiều SV phải chật vật trong việc xin việc làm sau khi ra trường thì tôi và một số SV ngành tâm lý học đã tự tạo cho mình nhiều cánh cửa việc làm để lựa chọn dựa vào các mối quan hệ gắn kết với bạn bè hay anh chị khóa trước và nhất là từ các thầy cô giảng dạy.
Cần xác định hướng đi đúng
Để dễ dàng có được cơ hội việc làm và làm việc chuyên tâm theo đúng nghĩa ngành tâm lý học thì rất nhiều SV đã phải đổ công sức khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Nếu chỉ chú tâm học những kiến thức trong sách vở thôi thì chưa đủ nên tôi và một số bạn khác phải dành rất nhiều thời gian cho việc học hỏi, thực hành; thậm chí là làm việc không lương cho các đơn vị, trung tâm trước khi ra trường. Và đến bây giờ dù đã ra trường được một thời gian nhưng chúng tôi vẫn không ngừng học hỏi thêm các khóa học, ngành học khác để bổ trợ cho chuyên môn của mình. Tôi thấy một số bạn khi mới ra trường thường có suy nghĩ là phải kiếm tiền thật nhiều nhưng điều này không quan trọng bằng việc bạn tự bồi dưỡng, củng cố kiến thức chuyên môn của mình cho thật vững chắc. Sẽ rất khó nếu một người nào đó làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau vì mỗi lĩnh vực tâm lý đều có những đặc thù nhất định. Xã hội cần những người thành thạo và có cam kết gắn bó với nghề chứ không phải những người còn lơ mơ về kiến thức, kỹ năng làm việc” - bạn Nguyễn Thị Thu chia sẻ.
Tuy nhiên, một lý do khiến cho tâm lý học trở thành ngành “hot” trong những năm gần đây là các SV đã nhìn thấy thành công của những người đi trước như: PGS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu hay Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai… Chính những hào quang này khiến cho nhiều bạn trẻ mới ra trường sớm “vỡ mộng” vì những gì họ gặp phải. Theo bạn Đỗ Văn Sự, thực tế cho thấy cơ hội việc làm của ngành tâm lý học tuy rất rộng nhưng không phải ai cũng đủ khả năng để bám trụ được với nghề. Thông thường, số người gắn bó với ngành này chỉ khoảng 30% so với con số ban đầu tốt nghiệp. Ngành tâm lý học có nhiều lĩnh vực và mỗi lĩnh vực đều đòi hỏi người làm việc phải có những kỹ năng riêng, chuyên sâu về nó. “Ngay cả những người thành công, họ cũng từng phải cố gắng rất nhiều mới xây dựng được hình ảnh như ngày hôm nay. Vì thế, tôi nghĩ bản thân mình và các bạn phải xác định được hướng đi cho mình ngay từ đầu”, bạn Đỗ Văn Sự khẳng định.
Bài, ảnh: Linh Vy
Thực tế cho thấy cơ hội việc làm của ngành tâm lý học tuy rất rộng nhưng không phải ai cũng đủ khả năng để bám trụ được với nghề. Bởi ngành này có nhiều lĩnh vực và mỗi lĩnh vực đều đòi hỏi người làm việc phải có những kỹ năng riêng, chuyên sâu về nó.