Thứ bảy, 21/4/2018, 14h45

Nhiều trường ĐH hạ sàn hết cỡ!

Nhiều trường ĐH đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển trong đề án tuyển sinh năm nay. Đáng chú ý, có những trường đưa ra điều kiện xét tuyển tối thiểu là tốt nghiệp THPT hoặc trung bình mỗi môn trên 3 điểm.Một số trường thông báo điểm sàn rất thấp trong đề án tuyển sinh được đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT /// Hà Ánh
Một số trường thông báo điểm sàn rất thấp trong đề án tuyển sinh được đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. HÀ ÁNH
Điểm sàn là tốt nghiệp THPT
Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định bỏ điểm sàn chung (ngưỡng điểm tối thiểu nộp hồ sơ xét tuyển ĐH) cho các nhóm ngành ngoài sư phạm sau hơn 10 năm thực hiện kể từ 2004. Theo quy chế tuyển sinh chính quy được sửa đổi và ban hành, năm nay điều kiện tối thiểu để thí sinh (TS) nộp hồ sơ xét tuyển các ngành ngoài sư phạm chỉ gồm: tốt nghiệp THPT, điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển không có môn nào bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống).
Theo quy định, Bộ yêu cầu các trường phải dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày cuối cùng là 19.7. Nhưng ngay thời điểm này, nhiều trường đã chủ động công bố điểm sàn của trường mình trong đề án tuyển sinh. Đáng chú ý, nhiều trường đã công khai ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu là tốt nghiệp. Chẳng hạn, đề án Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng ghi: “Ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm nhận hồ sơ xét tuyển) với phương thức xét kết quả thi là đã tốt nghiệp, có kết quả thi THPT theo tổ hợp xét tuyển”.
Trường ĐH Bình Dương xác định mức điểm tối thiểu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH với TS thi THPT là 10 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển (gồm 3 môn/bài thi). Như vậy, điểm sàn trường này đưa ra ở đây chỉ cần trung bình trên 3 điểm/môn. Tương tự, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung cũng công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu với tổng điểm 3 môn của tổ hợp là 11, trong đó không có môn nào từ 1 trở xuống. Có nghĩa TS chỉ cần đạt trung bình 3,66 điểm/môn là đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển. Như vậy, so với điểm sàn chung năm ngoái (15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp) thì các trường này đã tự hạ điểm sàn riêng của trường xuống khá mạnh.
Thí sinh cần tỉnh táo
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ VN, cho rằng với quy chế năm nay các trường hoàn toàn có thể công bố mức điểm xét tuyển từ mức tốt nghiệp trở lên. Tuy nhiên, TS cần tỉnh táo bằng cách căn cứ điểm chuẩn trúng tuyển các trường những năm trước. Vì nếu điểm thi thấp nhưng đăng ký vào các trường thường có điểm chuẩn cao thì khả năng trúng tuyển thấp.
“Khi đăng ký nguyện vọng, TS cần căn cứ điểm chuẩn các năm trước và xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên có chiến lược để trúng tuyển ngành, trường mong muốn. Vì thật ra, có thể có những trường chỉ công bố điểm sàn 15 nhưng TS phải biết 15 điểm nộp vào các trường đó sẽ rớt. Do vậy TS phải biết điểm chuẩn các ngành của từng trường những năm trước để nộp hồ sơ”, tiến sĩ Nghĩa nói.
Lời khuyên này không sai khi nhìn vào điểm sàn và điểm chuẩn của các trường ĐH những năm trước đó. Năm 2016, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển các ngành bằng điểm sàn quy định của Bộ (15 điểm). Tuy nhiên điểm chuẩn nhiều ngành của các trường thành viên trên mức 20.
Đa số từ 15 trở lên
Có những trường đưa ra yêu cầu cao hơn, TS cần có điểm trung bình tối thiểu từng môn từ 5 trở lên.
Theo đề án tuyển sinh được công bố, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) sẽ nhận hồ sơ từ 15 điểm trở lên với 3 môn của tổ hợp xét tuyển dành cho các ngành ngoài sư phạm bằng phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia. Trường ĐH Kiên Giang cũng đưa ra quy định tổng điểm trong tổ hợp xét tuyển không dưới 15 điểm.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Nếu điểm sàn là tốt nghiệp, đây chính là sàn của sàn. Theo quy định năm nay, việc đưa ra mức sàn như vậy không sai nhưng cần một khoảng cách tương xứng giữa các bậc học THPT và vào ĐH. Tôi cũng không đồng ý quan điểm đưa ra điểm sàn quá thấp trong khi biết điểm chuẩn là không thể thấp như vậy”.
Với quan điểm đó, tiến sĩ Lý cho biết Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dự kiến có 4 mức điểm sàn riêng cho các nhóm ngành. Cụ thể, nhóm ngành có điểm nhận hồ sơ cao nhất (20 điểm) gồm: công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, thú y... Nhóm ngành có mức sàn 17 sẽ gồm các ngành về lâm nghiệp và chế biến lâm sản. Hầu hết các ngành còn lại của cơ sở chính tại TP.HCM sẽ có mức sàn 18. Riêng các ngành đào tạo tại 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận năm ngoái điểm sàn 15,5 thì năm nay có thể cao hơn, do lần đầu tiên trường mở rộng phạm vi tuyển sinh ra cả nước.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển vào trường năm nay là 15. Tuy nhiên đây chỉ là dự kiến, tùy vào kết quả thi và số lượng hồ sơ nộp vào trường có thể sẽ điều chỉnh mức điểm khác nhau cho các ngành.
Hà Ánh/TNO