Thứ ba, 14/11/2017, 16h46

Nhiều lao động trẻ tại các làng nghề thiếu kỹ năng an toàn lao động

Lao động trẻ tại các làng nghề hiện chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động nông thôn, có kinh nghiệm nghề nghiệp nhưng lại thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), môi trường làm việc chật hẹp, dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao.

Các chuyên gia giới thiệu tài liệu hướng dẫn an toàn vệ sinh lao động khu vực làng nghề.

Ngay 14/11, tại Hà Nội, Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), Văn phòng ILO tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn đối với các tài liệu tập huấn về an toàn vệ sinh lao động trong các làng nghề.

Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Trong số 36 triệu lao động khu vực phi chính thức, có khoảng 10% lao động trẻ từ 18-24 tuổi làm việc tại khu vực làng nghề cần tập huấn về an toàn, môi trường lao động. 

Luật An toàn Vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định mở rộng đối tượng đảm bảo an toàn lao động khu vực phi chính thức. Do đó, việc xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề sẽ là trọng tâm trong thời gian tới do đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động.

“Trước mắt, việc hướng dẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường lao động tập trung vào các mô hình làng nghề đã thực hiện điểm về an toàn lao động; tập trung đảm bảo an toàn lao động ở các khâu liên quan đến điện, phòng chống cháy nổ, hóa chất”, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn tại các làng nghề, ông Vũ Như Văn, chuyên gia ILO cho biết: “Khảo sát một số làng nghề tại Hưng Yên, Phú Thọ cho thấy hầu hết lao động trẻ từ 18-24 tuổi chưa tham gia một lớp tập huấn về đảm bảo an toàn lao động; hầu hết kỹ năng nghề là “cha truyền con nối” nên rất bất cập trong quy trình sản xuất, môi trường nơi làm việc”.

Từ thực tế các làng nghề mộc tại Hưng Yên, các chuyên gia an toàn lao động nhận thấy có khoảng 30% tai nạn lao động xảy ra trong quá trình vận chuyển nên xây dựng các nguyên tắc cơ bản về sắp xếp, vận chuyển vật liệu và sản phẩm gia tăng tính hợp lý, giảm bớt thao tác và nâng cao hiệu quả sản xuất và an toàn lao động. Với môi trường làm việc, việc làm sạch cửa sổ, nền nhà có thể làm tăng độ sáng tới 20% được các chuyên gia tư vấn về phương pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, chiếu sáng tại nơi làm việc, xử lý thông gió…

“Trên cơ sở tài liệu đúc kết từ các mô hình làng nghề vừa làm thí điểm, Cục An toàn lao động hỗ trợ huấn luyện, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng để người lao động và chủ doanh nghiệp tại các làng nghề có kiến thức, kỹ năng và cải thiện điều kiện làm việc”, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết.

Xuân Cường/Báo Tin Tức