Thứ hai, 19/10/2009, 11h10

Nhiều Giáo sư phản đối việc Bộ Giáo dục có “quyền sinh” trường ĐH

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chuyển giao quyền quyết định thành lập trường đại học từ Thủ tướng Chính phủ về Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để “tăng cường tính chịu trách nhiệm”. Nhiều Giáo sư, nhà khoa học không đồng tình với thay đổi này.

Theo Luật sửa đổi bổ sung trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quyết định đối với thành lập trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng quyết định chủ trương thành lập trường.
Ông Chu Hồng Thanh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT, trưởng ban soạn thảo) giải thích: “Việc giao thẩm quyền này xác định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong quản lý nhà nước về giáo dục. Thủ tướng Chính phủ tập trung vào việc quản lý, điều hành vĩ mô, quy định về việc thành lập trường đại học nói chung, còn quyết định thành lập và giao nhiệm vụ đối với từng trường thì thẩm quyền này được giao cho Bộ GD-ĐT. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, việc thành lập trường đại học có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trước khi Bộ GD-ĐT quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập”.
GS Trần Xuân Hãn 
Tuy nhiên, tại Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục do Hội Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều Giáo sư, nhà khoa học đã không đồng tình với sửa đổi này. GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, cho rằng Bộ Giáo dục chỉ nên phụ trách khâu quyết định đào tạo, khi các trường đã đủ điều kiện. Còn quyết định thành lập trường đào tạo thì vẫn phải do Thủ tướng, cơ quan tham mưu cho Thủ tướng chính là Văn phòng Chính phủ. 
"Trong báo cáo giám sát của chúng tôi về thành lập các trường dạy nghề, cách đây 1 năm cũng đã nhận định, hiện nay các trường đại học thành lập và nâng cấp quá nhiều. Nhân sự việc trường đại học Phan Thiết, Bộ GD-ĐT nên rà soát lại tất cả các trường đại học và nâng cấp trong thời gian vừa qua, rút kinh nghiệm sâu sắc về quá trình thành lập trường. Nếu phát hiện ra sai đến đâu thì xử lý đến đó. Nếu phát hiện ra hồ sơ thành lập trường gian dối thì giải thể ngay trường đại học đó, không để lộn xộn như hiện nay", GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định.
Đồng ý kiến với GS Thuyết, GS Trần Xuân Hãn - ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đã và đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu phân cấp mà không có những biện pháp mạnh mẽ, thắt chặt các điều kiện thành lập trường thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. Ông cũng nhận định, đằng sau việc thành lập trường đại học có nhiều tiêu cực, hiện nhiều trường không có học sinh. Nên việc chuyển giao quyền thành lập cần phải xem xét lại.
Về vấn đề tiêu cực, GS Trần Đình Long - ĐH Quốc gia Hà Nội - hiến kế: Qui trình thành lập một trường ĐH cần tách làm hai bước: thành lập trường và được phép hoạt động. Nếu trường nào hợp lệ, đủ tư cách pháp nhân thì cho phép thành lập trường nhưng được phép thành lập rồi thì phải đủ các điều kiện, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thì mới cho tuyển sinh. Làm đúng như vậy thì sẽ không còn tiêu cực. GS Long cũng chia sẻ quan điểm Bộ GD-ĐT cần ban hành một hệ thống tiêu chí rõ ràng khi thành lập một trường đại học.
Đóng góp ý kiến trong buổi hội thảo, GS Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, nhận định quy mô trường đại học ở ta còn quá lộn xộn nên chất lượng đào tạo chưa cao. 
Hồng Hạnh (Dan tri)