Thứ ba, 7/3/2017, 20h43

Nhiều đổi mới trong mùa thi 2017

Dù thời tiết nắng nóng nhưng hàng ngàn học sinh hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh vẫn hào hứng tham dự chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh “Tiếp bước trường thi” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh - truyền hình của hai tỉnh này.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa thông tin những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia và xét ĐH năm nay

Bị điểm liệt một trong 2 bài thi tổ hợp có bị trượt tốt nghiệp?

Trước hàng loạt câu hỏi của học sinh về những thay đổi trong quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2017, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) khái quát một số nội dung đổi mới ở mùa thi năm nay. Cụ thể, khác với các năm trước, thí sinh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thi tại địa phương do chính sở GD-ĐT các tỉnh này chủ trì. Thời gian tổ chức thi sớm và ngắn hơn, chỉ trong 2 ngày rưỡi từ 22 đến sáng 24-6. Tuy nhiên, năm nay thí sinh sẽ thi theo bài thay vì theo môn, như vậy số lượng môn các em thi cũng lớn hơn. Với 4 bài thi, các em sẽ thi 6 môn chứ không phải 4 môn như năm trước. Bên cạnh 3 bài bắt buộc, thí sinh thi một trong 2 bài tự chọn gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đặc biệt, năm nay 8 môn trong các bài thi sẽ theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn văn thi tự luận.

Điểm khác biệt nổi bật nhất theo TS. Nghĩa là việc các em đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Không như dự kiến ban đầu, năm nay Bộ GD-ĐT vẫn áp dụng điểm sàn xét tuyển. Thí sinh không đạt ngưỡng sàn chỉ có thể đăng ký xét bằng học bạ THPT. Các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, nhưng cần cân nhắc kỹ, tránh đăng ký tràn lan. Và dù đăng ký nhiều ngành nhưng các em chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.

Học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt câu hỏi về ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm

Em Nguyễn Thị  Phương Giang (học lớp 12 Trường THPT Hoàng Văn Thụ, tỉnh Tây Ninh) băn khoăn: “Nếu bị điểm liệt một trong 2 bài thi tổ hợp có bị trượt tốt nghiệp THPT không?”. Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) giải thích, năm 2017, ngoài 3 bài thi bắt buộc, các em còn thi 1 bài thi tự chọn. Các em có thể thi cả 2 bài thi tổ hợp, bài nào điểm cao sẽ được dùng xét tốt nghiệp. Trong trường hợp các em bị điểm liệt một trong 2 bài thi tổ hợp này thì bài còn lại sẽ được dùng để xét tốt nghiệp bình thường. “Tuy nhiên, việc thi cả 2 bài thi với 9 môn, dàn trải trong 2 ngày rưỡi, thí sinh sẽ cực kỳ vất vả. Do vậy, các em cần cân nhắc, tốt nhất nên tập trung vào bài thi tổ hợp là thế mạnh để thi đạt kết quả cao”, ông Cường lưu ý.

Học nhiều ngoại ngữ để thêm lợi thế xin việc

Không chỉ dừng lại ở môn tiếng Anh, tăng cường học thêm ngôn ngữ một nước ASEAN hoặc các quốc gia khác là giải pháp được ban tư vấn nhấn mạnh đối với học sinh nhằm mở thêm cơ hội việc làm.

ThS. Phan Bửu Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn) cho rằng lựa chọn theo xu hướng ngành nghề chỉ là một phần thành công của người học chứ không phải yếu tố quyết định. Các em không nên chỉ quan tâm độ hot của ngành nghề mà còn cần chú ý sự yêu thích, phù hợp của bản thân với ngành nghề đó. “Tây Ninh có 2 cửa khẩu thông thương với Campuchia, hiện nay lượng khách Việt đang chiếm rất lớn trong ngành du lịch của Campuchia. Do vậy, nước bạn rất cần nhân lực du lịch thạo tiếng Việt. Những em thích ngành du lịch có thể học thêm 1 ngôn ngữ khác của ASEAN để mở rộng cơ hội việc làm”, ThS. Toàn nói.

Có năng lực không lo thất nghiệp

Em Đặng Thị Thu Hiền (học lớp 12 Trường THPT Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: “Học ngành dầu khí có dễ thất nghiệp, nhất là với những người sắp theo ngành này như em?”. Một học sinh khác cũng đặt vấn đề: “Các trường đào tạo đều cam kết đảm bảo tỷ lệ việc làm cao cho sinh viên khi ra trường. Tuy nhiên, lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm lớn, chúng em cần làm gì để tăng sức cạnh tranh?”. TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, học ngành nghề nào cũng có khả năng thất nghiệp, song nếu sinh viên ra trường có năng lực tốt sẽ giảm thiểu được khả năng này. Không riêng gì ngành dầu khí, đối với nhiều ngành nghề khác, các em đều cần học tập thật tốt để có cơ hội việc làm cao. Đồng thời, một ngành học cho phép các em tham gia làm ở nhiều lĩnh vực công việc khác nhau, không nhất thiết làm một công việc duy nhất.

TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) thông tin thêm, hiện Trường CĐ Bách Việt cũng có chương trình đào tạo nhắm vào 3 lĩnh vực mà Nhật Bản có nhu cầu lớn, gồm: điều dưỡng, công nghệ thực phẩm, xây dựng. Trong quá trình học, sinh viên được học tiếng Nhật thay cho tiếng Anh để nhanh chóng tiếp cận thị trường lao động hấp dẫn này.

Em Huỳnh Nhật Thanh (học lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Tây Ninh) hỏi chi tiết hơn về ngành ngôn ngữ Nhật. ThS. Tạ Thị Thúy (Phó Trưởng ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, năm 2017, trường xét tuyển ngành ngôn ngữ Nhật 4 tổ hợp: Toán - lý - tiếng Anh, toán - văn - tiếng Anh, văn - sử - địa và văn - sử - tiếng Anh. Ngoài ngôn ngữ Nhật, sinh viên còn được trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa… nước này. Trường xét kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học lớp 12 (thí sinh đạt 18 điểm 3 môn thuộc tổ hợp trở lên đủ cơ hội xét tuyển).

Bài, ảnh: Thục Trân