Thứ sáu, 25/11/2011, 09h11

Nhiều trường đại học tuồn "hàng giả" ra xã hội

Sắp tới, trường nào không đảm bảo chất lượng thì sẽ phải dừng tuyển sinh, thậm chí đóng cửa.
Sáng 24-11, các đại biểu (ĐB) QH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận với gần 40 lượt câu hỏi. Mặc dù QH đã phải làm việc thêm 30 phút nhưng trả lời của Bộ trưởng Luận vẫn chưa thuyết phục được các ĐB. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhiều lần cắt ngang, yêu cầu ông trả lời ngắn gọn, đi vào trọng tâm câu hỏi.
Rút kinh nhiệm vì thanh tra chưa hiệu quả
Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), hiện nay số lượng SV ra trường với bằng khá, giỏi ở nhiều trường chiếm tỉ lệ rất cao nhưng trên thực tế chất lượng SV ngày càng thấp. Nhiều trường cung cấp hàng nhái, hàng giả cho xã hội. ĐB Nam yêu cầu ông Luận cho biết trách nhiệm của mình trước thực trạng trên và giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục ĐH ngay trong năm học tới.
“Tôi có nhận được thông tin phản ánh rằng giữa kết quả thực về kiến thức và kỹ năng của SV với điểm số xếp hạng trên văn bằng là có khoảng cách. Để giải quyết việc này, Bộ đã chú ý vào việc tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, kiểm định chất lượng nhà trường, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra” - ông Luận trả lời.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn tiếp: “Trong trả lời của bộ trưởng có nói đến một số trường không đảm bảo chất lượng nên tuyển sinh không đủ. Tôi xin hỏi: Các trường không đảm bảo điều kiện chất lượng thì tại sao lại được cấp chỉ tiêu tuyển sinh cũng như được phép hoạt động và trách nhiệm này thuộc về ai?”.
Bộ trưởng Luận cho hay khi có quyết định thành lập trường, mở mã ngành đào tạo đều có đoàn thanh tra liên ngành của Bộ và các cơ quan khác xuống kiểm tra nhưng cũng có chuyện khi đoàn xuống, trường dẫn đến một cơ sở đảm bảo điều kiện nhưng khi đi vào hoạt động thực chất lại không phải ở cơ sở đó. “Năm 2010, Bộ đã dừng việc tuyển sinh của hai trường ĐH, đóng tuyển sinh tiến sĩ đối với 101 chuyên ngành. Tuy nhiên, chúng tôi thấy trách nhiệm của mình trong việc thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả và xin rút kinh nghiệm. Sắp tới, trường nào không đảm bảo chất lượng thì theo tinh thần nghị quyết của QH sẽ phải dừng tuyển sinh, thậm chí đóng cửa” - ông Luận nói.
Ông Tâm tỏ ra băn khoăn vì thông tin của Bộ trưởng Luận bởi “không lẽ đoàn kiểm tra liên ngành lại ngây thơ, để các trường “lừa” đẹp như vậy?”
Dạy thêm, học thêm: Kêu gọi lòng tự trọng của giáo viên!
Nhiều ĐB rất bức xúc về tình trạng lạm thu cũng như dạy thêm, học thêm tràn lan. ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này.
Ông Luận thừa nhận đây là một vấn đề nhức nhối mà QH đã đề cập đến không chỉ một lần. Ông nói: “Chúng tôi đã có chỉ đạo nhưng chưa giải quyết dứt điểm được. Nó có nhiều nguyên nhân như chương trình giảng dạy, học tập hiện nay như ĐB nói là nặng… Ngoài ra, do đời sống khó khăn, lương bổng thấp nên một bộ phận giáo viên đã bắt học sinh phải viết đơn “tự nguyện” đi học thêm”. Cũng theo ông Luận, để giải quyết triệt để việc dạy thêm, học thêm, thời gian tới cần tăng cường ý thức trách nhiệm và tự trọng nghề nghiệp của đội ngũ thầy, cô giáo và tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Đồng thời, cần có sự phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ và giám sát của các bậc phụ huynh, các tổ chức...
Tốt nghiệp 100%: Về cơ bản là phù hợp?
Về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 hàng trăm trường tốt nghiệp 100%, dư luận xã hội đang băn khoăn về thực chất của kết quả nói trên và cho rằng việc coi thi, chấm thi có vấn đề. Ông Luận cũng khẳng định: “Bản thân chúng tôi là những người có trách nhiệm theo dõi, quản lý, đánh giá việc này cũng đặt câu hỏi. Trong tổng kết của ngành, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo ngành phải đánh giá, kiểm tra, thanh tra để báo cáo với Thủ tướng về kết quả này xem có gì bất thường hay không. Chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương có kết quả thi tốt nghiệp, nhất là kết quả thi của giáo dục thường xuyên, nếu tăng đột biến thì phải tự đánh giá, báo cáo. Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra, phúc khảo, phúc tra lại kết quả thi thì đến thời điểm này, với báo cáo của các địa phương gửi về, cho thấy kết quả thi tốt nghiệp của năm 2011 về cơ bản là phù hợp”.
Về kết quả thi môn lịch sử thấp một cách bất thường trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng đề thi và đáp án môn này có vấn đề và đề nghị bộ trưởng phải xem lại. Ông Luận cho rằng ngành đã có chỉ đạo thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập, cố gắng giảm bớt việc học thuộc lòng. Học sử, thi sử là học các sự kiện, thi các sự kiện; giúp học sinh nâng cao nhận thức, tình cảm, ý thức thông qua việc học, nhất là học các môn khoa học xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thay đổi có nhiều bộ phận chưa theo kịp, các thầy cô cũng chưa quen.
Tuyển dụng không chỉ dựa trên văn bằng
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, quan điểm của Bộ là giữa trường công lập và ngoài công lập, giữa đào tạo tại chức và đào tạo chính quy không có sự phân biệt. Tuy nhiên, từ thực tiễn một số địa phương từ chối bằng ĐH tại chức và bằng của trường ngoài công lập thì đây là tiếng chuông cảnh báo để ngành xem xét, chấn chỉnh lại. “Chúng tôi nhất trí với ý kiến ĐB là cùng với việc đổi mới chất lượng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thì phải có đổi mới trong tuyển dụng. Phải tuyển dụng theo thực chất chứ không chỉ dựa trên hình thức văn bằng” - ông Luận nhấn mạnh.
THANH LƯU
Theo Phep Luat