Thứ ba, 15/11/2011, 10h11

Nhiều sở giáo dục kêu trời về tuyển nhân sự

Cuối tuần qua, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Sở GD&ĐT 7 tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ đã tổ chức giao ban thi đua.

Tại cuộc giao ban này, lãnh đạo các sở GD&ĐT đồng loạt nêu những bất hợp lý của ngành giáo dục.
Muốn tuyển nhân sự từ các trường về làm chuyên viên Sở GD&ĐT phải được Bộ Nội vụ đồng ý ? Ảnh: Hồng Vĩnh.
Viên chức sang Công chức: Chờ 6 tháng!
Bà Nguyễn Thị Hồng Liêu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận bức xúc nói, Bộ GD&ĐT đang lấy đổi mới quản lý giáo dục làm khâu đột phá, nhưng Thông tư 47 của Liên Bộ (GD&ĐT và Nội vụ) vừa ra đời đã thấy những bất cập.
Bà Liêu tiết lộ, biên chế cho ngành giáo dục hiện nay quá ít. Ở tỉnh Ninh Thuận, có phòng giáo dục chỉ vỏn vẹn 8 người. Nhưng khi xin biên chế thì rất khó khăn vì phải thông qua Phòng Nội vụ, chứ Phòng Giáo dục không có quyền này. Bà Liêu cho biết, tuyển một cán bộ cho phòng hay cho sở hiện nay rất nhiêu khê.
“Lên Sở GD&ĐT tức là vào hệ công chức. Mà công chức, theo qui định là phải thi tuyển. Mà thi tuyển chỉ dành cho sinh viên hay người mới vào ngành.Trong khi đó, muốn có cán bộ chuyên môn giỏi về sở thì phải tuyển những giáo viên giỏi, hiệu trưởng giỏi thì họ mới có chuyên môn. Nhưng quy định bây giờ muốn tuyển được họ phải chuyển hồ sơ cho Bộ trưởng Nội vụ xét. Tôi thấy Bộ Nội vụ không hiểu gì về đặc thù của ngành giáo dục chúng ta cả!”, bà Liêu nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước cho biết, tỉnh ông muốn tuyển một cán bộ chuyên môn từ một trường lên sở phải trình hồ sơ lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và phải chờ mất ?6 tháng vì phải chuyển từ ngạch viên chức sang công chức. “Đây là điều rất bất hợp lý cần phải sửa ngay!”- ông Hùng nói.
Thiếu trường, thiếu giáo viên
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, bà Trần Thị Phương cho biết, giáo viên mầm non hiện nay là khổ nhất, vì họ phải làm việc có khi từ 8 đến 12 tiếng/ngày, làm việc cả trưa. Trong khi tiền làm ngoài giờ bị khống chế. Các chế độ ưu đãi cho giáo viên mầm non còn thiếu khiến họ bị thiệt thòi.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai Lê Minh Hoàng còn bức xúc hơn. Ông Hoàng cho biết Đồng Nai là tỉnh đặc thù với rất nhiều khu công nghiệp. Lực lượng công nhân ở đây rất đông. Họ rất cần nơi gửi con cái để đi làm. Đồng Nai hiện nay thiếu rất nhiều nhà trẻ. Trong khi đó, kinh phí dành cho xây dựng các trường mầm non, mẫu giáo hay bị cắt.
Ông Hoàng kiến nghị, từ nay khi tính toán xây dựng các khu công nghiệp, Nhà nước cần phải tính đến việc qui hoạch trường mầm non, mẫu giáo cho con công nhân.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Kỉnh bức xúc cho biết khi mua sắm các thiết bị phục vụ dạy học thì bị vướng Nghị quyết 11 của Chính phủ. Ông Kỉnh ví dụ việc mua sắm máy vi tính hiện nay bị cắt. “Nhưng dạy học vi tính mà không có máy tính thì sao học sinh tiếp thu bài?”.
Ông Kỉnh cũng kiến nghị, giáo viên tiểu học, giáo viên THCS tuyển ngoài ngành sư phạm cần phải đào tạo lại. Nếu không có ngân sách thì cần có chính sách phù hợp để họ tự đào tạo lại mình. Hiện nay Bộ GD&ĐT có chủ trương cho giảng dạy các môn khoa học tự nhiên ở các trường Chuyên và THPT trọng điểm bằng tiếng Anh. Nhưng giáo viên dạy các môn này lại không đạt chuẩn tiếng Anh.
Phong Châu
Theo Tiền Phong