Thứ bảy, 21/10/2017, 23h09

Nhiều trẻ mầm non mắc bệnh tay chân miệng

Bnh nhi đang đưc điu tr bnh TCM ti BV Nhi đng 2. Ảnh: T.Thương

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện trung bình mỗi tuần có khoảng 130 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) nhập viện. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 4.000 ca mắc nhập viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện mỗi ngày tiếp nhận từ 25 đến 30 ca điều trị nội trú. BS-CKII Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết: “So với 2 tháng trước, số ca mắc bệnh TCM nhập viện có tăng. Số trẻ nhập viện chủ yếu trong độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi, ngoài ra còn có trẻ trên 5 tuổi và dưới 12 tháng tuổi...”.

Một trong số những bệnh nhi đang điều trị tại BV Nhi đồng 2 là bệnh nhi Nguyễn Thị T.A (3tuổi). Bà Lương Thị Đạt (55 tuổi, Q.9) - bà nội của bệnh nhi T.A - kể: “Hơn 1 tuần trước, con gái tôi đón cháu từ nhà trẻ về và phát hiện bé có biểu hiện sốt, một số ban đỏ nổi ở cẳng tay và vùng miệng, sau đó các nốt ban chuyển thành bọng nước. Sau 2 ngày tự điều trị, bé không hạ sốt, gia đình liền đưa vào đây. Cho đến nay đã điều trị được 7 ngày, hiện bé không còn sốt, các nốt ban, bọng nước đang dần mất đi”.

Bệnh nhi Dương Nhật Q. (hơn 2 tuổi, Q.8) và bệnh nhi Nguyễn T.H (7 tháng tuổi, Q.5) cũng được gia đình đưa vào BV Nhi đồng 2 điều trị với những biểu hiện bệnh tương tự. Ba của bệnh nhi Nhật Q. cho hay: “Sau khi đón con từ nhà trẻ về, nhận thấy những biểu hiện bất thường nên gia đình vội đưa bé đến BV. Hiện nay tình trạng bé đã đỡ, bác sĩ chỉ định phải chờ đến khi bé khỏi hẳn mới được xuất viện về nhà vì sợ mang mầm bệnh lây nhiễm cho các bé khác”.

Theo BS. Châu Việt, bệnh TCM xuất hiện quanh năm, nhưng thường xuất hiện nhiều vào 2 mùa từ tháng 3 đến tháng 5, tháng 9 đến tháng 12. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây chu kỳ của bệnh TCM có sự xáo trộn khác thường và nhiều diễn biến phức tạp hơn trước. Điển hình như năm 2011-2012, bệnh TCM đột nhiên bùng phát dữ dội thành dịch, đỉnh dịch từ tháng 6 đến tháng 8.

“Trong các chủng virus gây bệnh TCM thì chủng Enterovirus 71 (EV71) là loại nguy hiểm nhất, dễ gây nên các biến chứng về thần kinh và tim mạch, khiến trẻ bị tổn thương não, liệt, phải sống đời sống thực vật, nặng nhất là tử vong. Biểu hiện khi mắc phải EV71 là trẻ sốt cao liên tục > 390, giật mình, rung tay chân, đi đứng loạng choạng, ói mửa. Đối với những trường hợp có một trong các biểu hiện này phải lập tức đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, nếu chậm trễ sẽ để lại những di chứng nặng nề”, BS. Châu Việt khuyến cáo.

Hiện bệnh TCM chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện đúng những quy tắc giữ gìn vệ sinh. Đặc biệt, “Bệnh do siêu vi khuẩn gây nên với biểu hiện là những bọng nước ở vùng tay, chân, miệng, cha mẹ nên thực hiện biện pháp cách ly (1 tuần) đối với trẻ khác để tránh lây nhiễm; không cần dùng thuốc, bệnh sẽ tự khỏi. Trong quá trình cách ly điều trị, cần theo dõi tình trạng của người bệnh, nếu phát hiện những biểu hiện khác cần đưa trẻ đến cơ sở y tế...”, BS. Châu Việt lưu ý.

Thương Thương